"Mùa hè là mùa nghỉ học của học sinh, nhưng thực ra cũng là quỹ thời gian dự phòng cho việc bù đắp những gì còn thiếu trong 9-10 tháng trong năm học chính khóa kia. Mùa hè đang tới, và năm nay thì tôi muốn "rủ" cha mẹ cho con học hè một cách táo bạo hơn!", chuyên gia Bùi Khánh Nguyên chia sẻ.
Anh cho rằng: Là những cha mẹ hiện đại, chúng ta mong muốn con cái luôn sống tốt cuộc đời của chúng, luôn thoải mái với thời đại của chúng. Nhưng trẻ em ở thành phố bị bỏ rơi nhiều kỹ năng cơ bản.
Đứa trẻ được cung phụng có thể không biết giặt giày của mình, không biết ủi quần áo, không biết nấu những món ăn đơn giản, không biết thay pin cho đồng hồ, thậm chí không biết đi xe đạp… Ngày xưa trẻ em học kỹ năng từ việc phụ việc gia đình kiếm sống (làm việc vừa sức trẻ em), thông qua việc chơi với trẻ hàng xóm, anh chị em họ, từ việc làm trực nhật, lao động tập thể ở trường, làm việc vặt ở nhà.
Bối cảnh xã hội đã thay đổi, ở trường vệ sinh trường lớp đã có các cô chú lao công lo, ở nhà các em thường có người giúp việc hoặc những người lớn khác trong gia đình làm hết. Vì vấn đề này mà chúng ta cần bù đắp kỹ năng cho các em.
Hè này cho trẻ đi... học nghề!
Theo anh Bùi Khánh Nguyên, có nhiều hoạt động bù đắp cho trẻ em chúng ta từng bàn tới, như đi trại hè tiếng Anh, học kỹ năng sống, trại hè quân đội, khóa tu mùa hè, câu lạc bộ thể thao, các khóa học nghệ thuật … Nhưng năm nay, với học sinh trung học (lớp 6-12) bạn có thể cho con đi học nghề.
Bạn có để ý gần nhà bạn có trường nghề hay trung tâm dạy nghề nào không? Thông thường chúng ta chỉ để tâm đến trường đại học, trung tâm Anh ngữ chứ ít khi để ý trường nghề, trung tâm dạy nghề, nhưng các trường/trung tâm dạy nghề nằm rải rác khắp trong các thành phố. Mùa hè này, trẻ em cấp trung học có thể đi học các lớp học nghề ngắn hạn với nhiều nghề hấp dẫn và hữu dụng như:
- Pha chế các loại đồ uống trái cây (trẻ em chỉ được tiếp xúc đồ không cồn).
- Sửa chữa đồ điện, điện tử gia dụng.
- Sửa chữa xe máy/ô tô.
- Thiết kế ảnh kỹ thuật số, quay phim.
- Thiết kế thời trang.
- Thiết kế website.
- Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp.
- Cắm hoa nghệ thuật.
- Cắt và tạo mẫu tóc.
- Nấu món ăn Âu – Á.
- Sửa chữa laptop.
- Sửa chữa điện thoại.
- May đo quần áo.
- Kỹ thuật trồng rau tại nhà.
- Kỹ thuật vẽ móng tay/nghề nail.
- …
Học nghề mang lại lợi ích gì?
Lý giải cho đề xuất này, chuyên gia cho biết: Khác với các khóa học ở trường dạy kỹ năng hay dạy STEM nơi dạy các em mang tính mô phỏng, còn tại trung tâm/trường dạy nghề, các em học nghề thực sự, học xong thì có thể làm được công việc như một người thợ.
Học nghề cao hơn một bậc so với học các kỹ năng thông thường vì nó hướng tới việc tạo ra một thành quả, sản phẩm cụ thể, hữu ích trong thực tế. Học phí học nghề thì rẻ thôi rồi!
Trái với chúng ta nghĩ là các em chẳng thích thú gì những lớp học nghề như thế này, tôi đã thấy rất nhiều em bị thu hút tới mức đam mê các khóa học như đã kể trên, vì trường học vốn dạy các em những thứ lý thuyết, xa vời với cuộc sống quanh các em.
Chuyên gia Bùi Khánh Nguyên
Học nghề cao hơn một bậc so với học các kỹ năng thông thường vì nó hướng tới việc tạo ra một thành quả, sản phẩm cụ thể, hữu ích trong thực tế. Học phí học nghề thì rẻ thôi rồi!
Khi có cơ hội học được một nghề cụ thể, có thể giúp các em tự làm được những điều nho nhỏ trong cuộc sống như biết cắt tóc cho người khác, biết thiết kế một cái website, trồng được một vườn rau sạch năng suất cao, dùng gỗ đóng được một cái ghế, dùng vải may được cái áo sơ-mi… các em sẽ rất vui. Đó là lý do trong trường quốc tế tốt hiện nay, học sinh vẫn được học các lớp về thủ công, làm mộc, điện tử, may vá…
Anh Bùi Khánh Nguyên tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương TP. HCM, Thạc sỹ Truyền thông, Đại học Stirling (Vương quốc Anh), và MBA của Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) tại Việt Nam. Anh hiện làm việc cho một ngân hàng nước ngoài, đồng thời theo đuổi việc nghiên cứu về giáo dục song ngữ trong chương trình Master (TESOL) của Đại học Benedictine liên kết tại Việt Nam.
Năm học 2017 – 2018, anh lựa chọn trở thành diễn giả độc lập về giáo dục. Các mảng anh nghiên cứu sâu trong giáo dục là giáo dục song ngữ và các trường quốc tế. Anh cũng quan tâm đến các lĩnh vực khác như chính trị, luật, truyền thông, tâm lý học, quan hệ quốc tế, kinh doanh…
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.