Chỉ 6 phút/ngày để nuôi dạy con thành tài nhưng 98% các bậc phụ huynh không hay biết: Hãy nghe bí kíp của nhà giáo dục Trung Quốc lỗi lạc này!

Đối với con cái, cha mẹ chính là người giáo viên giỏi nhất, quan trọng nhất. Vì thế, đừng tiếc 6 phút mỗi ngày để giáo dục con, đảm bảo cho con một tương lai tươi đẹp sau này.

Đào Hành Tri là một trong những nhà giáo dục, nhà cải cách lỗi lạc của Trung Quốc. Ông đã khiến cho nhà sử học nổi tiếng Quách Mạt Nhược phải thốt lên rằng: "2000 năm trước có Khổng Tử, 2000 năm sau có Đào Hành Tri".

Đào Hành Tri từng khẳng định: "Giáo dục chân chính là hoạt động kết nối những tâm hồn lại với nhau. Bạn chỉ có thể chạm vào sâu thẳm trái tim người khác khi hành động của bạn xuất phát từ chính trái tim mình. Đó mới thực sự là giáo dục."

 - Ảnh 1.

Đào Hành Tri.

Mọi người vẫn hay so sánh: "Trẻ em như một tờ giấy trắng, chúng sẽ là những tác phẩm hay hay dở đều phụ thuộc vào những gì bạn viết lên trang giấy ấy". Chính vì vậy, vai trò của các bậc phụ huynh là vô cùng quan trọng. Họ là những người đầu tiên trẻ tiếp xúc, cũng là những người đầu tiên trẻ ở bên. Chỉ cần dành 6 phút mỗi ngày để làm điều này, cha mẹ sẽ giáo dục con mình nên người.

1 phút để lắng nghe

Đào Hành Tri đã nói: "Mọi người thường cho rằng trẻ em còn quá nhỏ để hiểu chuyện, nên không cần phải bận tâm tới lời chúng nói. Nhưng nếu nghĩ như vậy, bạn thậm chí còn chẳng bằng một đứa nhỏ. Chỉ khi cha mẹ thực sự lắng nghe, họ mới nhận ra con mình biết nhiều tới chừng nào".

Ngay từ khi mới sinh, trẻ đã học được cách quan sát và bắt chước xung quanh để hình thành thế giới quan của riêng mình. Chúng cũng biết biểu lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình, chỉ là người lớn không nhìn ra, cũng không chịu hiểu. Nếu không được lắng nghe thường xuyên, trẻ sẽ dần trở nên tự ti, nhút nhát vì nghĩ rằng chẳng ai cần mình. Rồi sau này, chúng sẽ không dám bày tỏ ý kiến khi đi học hay đi làm.

Vì vậy, cha mẹ cần phải đi vào thế giới của con, lắng nghe suy nghĩ, cảm xúc của chúng. Nhờ đó, con sẽ có thêm tự tin vào bản thân và phát triển được các kỹ năng xã hội. Bạn cũng sẽ biết được trẻ con thực sự hiểu đến mức nào.

 - Ảnh 2.

1 phút để bày tỏ tình cảm

Đào Hành Tri cũng từng nói: "Tình yêu là một loại sức mạnh vĩ đại. Thiếu đi tình yêu sẽ không thể có giáo dục".

Như vậy, giáo dục con không chỉ là cho con hiểu biết, mà còn là cho con tình yêu thương. Cha mẹ có thể bày tỏ cảm xúc của mình thông qua từng cử chỉ nhỏ nhất, có thể là một cái xoa đầu, một ánh mắt trìu mến, một cái ôm chặt, một lời động viên. Đó là sự cổ vũ tinh thần tuyệt vời nhất mà trẻ nhận được.

Tuy nhiên, đừng bao giờ nghĩ rằng: "Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Quan niệm này không còn đúng trong cuộc sống hiện đại nữa. Đừng bao giờ lấy tình yêu ra làm cớ để quát mắng, đánh đập khi con làm sai hay nghịch ngợm. Đừng bao giờ lấy sự quan tâm ra làm lá chắn để tước đi điều con muốn làm, chỉ vì sợ con sẽ tổn thương.

Nếu bạn thực sự yêu thương con, hãy yêu thương con bằng tất cả sự tôn trọng của mình.

1 phút để tham gia cùng con

Đào Hành Tri có câu: "Hành động là cha, kiến thức là con, sáng tạo là cháu".

Cha mẹ không thể chỉ giáo dục con cái bằng những lời nói suông, mà phải chứng minh bằng hành động. Vì vậy, sự tương tác giữa cha mẹ và trẻ là cầu nối vô cùng quan trọng để gắn kết tình cảm giữa hai bên.

Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu xem con thích gì và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động của con. Nhờ vậy, bạn sẽ hiểu hơn về nội tâm của trẻ. Ngược lại, trẻ con cũng rất tò mò, muốn được tham gia vào thế giới người lớn. Do đó, bạn có thể cho con tham dự một số công việc của gia đình để con cảm thấy trưởng thành, có trách nhiệm hơn, ví dụ như rửa bát, quét nhà, tưới cây,...

Nhiều phụ huynh cho rằng con mình còn quá bé nên không cho chúng "động chân động tay" vào bất cứ điều gì. Đã vậy, họ còn xem nhẹ những hoạt động của trẻ vì nghĩ đó là "trò trẻ con". Đây là tư duy sai lầm cần loại bỏ. Dù là người lớn, bạn cũng phải lắng nghe và tôn trọng ý kiến con trẻ, hướng dẫn trẻ trong quá trình hoạt động cùng nhau.

 - Ảnh 3.

1 phút để khen ngợi

Nhà cải cách giáo dục này từng kể lại một câu chuyện: Con trai của bạn ông vô cùng nghịch ngợm, chẳng may làm đứt dây đồng hồ đắt tiền bố mới mua. Người bố liền mắng con thậm tệ, cho dù thằng bé cố gắng lắp lại. Thấy vậy, Đào Hành Tri trách bạn: "Anh đã hủy hoại một Edison rồi".

Sau đó, ông đưa đứa trẻ đến cửa hàng đồng hồ xem thợ sửa. Cậu bé chăm chú quan sát, trong lòng cực kỳ thích thú. Vậy là, cậu bé này không chỉ được sửa sai, mà còn có cơ hội học hỏi từ người sửa đồng hồ.

Theo Đào Hành Tri, mỗi đứa trẻ đều có ưu điểm riêng, đừng chỉ nhìn vào nhược điểm của chúng bằng đôi mắt của người làm cha mẹ. Do đó, các bậc phụ huynh nên tìm ra điểm mạnh của con mình và khen ngợi chúng. Từ đó trẻ mới phát huy được lợi thế sẵn có của mình, thay vì giấu nhẹm đi vì xấu hổ.

1 phút để động viên

Đào Hành Tri từng nói: "Bí mật của giáo dục, đó là tin tưởng vào trẻ và để trẻ được tự do".

Trong một lần phát biểu ở ĐH Vũ Hán, ông đã đưa ra ví dụ như sau: Ông lấy một nắm thóc ra khỏi hộp, rồi cầm cổ con gà và nhét nắm thóc vào miệng nó. Dù đang rất đói nhưng con gà không chịu ăn. Chỉ tới khi ông buông con gà ra và lùi lại, nó mới bắt đầu tự ăn.

Nhà giáo dục này cho biết, giáo dục cũng giống như cho gà ăn. Trẻ em phải được tự do sáng tạo thì mới có thể nên người. Bản thân mỗi đứa trẻ đã là một thiên thần, vậy nên đừng bao giờ so sánh con mình với con nhà người ta. Thay vào đó, hãy động viên trẻ tự đứng trên đôi chân mình, trẻ sẽ tự lập và tự tin hơn rất nhiều.

 - Ảnh 4.

1 phút để phê bình

Dù muốn yêu thương, bao bọc con đến đâu, cha mẹ cũng cần biết phê bình mỗi khi con phạm sai lầm. Cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới hành vi sai trái của con để biết cách điều chỉnh lại.

Có lần, Đào Hành Tri thấy một cậu bé đánh bạn. Ông liền mời học sinh đó vào phòng, cho cậu bé một viên kẹo thay vì vội vã quát mắng. Dù rất ngạc nhiên nhưng cậu học sinh đó vẫn đón lấy viên kẹo. Lúc này, cậu bé mới trình bày rằng, mình đánh bạn vì bạn đã bắt nạt các bạn gái trong lớp.

Đào Hành Tri liền nói: "Con là người công bằng, biết bảo vệ các bạn yếu thế hơn. Con xứng đáng được thêm một cái kẹo nữa". Tuy nhiên, cậu bé từ chối và đáp: "Con biết mình đánh bạn như vậy là sai". Ông nói với cậu bé: "Con biết mình sai là được rồi. Đừng quên sửa chữa lỗi lầm đó".

Cha mẹ là những người mà trẻ không bao giờ phải đề phòng. Vậy nên, họ có thể phê bình và giúp con sửa chữa sai lầm mà không khiến con xấu hổ hay tự ái. Có như vậy thì trẻ mới trở thành người đứng đắn trong tương lai.

(Theo Cmoney)

 

Theo Trí thức trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang