Chọn lớp, chọn cô tạo áp lực không đáng có

(lamchame.vn) - Việc đại diện phụ huynh một lớp học (Nghệ An) đề nghị cha mẹ góp tiền để chọn “giáo viên tốt” đã tạo nên những bức xúc từ gia đình, xã hội khi cố tình tạo ra sự thiếu công bằng, tiêu cực trong môi trường giáo dục. Đáng nói hiện tượng trên không phải là hi hữu dịp đầu năm học và rất cần loại bỏ.

Chọn lớp, chọn cô tạo áp lực không đáng có - Ảnh 1.

Lợi ích của giáo dục thuộc về thế hệ tương lai chứ không phải thầy tốt thì trò hay. Ảnh minh họa

Minh bạch từ bố trí nhân lực

Việc chọn trường, lớp, giáo viên… không mới. Để ngăn chặn triệt để và tạo ra công bằng cho học sinh, các trường đã có nhiều giải pháp từ quản lý chuyên môn, bố trí sắp xếp giáo viên, học sinh phù hợp, hiệu quả.

Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) có 40 lớp và gần 2.000 học sinh. Việc bố trí giáo viên, sắp xếp lớp đảm bảo công bằng, minh bạch. NGƯT Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng, cho biết: Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, trường luôn chú trọng để không có độ chênh quá lớn về chuyên môn. Như vậy, khi bố trí sắp xếp giáo viên giảng dạy ở khối lớp nào cũng sẽ đảm nhiệm được và tạo nên chất lượng chung.

Việc sắp xếp giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào năng lực từng thầy cô, đặc thù mỗi lớp học, hiệu trưởng sẽ quyết định sao cho phù hợp nhất chứ không theo nguyện vọng, mong muốn của bất kỳ phụ huynh nào. Trường hợp giáo viên đề xuất dạy lớp A, B…, ban giám hiệu sẽ xét vào yếu tố phù hợp và không phù hợp của nhà trường bên cạnh lý do giáo viên nêu ra. Không có sự "ưu ái" nào bởi giáo viên tiểu học được đào tạo toàn cấp khi ra trường phải đảm đương được công việc dạy học từ lớp 1 đến lớp 5.

“Trong sắp xếp đầu cấp (lớp 1), trường phân chia đều tỷ lệ nam nữ giữa các lớp, học sinh được xếp lớp một cách ngẫu nhiên, hoặc phân bố theo tổ dân cư... Không lựa chọn đối tượng, ưu tiên với lớp nào để tạo ra sự công bằng đầu vào cho giáo viên nhận lớp”, cô Kim Ngọc nói.

Để phân lớp đầu cấp (lớp 6), Trường THCS Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) thực hiện phân loại năng lực học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, tỷ lệ nam, nữ. Sau đó chia đều số học sinh nam, nữ với học lực tương đương ra các lớp. Như vậy đảm bảo sự đồng đều về sĩ số, giới tính, học lực… giữa các lớp.

Chia sẻ thông tin trên, thầy Trần Quốc Hải, Hiệu trưởng nhà trường, đồng thời trao đổi: Đối với bố trí giáo viên, từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018, giáo viên các khối lớp lần lượt quay vòng dạy từ lớp 6 và tiến dần lên lớp 7, 8, 9. Như vậy, đảm bảo tất cả thầy cô được dạy học, bồi dưỡng "cuốn chiếu" theo chương trình mới. Đối với môn học có ít giáo viên, sẽ chia đôi và đảm nhiệm dạy các khối theo chương trình mới và hiện hành…

Trong mỗi nhà trường có cả giáo viên sắp về hưu, giáo viên mới hợp đồng. Vì vậy, việc bố trí sẽ đảm bảo tính san sẻ, dàn đều về chất lượng giữa các lớp. Không thể xếp một lớp mà giáo viên Toán, Văn, Ngoại ngữ đều tốt nhất, "nổi tiếng" nhất.

Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai (Lào Cai) có số học sinh đầu cấp hàng năm và tổng số học sinh toàn trường đông nhất thành phố. Riêng năm học này, khối 1 có 9 lớp với 326 học sinh. Toàn trường có 45 lớp với hơn 1.800 học sinh.

