Bỉm lên giá ư? Ồ không, con gái mình mới là vô giá!
Nhiều bố mẹ "khủng hoảng" khi lần đầu có con, nhưng riêng với Bảo Châu (27 tuổi, ở Sài Gòn) thì hoàn toàn ngược lại. Châu có một con gái nhỏ chưa đầy 2 tuổi, ai cũng nghĩ 2 mẹ con sẽ đối mặt với 1001 khó khăn nhưng Châu không cần ai hỗ trợ cả về chăm con lẫn tiền bạc. Cô dành toàn bộ thời gian để làm việc tại nhà, vừa dạy ngoại ngữ online vừa nuôi dạy bé Sữa và chưa từng than phiền khi làm mẹ đơn thân. Thậm chí, ngôi nhà chỉ có 2 mẹ con và chú chó Bon luôn ngập tràn tiếng cười.
Châu chia sẻ, hàng tháng chi phí dành riêng cho Sữa rơi vào khoảng 10 triệu. Đó là khoản tiền không nhỏ nhưng cũng không quá lớn, đủ để bé Sữa không thiếu thốn gì.
"Mình có thu nhập ổn định nên hoàn toàn đủ điều kiện nuôi con, nhưng cũng không có nhu cầu chọn các sản phẩm quá đắt đỏ, từ bỉm sữa đến đồ ăn đều chọn loại phù hợp với con thôi. Bỉm mua theo thùng xài khoảng hơn 2 tháng, quần áo mua hàng hiệu bình dân đủ cho con xài, vì tụi nhỏ lớn nhanh lắm, mua nhiều uổng.
Mình có niềm đam mê bất diệt là diện đồ xinh cho Sữa, dù là ở nhà hay la cà đây đó thì bé luôn ăn mặc chỉn chu, cứ dành cho con là mình bung lụa hết. Trước giờ mình chi tiêu cũng cẩn trọng lắm, nhưng có 3 khoản mình không bao giờ tiếc tiền: 1 là dinh dưỡng, 2 là giáo dục, 3 là thời trang cho con. Có mỗi cô con gái cưng bé bỏng thôi, vài năm nữa là lớn rồi, giá bỉm sữa tăng lên thì mình cũng không lăn tăn lắm".
Bố mẹ nghỉ đi du lịch là thừa tiền mua bỉm mới cho con
Cũng có con gái nhỏ 2 tuổi như Châu và sống ở quận trung tâm Sài Gòn, song vợ chồng Minh Trung – Ý Thy lại có quan điểm "có bao nhiêu xài bấy nhiêu, mua đồ ít nhưng tốt". Thu nhập trung bình của cặp vợ chồng trẻ khoảng 20 triệu/ tháng, trong đó 1/3 để tiết kiệm, 1/3 dành riêng để nuôi bé Xí Muội. Bảng chi tiêu của cặp đôi thay đổi khá nhiều sau khi có thêm 1 thành viên nhí, hầu hết là "chuyển dịch" từ bố mẹ sang con.
Ông bố 29 tuổi tâm sự: "Trước đây chưa có con thì tụi mình tiêu xài khá thoải mái, thường xuyên mua quần áo mới, du lịch đều đặn 2 tháng 1 lần xa gần tùy sở thích. Nhưng Xí Muội ra đời ra tụi mình cắt giảm hết mua sắm quần áo, du lịch nọ kia. Ăn uống chung với bố mẹ, điện nước không phải lo. Xăng xe thì 500k/ tháng 2 vợ chồng, nghỉ dịch 5 tháng coi như không mất xu nào nữa. Khoản tốn nhất hiện tại chỉ có bỉm và sữa cho con thôi. Mình cũng đọc thông tin trên mạng chuyện tăng giá bỉm sữa, nhưng tăng ít thì vẫn lo được, tăng nhiều mới xem xét cân đối lại chi tiêu".
Dù không phải đại gia nhưng vợ chồng Trung – Thy cũng may mắn không gặp khó khăn gì về tài chính, vẫn thoải mái sinh hoạt và nuôi con nhỏ. Ông bố trẻ tiết lộ sẵn sàng tiết kiệm thêm các khoản khác của 2 vợ chồng, miễn sao bé Xí Muội được đủ đầy và khỏe mạnh.
Riêng vấn đề "có tiền mới nên đẻ" mà nhiều người tranh cãi hiện nay, Trung cho rằng ý kiến này không sai, nhưng theo anh thì các cặp vợ chồng nên thống nhất tính toán chi phí trước và sau khi sinh em bé.
Chỉ cần là cho con thì chi bao nhiêu cũng đáng
Nhìn vào khoản thu nhập 200 – 300 triệu/ tháng của vợ chồng chị Quyên Trần (Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều mẹ bỉm cảm thấy ngưỡng mộ vô cùng. Giữa thời buổi dịch bệnh khó khăn, vợ chồng chị Quyên cũng bị ảnh hưởng nên thu nhập giảm đi vài phần, song chị vẫn cố gắng nuôi dưỡng 2 con nhỏ trong môi trường tốt nhất.
Cả 2 bé Sữa và Đậu nhà chị Quyên đều sắp sửa qua giai đoạn bỉm sữa nên hiện tại chị Quyên đau đầu nhất với chi phí học hành của các con. Bà mẹ xinh đẹp chia sẻ: "1 tháng chi phí trung bình dành cho 2 bé khoảng 30 triệu tiền học. 10 triệu cho chị lớn Đậu học các bộ môn năng khiếu. Đậu thì đã cai bỉm, còn Sữa thì dùng bỉm Rascal + Friends, chi phí và hiệu quả dùng rất phù hợp. Thi thoảng mình còn săn sale trên mạng nữa nên mua sẵn vài thùng cho bé dùng. Nói chung cũng không áp lực lắm, nếu bị đội chi phí nuôi con lên thì mình vẫn sắp xếp được".
Trước đây Quyên không có thói quen tính toán thu nhập, nhưng từ khi có 2 bé thì chị phải cân đối các khoản chi phí rõ ràng. Theo quan điểm của Quyên, việc nuôi 1 em bé không đơn thuần chỉ là cho ăn, vì trẻ con "có đầu có đuôi" nuôi lâu cũng lớn. Bởi vậy, chị không đầu tư quá nhiều về việc bồi bổ ăn uống, cứ đồ đắt là mua, điều chị quan tâm hơn cả là thời gian bố mẹ dành cho con để nuôi dưỡng, để dạy dỗ tâm hồn, tư duy các con được phát triển trọn vẹn nhất.
Sinh đôi không có nghĩa là cái gì cũng phải x2!
"Vượt cạn" đúng thời điểm Hà Nội bắt đầu giãn cách căng thẳng, chị Minh Ngân có nhiều trải nghiệm ở cữ khá thú vị. Người khác nuôi 1 bé sơ sinh đã bối rối lắm rồi, nhưng Minh Ngân đặc biệt hơn vì chị đẻ hẳn được 1 cặp sinh đôi!
Thế là mọi thứ trở nên lạ lẫm gấp đôi với bà mẹ 8X cùng ông xã người Mỹ. Từ lúc biết mang bầu song thai, vợ chồng Minh Ngân đã chuẩn bị sẵn cả tinh thần và tài chính để chăm sóc tốt nhất cho các con. Sau vài tháng nghỉ giãn cách, Ngân cảm thấy may mắn vì không gặp khó khăn trong chuyện chi tiêu dù nhà có thêm 2 thành viên mới.
Ngân hào hứng chia sẻ: "Vợ chồng mình trộm vía có thu nhập đủ để sống thoải mái, vừa có khoản tiết kiệm để đi du lịch và dành riêng cho tương lai. Sau khi cưới, bọn mình chưa vội có con ngay vì muốn tận hưởng thời gian vợ chồng son và khi bắt đầu tính chuyện có con thì chúng mình có bàn nhau về vấn đề tài chính.
Dù có chuẩn bị là vậy nhưng khi con ra đời, 2 tháng đầu, việc chi tiêu vẫn vượt quá dự tính đến chóng mặt. Một phần vì nhà mình đón 2 bạn cùng lúc, một phần vì lần đầu lên chức phụ huynh nên sự chuẩn bị của vợ chồng mình còn thiếu sót và khá mộng mơ. Cụ thể, mình chỉ tập trung mua đồ đẹp cho con thay vì những thứ thật sự thiết yếu. Cứ thấy đẹp đẹp xinh xinh là "quất" chứ có biết đâu là còn lâu con mới dùng tới mấy món cute đó! Thế là 2 tháng đầu sau sinh, mình tốn tận nửa tháng lương trung bình của 2 vợ chồng vào việc sửa chữa sai lầm của quá trình chuẩn bị. Khoản tốn kém nhất khi có con là bỉm, sữa và nhờ người hỗ trợ chăm 2 bé".
Để giảm chi phí nuôi con, Minh Ngân rút ra kinh nghiệm trong việc chi tiêu cho 2 bạn sinh đôi với một số bài học "xương máu". Không phải cứ dư dả tiền bạc là phung phí đâu các mẹ!
- Tăng xin giảm mua, đặc biệt là quần áo. Trẻ con lớn nhanh lắm, nhà lại có 2 bạn nên cực kỳ tốn đồ thay. May mắn là Ngân được một người bạn cũng sinh đôi cách mấy tháng nên được cho kha khá quần áo.
- Không nhất thiết phải dùng đồ thật đắt. Nhà mình thường mua các mặt hàng size nhỏ hoặc xin sản phẩm dùng thử trước khi mua số lượng lớn hoặc tin dùng thường xuyên. Mình cam đoan là có những sản phẩm giá rất bình dân mà chất lượng tương đương sản phẩm đắt đỏ.
- Sinh đôi không có nghĩ là cái gì cũng gấp đôi. Có nhiều thứ các con có thể dùng chung ví dụ như sách, đồ chơi… nên mua số lượng 1 là được.
- Săn sale thật lực. Khi đã chọn được những sản phẩm ưng ý về chất lượng và giá thành, mình sẽ săn sale quần quật! Thời buổi dịch bệnh cứ thấy các web sale đồ trẻ em là mình lao vào mua ngay, còn làm thân cả với nhân viên bán hàng để được "mách" trước các đợt giảm giá.
- Tiết kiệm trong các khoản sinh hoạt khác. Từ khi có con, vợ chồng mình tự nấu ăn ở nhà nhiều hơn, thường xuyên nhắc nhau tiết kiệm điện, nước để giảm chi phí… Mình sinh đôi và không có quá nhiều sữa nên nếu giá bỉm sữa tăng thì chắc chắn mình sẽ lo lắng, nhưng kiểu gì cũng có cách khắc phục thôi, đổi sang sản phẩm rẻ hơn nhưng chất lượng vẫn tốt chẳng hạn.
Kết
Tiền tã bỉm, tiền sữa, con khóc, con đói, con ốm, tiền đi viện, tiềm mua bảo hiểm, tiền quần áo thuốc men… Tất cả đều là nỗi ám ảnh với các ông bố bà mẹ. Đẻ con đau đớn là một chuyện, nhưng nuôi con còn vất vả hơn bội phần, trong đó chi phí dành riêng cho một em bé trưởng thành không phải là con số nhỏ.
Thị trường giá cả thì biến động theo từng ngày, vậy theo bạn thì bố mẹ lương 200 triệu và bố mẹ lương 20 triệu sẽ phải làm thế nào để có một kế hoạch chi tiêu hoàn hảo nhất cho những thiên thần nhỏ của mình?
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.