Không ai được chọn nơi mình sinh ra, ai cũng muốn mình có một gia đình hạnh phúc. Những em nhỏ luôn mong muốn mình được bố mẹ che chở yêu thương, một mái ấm gia đình. Nhưng nhiều em gần như đã mất đi hoặc chưa từng được nhận những tình yêu thương ấy từ khi còn rất nhỏ.
Tại triển lãm có rất nhiều các tâm tư, ước mơ của các em nhỏ hướng về một gia đình hạnh phúc.
Đa số những nỗi đau mà các em phải gánh chịu bắt nguồn từ hệ quả đáng tiếc của nhiều vấn đề như bạo lực gia đình, mang thai ngoài ý muốn, kinh tế khó khăn, bệnh tật hoặc ly hôn,…Khiến nhiều bậc cha mẹ không thể mang lại niềm hạnh phúc cho con cái của mình từ khi các em còn quá nhỏ.
Sống cô đơn thiếu thốn tình cảm gia đình, nhiều đứa trẻ luôn mơ ước về một mái ấm về một ngày có một gia đình như chúng bạn hay đơn giản hơn là được một được gặp những người đã sinh ra mình. Bên cạnh đó, nhiều đứa trẻ đã chai lì với sự cô đơn thiếu thốn ấy và chỉ biết làm quen với sự cô đơn giấu kín nỗi buồn sâu thẳm.
Những câu truyện, chia sẻ của các em khiến nhiều người không kìm được lòng.
Tại triển lãm"giấc mơ gia đình" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức (từ ngày 7 đến 27/10) đã có rất nhiều đứa trẻ bất hạnh nói lên những suy nghĩ, nỗi lòng và cả những mơ ước của mình.
Nhân vật chính trong cuộc triển lãm là 20 đứa trẻ có độ tuổi khác nhau, đến từ nhiều tỉnh, thành phố và dân tộc khác nhau.Nhưng tất cả các em đều có điểm chung là phải sống thiếu vắng tình thương yêu của gia đình, cha mẹ hoặc gánh chịu những nỗi đau, tổn thương tâm lý từ chính nơi các em được sinh ra.
Mỗi em có một hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng đều chung một mơ ước có một mái ấm tình thương.
Bước sang tuổi 14, em Quánh Trung Hiếu (quê Hưng Yên) đã quá quen với sự cô đơn, thiếu thốn tình cảm từ gia đình. Cả tuổi thơ của em là một màu xám khi không được bố mẹ che chở, yêu thương.
"Con đã khóc rất nhiều, bố bỏ đi khi con còn nhỏ. Mẹ đi làm không đủ sức nuôi 2 anh em nên đưa con lên đây khi con 7 tuổi. Lúc mới lên con khóc nhiều rồi lâu cũng quen. Hồi con đến, ở đây có hai mươi mấy người các anh chị ở chung với nhau vui vẻ. Nhưng buồn nhất là đến tuổi trưởng thành các anh đi hết", Trung Hiếu chia sẻ về tuổi thơ bất hạnh của mình.
Với Trung Hiếu, cả tuổi thơ em là một màu xám u ám.
Nhiều người viết lên những tâm tư, mơ ước của mình.
Những em không được bố mẹ bao bọc, che chở thường có một tuổi thơ đau buồn.
Đối với em Sèn Thị Thoi dù năm nay bước lên 18 tuổi nhưng em vẫn không thể nào quên được về những ký ức tuổi thơ của cuộc đời mình: "Con tủi thân lắm, năm học lớp 9 con chuyển đến học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Si Ma Cai. Vừa học, con vừa đi rửa bát, lau nhà thuê để lấy tiền đóng học phí và gửi về phụ giúp ông nội nuôi các em. Các bạn được bố mẹ đến thăm thường xuyên, còn con thì không, con tủi thân lắm, nhiều lúc nước mắt cứ trào ra".
"Con chờ mãi mà không thấy mẹ đón", lời mở đầu của những dòng tâm sự của em Hồ Thị Cát Tường Vi (SN 2002, ở Nha Trang) khiến nhiều người không kìm được lòng. Em bị bỏ rơi từ khi lên 2 tháng tuổi, những ký ức về câu chuyện buồn của bản thân mà em nghe lại được vẫn cứ đeo bám em suốt gần 20 năm qua.
Những ký ức đau buồn vẫn đeo bám Tường Vi suốt gần 20 năm qua.
Nhiều em nhỏ trải lòng tại buổi triển lãm.
"Một gia đình hạnh phúc" gần như là mong ước của tất cả các em nhỏ.
"Mẹ con bây giờ là người được mướn bế con. Khi 2 tháng tuổi, mẹ ruột không trả lương, viết giấy cho con đi. Mẹ nuôi thương quá mang con về chăm sóc. Đến nửa năm lớp 1 không nuôi nổi, đành đưa con vào làng SOS, bảo con vào học tối mẹ đón về. Nhưng chờ mãi chẳng thấy mẹ đến đón", những chia sẻ của Tường Vi khiến nhiều người không kìm được nước mắt.
Đối với em Lường Văn Thuận, (năm nay 19 tuổi, quê Sơn La), cả tuổi thơ của em là những chuỗi ngày u ám: "Các bạn kỳ thị vì con không có bố mẹ", lời mở đầu của những dòng tâm sự của Thuận khiến không ít người chết lặng.
Những dòng tâm sự của Thuận khiến không ít người chết lặng.
Ước mơ chỉ là một cái ôm thật chặt nhưng sẽ không bao giờ trở thành hiện thực được nữa.
Một mái ấm gia đình được bên bố mẹ là tất cả những gì các em cần.
"Thời gian học cấp 1 cho đến tận năm lớp 8 con hay bị các bạn kỳ thị nói con không có bố mẹ. Khi con còn nhỏ chỉ thấy buồn, cô đơn, thiếu thốn tình cảm. Lớn hơn một chút khi bị trêu như vậy con đã phản ứng, nhiều khi gây gổ đánh nhau với các bạn", Văn Thuận trải lòng.
Không chỉ có các em như Hiếu, Thoi, Tường Vi, Luận,… Dù mỗi em có một hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng tất cả các em đều mong ước bản thân mình có một mái ấm, hay đơn giản hơn là một lần được ôm bố mẹ vào lòng.
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.