Giải pháp đảm bảo việc xếp lớp và bố trí giáo viên công bằng, tránh xảy ra tiêu cực trong việc chọn lớp, xin giáo viên chủ nhiệm… được cô Trần Thị Minh Chung, Hiệu trưởng, cho hay: Trường thường xuyên động viên giáo viên tự bồi dưỡng chuyên môn nâng cao năng lực, xây dựng uy tín với phụ huynh, từ đó tạo ra mặt bằng chất lượng chung. Dù được bố trí vào khối lớp nào, giáo viên và phụ huynh đều hài lòng. Mặt khác, ở năm học trước bố trí cô giáo A có chuyên môn chưa giỏi nhưng rèn kỹ năng giỏi thì năm tiếp theo sẽ phân bố ngược lại để bù đắp. Như vậy, sau 5 năm học tiểu học, học sinh được học cả giáo viên giỏi kiến thức và kỹ năng…

"Ban giám hiệu bố trí giáo viên không theo nhu cầu, mong muốn hoặc có sự ưu tiên nào từ phụ huynh để đảm bảo sự minh bạch tính công bằng và phù hợp. Với cách làm này, phụ huynh đã nhận thấy dù không thể xin "cô tốt" nhưng học sinh vẫn phát triển toàn diện…", cô Chung khẳng định.

Tại Trường Tiểu học Đông Thái (thành phố Ninh Bình, Ninh Bình), để đảm bảo đồng đều về số lượng và cân đối giới tính học sinh giữa các lớp, sau khi tiếp nhận hồ sơ, hội đồng tuyển sinh nhà trường đã chia 197 học sinh thành 2 danh sách gồm nam và nữ. Ở mỗi danh sách, hội đồng tuyển sinh đã sử dụng phần mềm Excel để sắp xếp học sinh theo thứ tự ABC.

Trong trường hợp, học sinh trùng hoàn toàn họ và tên, thì căn cứ vào ngày tháng năm sinh để sắp xếp theo thứ tự, học sinh sinh trước xếp trước, học sinh sinh sau xếp sau. Đối với học sinh là anh chị em sinh đôi nếu có nguyện vọng sẽ được ưu tiên cùng học một lớp.

Đáng nói, hội đồng tuyển sinh đã tiến hành chia lớp, xếp lớp trước sự chứng kiến của Đoàn kiểm tra, giám sát của UBND thành phố, phòng Giáo dục và Đào tạo, đại diện chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh, đại diện phụ huynh có con là học sinh tuyển sinh đầu cấp.

Chọn lớp, chọn cô tạo áp lực không đáng có - Ảnh 3.

Bố trí giáo viên và xếp lớp đầu cấp được Trường Tiểu học Bắc Cường (Lào Cai) dựa trên năng lực giáo viên và sự phù hợp của đối tượng học sinh. Ảnh: NTCC

Minh bạch để chặn suy nghĩ "lệch lạc"

Trước thực tế phụ huynh chọn cô, chọn lớp cho con, NGƯT Nguyễn Thị Kim Ngọc cho rằng, mong muốn những điều tốt đẹp cho con là điều có thể hiểu nhưng thực chất giáo viên nào cũng có ưu, nhược điểm riêng và phụ huynh không thể "cả đời" chọn giáo viên cho con. Hơn thế, sự phát triển phụ thuộc vào khả năng tiếp thu, sự chăm chỉ... của mỗi em. Phụ huynh cần bỏ đi lối suy nghĩ không lành mạnh "bỏ tiền" mua cô. Suy nghĩ, việc làm đó sẽ mang đến tiêu cực trong môi trường giáo dục vốn dĩ đề cao sự công bằng cho tất cả học sinh.

Thầy Trần Quốc Hải cũng khẳng định: Việc huy động tiền để xin giáo viên tốt là phản giáo dục và suy nghĩ không thấu đáo. Phụ huynh không có đủ chuyên môn để đánh giá giáo viên, việc "yêu ghét" chỉ theo cảm tính. Trên mạng xã hội một số giáo viên "nổi" lên về vấn đề nào đó thì phụ huynh biết đến và muốn cho con học thầy cô đó. Có giáo viên không nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng không có nghĩa họ không có chuyên môn tốt. Hoặc đa số phụ huynh đang xin lớp theo "thương hiệu" truyền miệng về giáo viên.

"Nhà trường càng tạo ra sự công bằng, minh bạch bao nhiêu trong việc bố trí giáo viên, xếp lớp… càng loại bỏ sự tiêu cực, phát triển chất lượng bấy nhiêu. Phụ huynh cần tin tưởng vào lãnh đạo nhà trường trong việc bố trí nhân lực, bởi họ mới là người hiểu rõ chuyên môn giáo viên và có thể cân nhắc các yếu tố phù hợp nhất…", thầy Hải thông tin.

Cô Trần Thị Minh Chung nhắn nhủ các bậc phụ huynh: Việc bố trí thầy cô nào, vào lớp nào được nhà trường dựa trên tinh thần vì sự phát triển toàn diện và phù hợp nhất với học sinh. Khi phụ huynh đặt ra yêu cầu cụ thể dựa trên cảm tính không chỉ làm khó cho nhà trường, áp lực cho bản thân…, mà còn tạo ra sự thiếu công bằng cho những học sinh khác…

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang