*Bài viết theo quan điểm của Michelle H Lim, giảng viên tâm lý học tại ĐH Công nghệ Swinburne (Úc).
Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra nhiều đau thương, mà còn nhiều vấn đề khác nữa. Một trong số đó là vấn đề đang gây thu hút sự chú ý của dư luận nước Úc: sự cô đơn.
Điều này đặc biệt đúng với người dân ở Melbourne - thủ phủ bang Victoria, nơi hiện đang được đặt dưới lệnh phong tỏa toàn diện nghiêm ngặt. Người Úc nhìn chung vào lúc này đang trong tâm lý chờ đợi, sẵn sàng chống lại làn sóng dịch bệnh thứ 2 và lệnh cách ly bắt buộc. Nhưng dù nói thế nào đi nữa, việc phong tỏa vẫn gây xáo trộn rất nhiều đối với cuộc sống của tất cả mọi người. Nó khiến chúng ta chẳng thể gặp được ai, và từ đó hình thành cảm giác cô đơn.
Vấn đề nằm ở chỗ, đôi khi sự cô đơn thực sự khó nói ra. Và thực tế thì nhiều người cảm thấy khó thừa nhận rằng mình đang cô độc, vì nó khiến họ có cảm giác bản thân thật đáng thương hại.
Tôi không cô đơn...
Cô đơn thực chất là một khái niệm khá phức tạp. Một số người dù có nhiều mối quan hệ xã hội, vẫn có thể cảm thấy cô đơn. Ngược lại, một người dù sống một mình lại chẳng lấy đó làm phiền.
Có nhiều yếu tố đứng sau sự cô đơn, và đáng buồn thay, Covid-19 lại nằm trong số đó.
Cách ly xã hội trong bối cảnh đại dịch, nghĩa là chúng ta sẽ trở nên phụ thuộc hơn vào những mối quan hệ sẵn có. Những người vốn yêu thích giao tiếp xã hội, hoặc đơn giản chỉ muốn ở cùng mọi người, giờ là những đối tượng dễ cảm thấy cô đơn nhất.
Khi các nhà nghiên cứu khảo sát mọi người xem họ có cảm thấy cô đơn không, một số đã chối bỏ. Nhưng khi hỏi họ theo một cách khác, như việc họ có thích có người ở cùng không, thì họ trả lời có.
Nguyên nhân có sự khác biệt này nằm ở những định kiến về sự cô đơn. Không rõ từ khi nào, sự cô đơn là lỗi của cá nhân, do họ có quá ít mối quan hệ. Sự cô đơn bỗng trở thành một hình ảnh dễ tổn thương, về một ai đó sống một mình mà chẳng có ai ở bên. Một khảo sát - được thực hiện trước khi Covid-19 xảy ra - cho thấy đàn ông hiếm khi thừa nhận họ cảm thấy cô đơn.
"Max" (tên ứng viên đã thay đổi) - 21 tuổi, là người trả lời phỏng vấn trong một dự án tên Ending Loneliness Together tại Úc trong thời gian gần đây. Max thừa nhận rằng mình đã trải qua một khoảng thời gian thấy cô đơn.
"Tôi thấy mọi người, đặc biệt là cánh đàn ông, họ thường tự giam mình, tách biệt khỏi thế giới vì không biết phải diễn tả cảm giác ấy như thế nào," - anh chia sẻ. "Nó cho thấy có một sự nhầm lẫn trong cách chúng ta mong đợi nam giới thể hiện cảm xúc ra ngoài."
Bởi sự nhầm lẫn này, rất nhiều người thấy cô đơn nhưng sẵn sàng lờ đi các dấu hiệu của nó, mong rằng cảm giác ấy sẽ sớm ra đi khi được ở bên người khác. Nghe có vẻ rất logic, nhưng sẽ chẳng có ích gì nếu các mối quan hệ ấy không thân thiết, không tốt đẹp, thậm chí là mầm mống của xung đột. Và điều này sẽ tạo ra nguy hiểm, bởi cảm giác cô đơn nếu để lâu có khả năng gia tăng rủi ro mắc các chứng bệnh về tâm thần, thậm chí là cả ung thư nữa.
Các dấu hiệu nhận biết cô đơn
Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia đưa ra được những dấu hiệu cho thấy một người đang cảm thấy cô đơn. Cụ thể như sau:
- Bạn cảm thấy "lạc nhịp" với mọi người
- Các mối quan hệ trở nên vô nghĩa.
- Bạn cảm thấy không thuộc về nơi bạn đang ở
- Bạn không có một nhóm bạn bè chơi chung
- Bạn chưa từng chia sẻ cảm nghĩ, sở thích với ai
- Không có ai đủ tin tưởng để bạn dựa vào khi khó khăn
Và còn nhiều dấu hiệu khác nữa, bởi sự cô đơn của mỗi người là khác nhau.
Bởi cô đơn là một phạm trù phức tạp, sẽ không có đáp án nào giải quyết trọn vẹn được nó. Mỗi người sẽ có một giải pháp khác nhau để chống lại sự cô đơn, và chính bản thân họ phải tìm ra nó. Các giải pháp phải dựa trên sở thích, trải nghiệm, và khả năng tạo dựng mối quan hệ của họ.
Trong thời gian bị phong tỏa vì đại dịch, có rất nhiều cách để bạn chống lại sự cô đơn. Nếu may mắn, bạn có hàng xóm láng giềng để trò chuyện. Còn không, hãy dựa vào những mối quan hệ sẵn có, và liên lạc với họ thông qua ứng dụng trò chuyện, họp nhóm. Kết thêm bạn mới không phải là một ý kiến quá hay, vì nó cũng khiến bạn và đối phương chịu một áp lực nhất định.
Nhìn chung, với công nghệ, chúng ta vẫn có thể kết nối với nhau, bất chấp cách trở về địa lý.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/co-don-giua-covid-19-cam-giac-rat-nhieu-nguoi-dang-trai-qua-nhung-chang-ai-muon-thua-nhan-no-218546
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.