Cơn bão số 9 có tên quốc tế là Molave đã đi vào Biển Đông của Việt Nam rạng sáng 26/10 và đã tăng cấp lên cuồng phong cấp 1 (theo thang đo bão của Mỹ) với vận tốc gió hiện tại là 119-153km/h. Dự báo bão sẽ tiếp tục tăng cấp thành cuồng phong cấp 2 với vận tốc gió từ 154-177km/h vào cuối giờ chiều 26/10.
Bão sẽ duy trì sức mạnh của nó đến gần bờ biển Nam Trung Bộ và Trung Bộ của Việt Nam với sức gió từ 130-150km/h, giật 160km/h.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia nghiên cứu Biến đổi khí hậu và Phòng tránh thiên tai dự báo đây là cơn bão cực kỳ lớn, vào bờ đúng thời điểm triều cường cao thêm 1 mét nên sẽ tạo ra sóng biển cao 7-8 mét.
"Sức mạnh này, bão có thể khiến một con thuyền lớn dưới biển văng lên đường hoặc ruộng", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy nhận định.
Ảnh minh họa
Tâm bão đổ bộ: Vị chuyên gia cho biết, tâm bão đổ bộ khả năng cao là khu vực Bắc Quảng Ngãi và Nam của Quảng Nam. Bão đi hơi chếch hướng Tây Tây Bắc nên toàn bộ tỉnh Quảng Nam và một phần của Quảng Ngãi có khả năng là tâm bão đi qua. Do bán kính bão rộng nên các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế cũng có khả năng cao là vùng đổ bộ của bão với cấp gió không giảm mấy so với khu vực tâm bão.
Cấp bão khi đổ bộ: Bão sẽ duy trì cấp 13, giật cấp 15 ở khu vực tâm bão với bán kính khoảng 100km tính từ tâm bão. Các vùng lân cận cách tâm bão 100-200km có gió cấp 12, giật cấp 13. Vùng ngoài rìa cách tâm bão 200-250-300m về phía Bắc có gió cấp 9-10, giật cấp 11. Như vậy các tỉnh Phú Yên, Quảng Trị và Bắc Tây Nguyên cũng nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Thời gian đổ bộ: Bão đi rất nhanh nên thời gian đổ bộ ước tính khoảng từ 8-10h sáng 28/10.
Lượng mưa: Mưa như trút nước từ khu vực Bình Định ra đến Quảng Trị với lượng mưa tập trung lớn nhất ở Quãng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế. Mưa cao nhất có thể đạt 700mm ở khu vực Nam Đông, A Lưới của Huế. Tâm mưa dịch chuyển dần ra Quảng Bình và Quảng Trị vào ngày 29/10.
Ảnh mây vệ tinh bão số 9 (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo cơn bão này có "sức mạnh khủng khiếp", nhà cấp 4, đặc biệt là các nhà mới bị ngập lụt mà ở khu vực trống gió dễ bị nó quật đổ, tốc mái. Vậy nên tuyệt đối không trú bão trong các nhà cấp 4.
Do đó, người dân nên thực hiện một số khuyến cáo sau:
- Các thuyền đánh cá đang hoạt động ở ngoài khơi phía Nam quần đảo Hoàng Sa nên nhanh chóng vào bờ. Di chuyển hướng Nam và chếch Tây Nam để vào bờ tránh vùng tâm bão đi qua. Phía Trung và Bắc Trung Bộ nên khuyến cáo ngư dân không ra khơi các ngày từ 27/10 đến ngày 5/11 (dự phòng cho cơn số 10). Các tàu hàng cỡ lớn nên sớm tìm cảng trú ẩn, hoặc đi tránh đường đi của bão như hình vẽ.
- Không dồn đỗ tàu đánh cá ở ven biển nơi không có cảng biển được che chắn. Bão có thể đánh bay con tàu đánh cá từ dưới biển lên bờ hoặc lên ruộng đồng. Năm 2017, bão Damrey đã đánh đắm và hư hỏng 1141 con tàu ngay trong bờ.
- Các tàu hàng cỡ lớn nên tránh xa đường đi của bão, không neo đậu cách bờ 1 hải lý vì nơi đó sẽ có sóng cao nhất (7-8m).
- Bà con nuôi trồng hải sản từ Khánh Hòa đến Quảng Nam nên thu hoạch sớm những loại hải sản sắp đến kỳ thu hoạch. Những hải sản còn nhỏ nên tập kết lại một số lồng được bảo vệ kiên cố. Tuyệt đối không để công nhân ở lại lồng bè. Những gia đình có trang trại gà, lợn, bò mà ở vùng thấp trũng cũng nên di chuyển đến nơi cao.
- Chính quyền các tỉnh ở vùng tâm bão có khả năng đi qua nên có kế hoạch sơ tán người dân khỏi vùng xung yếu, vùng thấp trũng và sơ tán ra khỏi những căn nhà cấp 4 có mái ngói và mái tôn. Nên ưu tiên sơ tán tại chỗ, nghĩa là sơ tán tới những nhà cao tầng trong cùng một thôn, xã. Thay vì việc đưa người sơ tán đến khu tập trung thì nên làm công tác dân vận, cấp nhu yếu phẩm về các nhà kiên cố, cao tầng trong các khu dân cư ở cả khu vực đô thị và nông thôn, hỗ trợ người khuyết tật và người thuê trọ. Khuyến khích tự sơ tán khi có thông báo của chính quyền. Chúng ta nên có phương án và kế hoạch dự phòng. Trong trường hợp bão nhỏ không cần dùng đến nhưng nếu bão lớn như dự báo thì có sẵn phương án áp dụng.
- Các đội tình nguyện, thiện nguyện và cano xung kích nên triển khai hỗ trợ trước bão cho các tỉnh Nam Trung Bộ, giúp dân thu hoạch và giải cứu nông, hải sản, tìm đến nhà cao, chuẩn bị nước uống và đồ ăn đủ trong 1 tuần ở những nơi tránh trú an toàn. Với những nhà cấp 4 yếu, hãy giúp nhau chèn bao cát, bịch nước lên mái, giằng chống nhà cửa bằng dây neo thép để bảo vệ nhà, đóng kín cửa sổ, bịt kín ô thoáng, sơ tán đồ đạc có giá trị ra khỏi nhà yếu. Dù có được giằng chống thì những nhà này cũng sẽ không an toàn. Hãy áp dụng "vườn không, nhà trống" để đón những cơn bão lớn.
- Thông tin liên lạc trong thiên tai là quan trọng nhất, do đó hãy sạc đầy điện thoại, mua ắc quy dự phòng để thắp sáng và sạc điện thoại. Chuẩn bị bếp gas mini, bếp dầu, nến và máy lửa, nước nấu ăn và nước uống.
- Hãy hàn chặt các mái tôn bằng thép phi 6 trở lên.
- Không tránh trú trong các nhà cấp 4, nhà ngói và nhà tôn.
- Không đỗ xe dưới tán cây to.
- Không đi ra đường trong ngày 28/10 ở địa bàn các tỉnh trên.
- Hãy tích trữ nhu yếu phẩm, điện thoại, sạc điện dự phòng,… và sơ tán lên nhà bê tông cao tầng.
- Hãy tuân lệnh sơ tán của chính quyền địa phương.
- Các địa phương cần cung cấp đường dây nóng từ bây giờ để hỗ trợ sơ tán.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/chuyen-gia-nhan-dinh-bao-so-9-co-the-khien-mot-con-thuyen-lon-duoi-bien-vang-len-duong-nguoi-dan-nen-thuc-hien-nhung-khuyen-cao-sau-day-162202610204538025.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.