Đây có lẽ là mối băn khoăn của rất nhiều người chứ không của riêng ai. Vì hiện nay, mua nhà hay mua xe khi chưa có đủ tiền thì đều có thể lựa chọn hình thức trả góp ngân hàng. Đó là cách giúp chúng ta sở hữu tài sản mà chỉ cần trả trước 30% giá trị thôi. Phần còn lại ngân hàng sẽ chi trả, trách nhiệm của bạn là thanh toán khoản nợ trong một thời gian cố định.
Như vậy, tiền không phải mối bận tâm lớn. Vấn đề ở đây là nhu cầu nào cấp thiết hơn, mua nhà hay mua ô tô? Nên ưu tiên khoản tiền tiết kiệm này cho vế nào trước?
Tôi tin rằng, nếu đem hỏi 10 người câu hỏi trên thì phải có tới 7-8 người lựa chọn mua nhà. Tâm lý an cư lạc nghiệp, coi trọng căn nhà và mảnh đất cắm dùi của ông cha thời xưa vẫn có ảnh hưởng nhiều đến tư duy của những người đang phải bươn trải tại đô thị hiện nay.
Còn riêng tôi, tôi sẽ chọn mua ô tô trả góp trước. Đến nay chúng tôi đã trả góp cho chiếc ô tô của mình được 8 tháng rồi và hoàn toàn hài lòng với quyết định này. Giá trị chiếc xe của tôi là 600 triệu đã tính cả thuế, phí…Tôi có 300 triệu trong tay và phải đi vay ngân hàng thêm 300 triệu nữa. Thời gian trả góp trong 7 năm. Tính ra mỗi tháng vợ chồng tôi phải trả cho ngân hàng 5-6 triệu lãi và gốc. Thu nhập của chúng tôi vào khoảng 25-30 triệu/tháng, chi tiêu hết 17-20 triệu, còn dư 10 triệu đủ trả nợ và dành dụm.
Hai vợ chồng tay trắng lập nghiệp, sau 5 năm kết hôn mới tiết kiệm được khoảng 300 triệu, vừa bằng 30% giá trị của căn nhà chung cư 2 phòng ngủ. Nếu lựa chọn chính sách hỗ trợ vay vốn của ngân hàng thì chúng tôi sẽ sớm có một chỗ an cư lạc nghiệp ở thủ đô. Ban đầu, tôi cũng dự định lựa chọn mua nhà trước, khi nào trả nợ căn nhà hòm hòm thì sẽ mua ô tô sau. Nhưng thời điểm đó, có một sự cố nho nhỏ xảy ra làm tôi thay đổi hoàn toàn suy nghĩ.
Khi đó, vợ tôi mới sinh con gái đầu lòng được khoảng 3 tháng, đang cho về nhà nội ở. Có một đêm con bị sốt rất cao khiến chúng tôi rất lo lắng. Đưa con vào bệnh viện tuyến huyện thì bác sĩ không xử lý được đành chuyển gấp lên thành phố. Nửa đêm xe cứu thương bệnh viện đã nghỉ, gọi taxi đêm thì không có hãng nào chịu chở vì quê nội ở cách Hà Nội hơn 100km, lại là con nhỏ đang ốm nên họ ngại.
Giữa đêm khuya, tôi phải đèo vợ con bằng xe máy đi gần 3 tiếng lên đến bệnh viện Nhi Đồng trong cái giá rét mùa đông. Sau hôm đó, tôi dứt khoát quyết định phải mua ô tô.
Tuy mỗi người có một suy nghĩ, một quan điểm khác nhau nhưng với tôi, nhà hay xe vẫn là để phục vụ nhu cầu của bản thân và gia đình. Cái nào cấp thiết hơn thì ưu tiên trước. Nếu có xe đi lại, chúng tôi có thể thuê một căn hộ xa hơn để giảm bớt tiền nhà, vợ chồng vẫn có chỗ ở ổn định và không dễ dàng rơi vào trường hợp cấp bách. Nhưng không có ô tô trong khi con còn nhỏ, đưa con về quê, đi khám, đi chơi…rất bất tiện và tổn hại sức khỏe của con.
Hơn nữa, bạn thử nghĩ mà xem, sở hữu một căn nhà thì cũng chỉ để ở, để chứa đồ, để tụ tập đôi lần một năm. Vậy ở nhà trọ hay ở nhà mình mua cũng đều như nhau cả. Còn khi có thêm 1 chiếc ô tô thì lại được tiện đủ đường. Nào là an toàn, không sợ khói bụi, tan nạn giao thông. Rồi cuối tuần nghỉ ngơi thì cả nhà lái xe về quê hay đi du lịch rất tiện lợi. Đưa đón vợ con đi làm, đi siêu thị, đi chơi…cũng thoải mái hơn rất nhiều.
Còn ai nói mua ô tô trước khi mua nhà là sĩ diện thì xin hỏi, những người phản đối việc mua xe có thích sở hữu 1 chiếc ô tô không?
Người có 300 triệu mua ô tô cũng giống người có 30 triệu để mua xe máy. Bạn có 30 triệu cần mua xe 36 triệu thì bạn cũng sẽ đi vay đâu đó thêm 6 triệu rồi trả dần. Còn người có 300 triệu cũng sẽ đi vay thêm 200-300 triệu để mua ô tô. Dĩ nhiên con số tuyệt đối giữa 6 và 200 triệu khác nhau xa. Nhưng chưa chắc con số 6 triệu đã nhỏ hơn 200 triệu vì nó còn phụ thuộc vào khả năng giải quyết vấn đề (nợ) của từng người.
Hạnh phúc là sự hài lòng. Nếu bạn thích ôm 300 triệu khi ngủ thì bạn hạnh phúc. Nếu bạn thích nhìn ngắm vợ con say ngủ ở ghế sau còn ta ôm vô lăng phía trước thì hãy làm theo những gì con tim mình mách bảo.
Sau trải nghiệm của mình tôi nhận ra rằng, nếu bạn có 300 triệu trong tay, cứ ô tô mà mua trước vì tiện đủ đường, còn nhà trả góp sau cũng được mà.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.