Chuyên gia đưa ra lưu ý giúp mẹ bầu tránh sinh non

Để tránh sinh non, mẹ bầu nên thường xuyên khám thai định kỳ, bỏ những thói quen xấu như uống cà phê, thuốc lá...

Năm 2015, theo số liệu của Bộ Y tế, tại các bệnh viện phụ sản trên cả nước, tỷ lệ sinh non tháng (dưới 37 tuần), nhẹ cân (500 gr-1.500 gr) chiếm khoảng 10% tỉ lệ trẻ sơ sinh (160.000/1.600.000 trẻ) và con số này ngày càng tăng.  

Theo các bác sĩ chuyên khoa sản, nếu bé ra đời trước ngày dự sinh từ 3 tuần, tương ứng với tuần thai thứ 37 về trước, thì đây là trường hợp sinh non. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sinh non, trong đó, một nguyên nhân cần lưu ý là do sản phụ không được chăm sóc tiền sản tốt. 

Bác sĩ Cam Ngọc Phượng - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu nhi, Bệnh viện Quốc tế (BVQT) Hạnh phúc  cho biết, trẻ sinh non, nhẹ cân phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: suy hô hấp, bại não, xuất huyết não, đường huyết không ổn định, hạ thân nhiệt, bệnh tim mạch, viêm ruột…

Trẻ sơ sinh được chăm sóc tại chuyên khoa chăm sóc đặc biệt trẻ sơ sinh. 

Dù tinh thần lo lắng, bất an, thai phụ cũng không nên lạm dụng uống các loại thuốc an thần, đặc biệt là những mẹ đã có tiền sử sinh non hoặc thai chết lưu. Tốt nhất, mẹ bầu chỉ nên sử dụng thuốc khi có sự cho phép của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Bác sĩ khuyên, để phòng tránh sinh non, các mẹ bầu nên thường xuyên khám thai định kỳ để có những hiểu biết về thai nhi, các giai đoạn mang thai. Từ đó, mẹ chăm sóc sức khỏe, thai nhi đúng cách.Trong mọi trường hợp, người mẹ nên tuân thủ theo đúng lịch hẹn khám của bác sĩ.

Thai phụ nên hạn chế những thói quen xấu, như  uống cà phê, rượu bia hay những đồ uống có chất kích thích khác. Đồng thời, tránh làm việc quá sức hay tập thể dục nặng, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan.

Quan trọng hơn, mẹ bầu cần chú ý khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng với bốn nhóm thực phẩm (chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất) tránh để cơ thể bị thiếu dinh dưỡng.

Mới đây, Bệnh viện Quốc tếHạnh phúc tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị Thương (31 tuổi, Bình Dương) sinh con ở tuần 26. Chị đã rất hoang mang, lo lắng khi con chào đời chỉ nặng 950 gr trong tình trạng khóc yếu, da nhợt. May mắn, sau 66 ngày điều trị tại Khoa hồi sức sơ sinh (NICU) BVQT Hạnh Phúc, con chị đạt cân nặng 2540 gr và bú rất tốt. Các kết quả tầm soát về tim mạch, não, thị giác, thính giác của bé đều bình thường. Sinh non là điều ngoài ý muốn, song  nếu rơi vào trường hợp này, các mẹ cũng không nên quá hoang mang. Theo bác sĩ Phượng, thực tế, đã có trường hợp bé sinh  non 26 tuần, nặng chỉ 950 gr nhưng vẫn được nuôi dưỡng thành công mà không cần dùng kháng sinh.

"Tái khám tại BVQT Hạnh phúc, con đạt cân nặng 2540gr và bú rất tốt. Các kết quả tầm soát về tim mạch, não, thị giác, thính giác… đều bình thường. Bé cũng không gặp biến chứng thường có ở trẻ sinh non nên vợ chồng tôi rất yên tâm”, chị Thương chia sẻ.  

Một bé sinh non được mẹ giữ ấm bằng phương pháp da kề da.

Đặc biệt, theo thông tin từ bác sĩ khoa NICU, trong quá trình nuôi dưỡng bé, bệnh viện không sử dụng bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào nên bé phát triển rất tốt và tự thở sớm. 

Với việc chăm sóc trẻ sinh non tại nhà, bác sĩ Phượng cho rằng, cha mẹ cần giữ ấm cho bé, nên tiếp tục áp dụng phương pháp da kề da. Môi trường bé ở phải sạch, tránh gió lùa, giữ nhiệt độ phòng 27-28 độ C. Người lớn rửa tay trước khi chăm sóc bé, không cho những người đang bị cảm, ho… đến gần bé. Đồng thời, cha mẹ hạn chế người thân hôn bé vì có thể làm lây nhiễm mầm bệnh qua bé. 

Ngoài ra, cha mẹ cần theo dõi những dấu hiệu bất thường của bé, như: tần suất bú mẹ của bé, bé có bị chướng bụng  hay bị ngưng thở… Nếu phát hiện bất thường thì phải đưa đến cơ sở y tế khám ngay. 

Theo suckhoe.vnexpress.net

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang