Những ngày qua, thông tin Thảo Cầm Viên Sài Gòn (TCV) xin kinh phí hỗ trợ từ UBND TP.HCM để chăm sóc cho động, thực vật tại đây đang được nhiều người quan tâm. Ai nấy đều xót xa khi biết thông tin các loài thú được nuôi dưỡng tại đây có nguy cơ thiếu thức ăn nên đã kêu gọi chung tay "của ít lòng nhiều" hỗ trợ TCV vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19.
Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi có cơ hội tham quan, tận mắt chứng kiến những hình ảnh chăm sóc bầy thú tại TCV trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội.
Con đường chính trong TCV thường có rất đông khách đi lại nhưng hiện tại không một bóng người vì dịch bệnh COVID-19
"Phải cố gắng không để thú nuôi bị đói"
Trực tiếp dẫn chúng tôi tham quan bầy thú nuôi, anh Trương Ngọc Đăng - Trưởng phòng kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, trong thời gian qua không chỉ TCV mà cả nước đều khó khăn vì dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên được lãnh đạo công ty và lãnh đạo TP.HCM quan tâm có những biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ nên TCV có thể tiếp cận và mua được thực phẩm cho bầy thú.
Hiện tại, tổng số tiền để duy trì TCV mất trung bình từ 3-4 tỷ đồng/tháng, với chi phí khá lớn như thế nhưng không có nguồn thu từ khách tham quan nên việc chăm sóc động, thực vật, trả lương nhân viên,… gặp nhiều khó khăn hơn.
Anh Trương Ngọc Đăng hy vọng dịch COVID-19 nhanh chóng được kiểm soát để TCV đón khách trở lại, lúc đó bầy thú cũng vui vẻ hơn khi đã quen với cảnh đông người tham quan
TCV đang nuôi dưỡng 1.500 cá thể với 150 loài, nguồn thực phẩm cho bầy thú đang là vấn đề rất nan giải, nhất là trong thời gian TP.HCM chưa thể trở lại trạng thái bình thường mới. Trước đây có một đơn vị cung cấp mỗi ngày nhưng hiện tại thì không thể thực hiện được điều này do giãn cách xã hội.
"Thức ăn cho người còn khó, nói gì đến thức ăn cho động vật. Mặc dù vậy, lãnh đạo TCV đã ra quyết sách phải cố gắng không để những con thú đang nuôi bị đói", anh Đăng tâm tư khi chia sẻ về nguồn thực phẩm cho bầy thú.
34 nhân viên làm việc tại TCV với phương châm "3 tại chỗ" thay nhau chăm sóc bầy thú trong những ngày giãn cách xã hội
Theo anh Đăng, khi giãn cách xã hội, TCV đã lên phương án mua một số loại thực phẩm dự trữ cho bầy thú cũng như để nhân viên hạn chế việc ra ngoài. Đối với loại củ quả thì dễ bảo quản nhưng các loại rau thì khó bảo quản, đặc biệt rau lá cho một số động vật ăn hàng ngày.
Hiện nay TCV có một đội sản xuất tại huyện Củ Chi để đáp ứng nguồn thực phẩm như cỏ được đội chuyển về khoảng 3 tấn/ngày để cho voi, hà mã, tê giác và một số loại thú móc guốc khác. Tiếp đến là lá cây để cho các con vật như voọc, linh trưởng, hươu, nai ăn.
Đối với củ quả, TCV cũng mua thêm cà rốt, khoai lang, bí, bắp với số lượng lớn để dự trữ. Bên cạnh đó còn bổ sung thêm cá nhỏ cho chim ăn. Để đảm bảo dùng trong lâu dài, cá được mua số lượng nhiều về bỏ tủ đông.
Ngoài ra nguồn thức ăn như ruốc cho hồng hạc, trứng kiến cho tê tê và thực phẩm như sâu, dế, trùng cũng được TCV mua dự trữ để đảm bảo duy trì dinh dưỡng mỗi ngày cho những con vật này.
Những con tinh tinh hay đùa giỡn leo trèo mỗi khi có người xuất hiện và làm trò hài hước khi được cho ăn. Thức ăn của chúng chủ yếu là chuối và một số loại trái cây khác
Nhiều loại thú quý hiếm sinh sản tốt
"May mắn mùa này các loài thú quý hiếm đã sinh sản tốt như con cầy vằn. Loài động vật này muốn sinh sản tốt phải cho ăn trùng, do đó ngoài tìm nguồn mua trùng anh em trong TCV hỗ trợ đi đào thêm để bảo quản, dành thức ăn cho loài động vật", anh Đăng chia sẻ.
Chia sẻ thêm về việc sinh sản của các loài động vật, anh Đăng cho hay thời điểm giãn cách lại rơi đúng vào mùa sinh sản nên gặp nhiều trở ngại. Đó là nguồn thực phẩm phải được thay mới và thêm các loại khác để bổ sung dinh dưỡng cho con vật mới đẻ.
Những con hồng hạc vui đùa dưới nước. Mỗi ngày nguồn nước tại đây đều được thay mới để đảm bảo môi trường sống sạch sẽ cho hồng hạc. Ông Trần Văn Tám (nhân viên chăm sóc) đang cho hồng hạc ăn. Các loại thức ăn của hồng hạc đều được bảo quản rất kỹ để tránh mùi hôi
Việc vận chuyển thực phẩm cũng không được bình thường như trước, các nhân viên phải tuân thủ nghiêm về công tác phòng chống dịch. Khi xe chở thức ăn tới phải dừng trước cổng để phun khử khuẩn, sau đó nhân viên mang xe ra vận chuyển vào trong.
Mặc dù vậy, nhờ sự cố gắng của các nhân viên ngày đêm túc trực chăm sóc các con thú đẻ con nên sức khoẻ của chúng đều rất tốt.
Hiện tại có 34 nhân viên làm việc theo phương châm "3 tại chỗ", tức làm việc, ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ đều tại TCV.
"Phương án ‘3 tại chỗ’ có thuận lợi là anh em thường giúp đỡ lẫn nhau nên mọi việc đều được hoàn thành nhanh chóng. Còn khó khăn thì ai cũng cảm nhận được đó là xa gia đình, vợ con nên đôi lúc có những tâm tư riêng. Thấu hiểu được hoàn cảnh mỗi nhân viên, ban lãnh đạo TCV cũng đã cho tạm ứng lương để họ có thể gửi về cho gia đình trang trải cuộc sống", anh Đăng chia sẻ.
Về kế hoạch khi TP.HCM tiến tới trạng thái bình thường mới, nếu TCV được đón khách trở lại, các nhân viên đang làm việc "3 tại chỗ" dự kiến sẽ tăng thời lượng làm việc lên một chút để dọn dẹp và trồng thêm hoa trang trí lại TCV, nhằm phục vụ khách vào tham quan vườn thú.
Trước đó, TCV đã có văn bản đề xuất xin Sở Xây dựng TP.HCM hơn 30 tỷ đồng và đang chờ được HĐND TP thông qua để để có tiền duy trì hoạt động cũng như chăm sóc động thực vật.
Một con linh cẩu hiếu kỳ nhìn ra bên ngoài khi phát hiện có người đến gần khu vực sinh sống của nó
Gấu misa tại Thảo Cầm Viên
Thiên nga đen
Khu vực sinh sống của loài chim công gần với loài hồng hạc và thường có nước
Những con dê được chăm sóc tốt và rất thích con người nên mỗi khi có người tới gần khu vực sinh sống chúng lập tức lại gần để mong được cho thức ăn
Hà mã ngâm mình dưới nước và vội lên bờ khi phát hiện nhân viên chăm sóc mang thức ăn tới. Đây là loài vật khá thông minh, khi nhân viên yêu cầu làm hành động gì thì chúng đều làm theo. Mỗi lần như thế thì nhân viên phải thưởng cho nó một củ cà rốt nếu không nó sẽ "giận"
Tương tự với hà mã, con tê giác này cũng có tính khí "nắng mưa thất thường", hay "hờn dỗi" mỗi khi cho thức ăn
Mất một hồi lâu chúng tôi mới gọi được Bo (tên gọi con tê giác) ghé lại dùng thức ăn
Voi và hươu cao cổ được cho ăn. Chúng rất háu ăn và biết nghe lời nhân viên chăm sóc
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/chuyen-34-nhan-vien-o-lai-thao-cam-vien-cham-soc-bay-thu-giua-dich-covid-19-phai-co-gang-khong-de-thu-nuoi-bi-doi-2202125923267905.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.