“Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”- Quyển sách thức tỉnh hàng ngàn bà mẹ Việt

Giai đoạn từ 0 - 3 tuổi chính là “thời kì thích hợp” để nuôi dạy một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn, vui vẻ, có trí tuệ thông minh và khỏe mạnh. Nghe có vẻ không hợp lý cho lắm, nhưng nếu bạn đọc qua cuốn sách “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” thì bạn sẽ phải “gật gù” với những quan điểm tuyệt vời của tác giả.

Nhiều người thường quan niệm chỉ cần sinh con ra thì ai cũng có thể trở thành cha mẹ. Nhưng làm cách nào để trở thành cha mẹ tốt thì không phải ai cũng biết. Đó là một hành trình vất vả, đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng yêu thương và có phương pháp giáo dục đúng đắn.

Là một bà mẹ 9X, tôi đang phải “đau đầu” tìm ra cách dạy con hoàn hảo nhất, theo phương pháp cổ truyền hay phương pháp hiện đại luôn là trăn trở của tôi. Tôi không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, lên các diễn đàn chia sẻ cách nuôi dạy con, đọc nhiều sách liên quan đến con trẻ. Và dĩ nhiên tôi chỉ quan tâm đến những sách làm sao để con mau tăng cân, làm sao để con khỏe mạnh... cho đến khi tôi bắt gặp “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” , một cuốn sách cho tôi biết mình cần phải học cả cách giáo dục con ngay khi còn nhỏ.  


Quyển sách thức tỉnh hàng ngàn bà mẹ Việt

“Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” là quyển sách bàn về phương pháp giáo dục trẻ em trong giai đoạn từ 0 - 3 tuổi của tác giả Ibuka Masaru, ông đồng thời là người sáng lập ra tập đoàn Sony. Quyển sách được viết ra dựa trên những công trình nghiên cứu về não bộ và di truyền học trong nhiều năm. Cuốn sách đã phá vỡ định kiến của nhiều bậc cha mẹ cho rằng giai đoạn trẻ từ 0-3 tuổi là khoảng thời gian để trẻ phát triển tự nhiên và chưa cần giáo dục gì nhiều.

Theo Ibuka Masaru, sự phát triển về trí tuệ và năng lực của trẻ được quyết định trong khoảng thời gian này, đây chính là thời kì thích hợp để nuôi dạy một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn, vui vẻ, có trí tuệ thông minh và khỏe mạnh. Dĩ nhiên, nội dung cuốn sách không sử dụng những phương pháp dùng để ép con thành thiên tài, hay giết chết tuổi thơ của trẻ mà giúp các bậc cha mẹ hiểu hơn về giai đoạn quan trọng tuổi ấu thơ, giúp phát triển những tiềm năng của trẻ.

“Các bậc phụ huynh không cần thiết phải suy nghĩ thái quá rằng giáo dục tuổi ấu thơ là một cái gì đó ghê gớm. Bởi vì giáo dục tuổi ấu thơ chỉ là một giai đoạn chuẩn bị trước khi bắt đầu vào một giai đoạn giáo dục thực sự và nó là thời điểm thích hợp để nuôi dạy con trẻ mà người khám phá ra thời điểm đó chỉ có duy nhất người mẹ mà thôi”, tác giả chia sẻ.

Hiểu thấu đáo những thời kì phát triển của con và cách thức ghi nhớ, vận hành của não bộ của chúng, cha mẹ sẽ giúp trẻ học hỏi và tiếp thu tốt hơn, rèn luyện những đức tính và thói quen tốt từ khi còn nhỏ, đặt nền móng vững chắc cho những giai đoạn tiếp theo của trẻ.


0-3 tuổi là thời kì thích hợp để nuôi dạy một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn, vui vẻ, có trí tuệ thông minh và khỏe mạnh

“Không ít bà mẹ đã từng thốt lên rằng: "Thằng con tôi nó giống bố nó, chẳng có chút gì gọi là năng khiếu về hội họa hay âm nhạc cả", hay là: "Chồng tôi là nhà văn, con tôi viết văn hay vì nó được thừa hưởng tài năng từ bố nó". Phải thừa nhận rằng, có nhiều trường hợp con của nhạc sĩ lại trở thành nhạc sĩ, con của học giả sẽ trở thành học giả, và trong thành ngữ Nhật cũng có câu "Con của cóc thì lại là cóc", "Dưa chuột thì không thể đẻ ra cà tím".

Tuy nhiên, ở đây không hề tồn tại thứ gọi là "giống bố", hay "tài năng di truyền từ bố", đơn giản chỉ bởi đứa trẻ đó được sinh ra và lớn lên trong môi trường như thế nào mà thôi. Môi trường sống mà cha mẹ tạo nên chính là môi trường nuôi dạy con cái lớn khôn, tài năng của trẻ được vun đắp từng ngày ờ môi trường đó, trẻ có những sở thích và niềm say mê bởi trẻ được tiếp xúc với chúng hàng ngày.”

Một người bạn của tôi, cùng là một bà mẹ bỉm sữa đã vô cùng ngạc nhiên khi đọc quyển sách này. Cô ấy chia sẻ: “Quả thật kiến thức của mình còn nhiều hạn hẹp, từ việc không đánh giá đúng những tiềm năng của tuổi ấu thơ, đến cách tương tác, giao lưu với con cái, cách tạo ra những thói quen tốt của trẻ… với “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”, mình thật sự đã tìm ra đâu là phương pháp tốt nhất để dạy con và hình thành nên tính cách, trí tuệ cho cháu.”

Bên cạnh đó, không chỉ làm rõ tầm quan trọng của giáo dục trong độ tuổi này, quyển sách còn mang đến cho các bậc phụ huynh những phương pháp giáo dục trẻ sơ sinh hết sức đơn giản nhưng lại hiệu quả trên cả tuyệt vời. Trong đó, hai điểm đáng chú ý nhất chính là môi trường nuôi dạy trẻ và sự hiện diện của người mẹ. Hãy nhớ rằng, “Nuôi dạy trẻ tuổi ấu thơ không nhằm tạo ra những thiên tài” mà nhằm khơi dậy những tiềm năng, hình thành tính cách tốt đẹp và tạo ra môi trường phát triển toàn diện cho con. Hãy nhớ, dù bạn áp dụng bất kỳ phương pháp nào đi chăng nữa!

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang