Có một ngôi miếu thờ những y bác sĩ ra đi trong dịch SARS khốc liệt ngày nào

Ít người biết rằng, ở một góc khiêm nhường tại Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) có ngôi miếu thờ 6 y bác sĩ đã chết trong cuộc chiến chống dịch SARS. 10 năm trước, bệnh viện này từng phải cách ly, đóng cửa, các hành lang vắng vẻ chỉ có vải trắng phất phơ.

Trong khuôn viên cây cối um tùm, ngôi miếu thờ lặng lẽ yên tĩnh trái ngược với sự ồn ào của khu vực khám chữa bệnh. 

Trên tấm bia tưởng niệm ghi tên 6 người đã mất trong cuộc chiến chống dịch SARS - Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, theo thứ tự thời gian họ ra đi năm 2003: Y tá Nguyễn Thị Lượng 15/3; bác sĩ Jean - Paul Dirosier 19/3; y tá Phạm Thị Uyên 24/3; bác sĩ Nguyễn Thế Phương 24/3; bác sĩ Nguyễn Hữu Bội 12/4 và bác sĩ Jacque 7/2003 (chết sau khi về Pháp).

Ngôi miếu nhỏ lặng lẽ nằm dưới những tán cây um tùm, xum xuê, như tách mình khỏi không gian ồn ào, tấp nập của khu khám bệnh... Ảnh: FB Trần Trọng An

Trước đó, vào ngày 26/2/2003, ông Chung Cheng, người Hong Kong, nhập viện Việt Pháp, với các triệu chứng giống cúm nhưng diễn biến rất lạ: sốt, ho nhiều và khó thở. Các bác sĩ, y tá vẫn thăm khám và điều trị cho bệnh nhân này như với bệnh cúm thông thường khác.

Vài ngày sau, tình trạng bệnh nhân xấu đi rất nhanh, gia đình ông đã thuê chuyên cơ đưa về nước, để lại sau lưng Bệnh viện Việt Pháp có hơn 5 y tá sốt với biểu hiện giống Chung Cheng.

Theo thông tin trên VnExpress.net, tới ngày 15/3 cùng năm, y tá Lượng là người đầu tiên ra đi, sau đó cứ vài ngày lại có thêm người tử vong. Số người mắc bệnh không ngừng gia tăng. Lúc cao điểm, có quá nửa nhân viên bệnh viện đổ bệnh. Để bảo vệ sự an toàn của cộng đồng, bệnh viện đã tự cách ly, toàn bộ nhân viên không được về nhà.

Cùng lúc này, ở Hong Kong, Singapore, Canada đều có người mắc bệnh. Dịch SARS lan ra toàn thế giới. Tất cả đều có mối liên quan trực tiếp, gián tiếp với chuyến bay cuối cùng về nước của bệnh nhân Chung Cheng - người được xác định là bệnh nhân SARS đầu tiên ở Việt Nam.

Hơn một tháng sau, thế giới xác định chủng virus cấp tính corona gây bệnh SARS. Từ đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kết hợp với Viện Y học nhiệt đới cùng chống dịch ngay ở các cửa khẩu biên giới, sân bay... Chính phủ đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua thêm trang thiết bị, máy thở, máy đo nhiệt độ...

Là một trong 25 nước hứng chịu dịch bệnh với 65 người bị nhiễm, 5 người tử vong, nhưng ngày 28/4/2003, Việt Nam được WHO công nhận là nước đầu tiên khống chế được đại dịch, kết thúc chuỗi 45 ngày kinh hoàng chống SARS. 5 người đó chính là các y, bác sĩ của bệnh viện Việt Pháp. 

Hôm nay 27/2/2018, ngày Thầy thuốc Việt Nam, có thể đâu đó, người ta đang nâng ly chúc tụng nhau. Nhưng ở ngôi miếu nhỏ kia, vẫn có những người lặng lẽ ghé thăm, thắp một nén nhang thơm thay lời tri ân các y bác sĩ đã hết mình vì cộng đồng...

Những nén nhang thơm của người vô tình nhớ tới các y bác sĩ đã hy sinh vì cộng đồng hay của các đồng nghiệp năm nào chắc chắn sẽ làm ấm lòng người đã đi xa... Ảnh: FB Trần Trọng An

Gửi bình luận

(1) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang