Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh chia sẻ bản thân quá áp lực khi phải cùng con học trực tuyến. Thậm chí, có phụ huynh không kiềm chế được cảm xúc nên đã đánh con.
Chị Phạm Thị Liễu (quận Hà Đông, Hà Nội) có con học lớp 1 bằng hình thức trực tuyến từ đầu năm. Mỗi khi tới giờ học của con là chị lại cảm thấy mệt mỏi, áp lực.
Theo chị Liễu, các bạn trong lớp đa phần học qua tiền lớp 1 nên học phần vần, ghép âm nhanh hơn. Trong khi con chị Liễu chưa từng học tiền lớp 1, con như tờ giấy trắng khiến việc dạy con học theo chương trình rất vất vả.
Học sinh Hà Nội vẫn học trực tuyến.
“Hiện nay, lượng từ mới con phải tiếp thu mỗi ngày quá nhiều dẫn đến tình trạng con chưa kịp nhớ từ này thì buổi học sau đã học từ khác. Sau đó còn phải ghép vần và đọc thành thạo một đoạn trong sách giáo khoa.
Con vào lớp 1 đã vất vả và giờ lại học trực tuyến khiến việc học càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Hiện tại con tôi vẫn trong tình trạng bập bẹ đánh vần từng chữ, chữ chưa đọc thạo, thường xuyên quên các chữ ghép khó như "ph, tr, qu, th" và nhiều lúc nhầm lẫn chữ "i" viết hoa với chữ "l" viết thường. Có lúc con còn chán không muốn học, nhất là khi con thấy mình bị chậm hơn so với các bạn”, chị Liễu nói.
Chị Liễu cũng chia sẻ, biết con mình chậm nên chị luôn cố gắng dành thời gian hỗ trợ con học tập, ít khi quát mắng con mà luôn tìm cách giảng giải cho con hiểu. Thế nhưng, nhiều ngày nay sức chịu đựng của chị Liễu đã sắp tới giới hạn.
“Đỉnh điểm là có những vần cả tối hôm trước dạy con, con thuộc rồi đến hôm sau cô hỏi con lại không đọc được. Thế là lên cơn bực mình tôi đã gọi con ra ngoài và cho con ăn roi dù trước đó tôi chưa từng đánh con”, chị Liễu bất lực nói.
Trường hợp của gia đình chị Liễu không phải trường hợp cá biệt vì nhiều phụ huynh quá căng thẳng, không dạy được con học nên phát sinh đánh mắng con.
Về việc này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải Anh - ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, các nghiên cứu cho thấy, những tổn thương do cha mẹ bạo lực, chì chiết trẻ, thậm chí thực hiện những hành động đó ngay trước mặt những người khác, trước đám đông gây ra những tổn thương sâu sắc cả về mặt thể chất và tinh thần.
“Trong mọi hoàn cảnh cha mẹ phải học cách kiềm chế cảm xúc để mang lại nguồn năng lượng tích cực mỗi ngày. Chỉ có điều đó mới giúp các con phát triển lành mạnh.
Cha mẹ thiếu kiềm chế, dùng bạo lực với con, bạo lực có thể là đòn roi, lời mắng, sỉ nhục sẽ gây ra những nỗi đau cho con cái.
Một điều mà ít ai nhận ra đó chính là hành vi bạo lực của người lớn không thể giúp trẻ sửa chữa hành vi hay thay đổi nhận thức của trẻ theo hướng tích cực hơn, tốt hơn.
Bởi lẽ, khi trẻ bị đánh mà không biết được lý do thực sự vì sao bản thân bị đánh thì các con có xu hướng sợ hãi, lần sau có thể không dám làm những điều như thế và những điều mới mẻ nữa. Điều này là vô cùng phản giáo dục vì có thể triệt tiêu mất sự sáng tạo của trẻ”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải Anh nói.
Cũng theo chuyên gia này thì giáo dục con trẻ là cả quá trình. Việc phụ huynh đánh, mắng con khi hỗ trợ con học online sẽ ảnh hưởng tới tâm lí trẻ. Những đứa trẻ rụt rè mà phụ huynh không biết động viên thì rất nguy hại.
Phụ huynh nên cố gắng kiểm soát cảm xúc. Nếu có giận có tức cũng không đánh mắng con. Kinh nghiệm kiểm soát cảm xúc nhanh nhất là tránh đi chỗ khác, để cơn giận nguôi đi. Nếu không đi đâu được thì hít thật sâu, kiềm chế cảm xúc. Hãy nhớ, đánh mắng con chỉ làm con rối thêm.
Bên cạnh đó, phụ huynh muốn chăm con tốt thì phụ huynh phải ổn. Mẹ phải biết cân đối ăn, uống, ngủ nghỉ sớm cùng con. Thường những người mẹ mất ngủ dễ căng thẳng, dễ cáu giận với con. Tâm lí rất là quan trọng, ảnh hưởng đến hành vi của người mẹ.
Người mẹ phải biết cân bằng, sắp xếp công việc gia đình và công việc cơ quan, để dành thời gian cho bản thân. Nhất là khi công việc bắt đầu vào guồng trở lại, mẹ phải hoàn thành việc ở công ty, vừa chăm lo con, giúp con học online… Vậy nên, việc đầu tiên các mẹ cần làm là sắp xếp lại công việc cho khoa học. Phải làm sao bản thân và các thành viên gia đình có thời gian ngủ nghỉ tốt.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.