Khi con bị bắt nạt, cha mẹ khác nhau có cách tiếp cận khác nhau. Một số bậc cha mẹ không muốn gây ra thị phi, sẽ chuyện to hóa nhỏ, dạy con nói "không sao". Một số phụ huynh sẽ tức giận tìm giáo viên, làm lớn sự việc, lấy lại công bằng cho con mình. Nhiều người khác khuyến khích con ăn miếng trả miếng, nhất định không để con chịu thiệt thòi.
Gần đây, cách xử lý của một người mẹ ở Trung Quốc nhận về 20.000 lượt yêu thích. Đối mặt với tình huống con trai bị bạn học tống tiền, bà mẹ chỉ dùng "hai lựa chọn" cộng thêm một câu, liền làm cho kẻ bắt nạt cứng đầu ngoan ngoãn xin lỗi.
Mọi chuyện bắt đầu khi người mẹ phát hiện ra rằng chiếc ví trong nhà thiếu 300 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng). Tối hôm sau, cô cố tình đặt thêm 50 nhân dân tệ (khoảng gần 200 ngàn đồng) trên bàn để kiểm tra. Quả nhiên, sau khi con trai đi học, 50 nhân dân tệ này cũng không cánh mà bay.
Buổi chiều bà mẹ tra hỏi mới biết đứa trẻ ở trường bị bạn cùng lớp "thu tiền". Đứa trẻ sợ hãi nói với mẹ: "Mẹ ơi, 50 nhân dân tệ không đủ, họ yêu cầu ngày mai mang lại 100 nhân dân tệ". Trước tình huống đáng tức giận nhưng bà mẹ vẫn bình tĩnh. Ngày hôm sau, cô đưa cho con trai 100 nhân dân tệ, bảo con mang đến trường.
Sau khi kẻ bắt nạt nhận tiền từ đứa trẻ, người mẹ cùng với một cảnh sát địa phương đến "bắt quả tang". Lúc đầu, hai đứa trẻ bắt nạt nói dối rằng con trai chị đang đưa tiền để nhờ chúng mua một cây bút. Nhưng khi bị cảnh sát vặn vẹo lại, cuối cùng chúng cũng thú nhận chuyện "trấn lột" tiền bạn nhiều lần.
Đáng nói, bố mẹ của hai đứa trẻ bắt nạt đến, không một lời xin lỗi, còn lớn tiếng cho rằng "nạn nhân" không được nói lung tung. Trước sự vô lý của phụ huynh, bà mẹ nói thẳng: "Bây giờ tôi đang cho các con cơ hội, nếu anh chị không cần, tôi sẽ trực tiếp báo cáo phòng giáo dục, liên hệ với báo chí để làm lớn chuyện". Đứng trước phản ứng cứng rắn như vậy, bố mẹ của hai học sinh kia chỉ có thể ngậm ngùi im lặng.
Sau đó, bà mẹ này còn cho hai gia đình kia hai lựa chọn:
1. Xin lỗi bạn bè và thầy cô trước toàn lớp học, đảm bảo không để xảy ra tình trạng tương tự.
2. Kéo biểu ngữ tại nhà của hai người để cho hàng xóm xung quanh biết việc làm của đứa trẻ.
Cha mẹ kia đã chọn điều đầu tiên, người mẹ này quay video toàn bộ quá trình. Sự việc cũng kết thúc sau đó. Đứa trẻ trở lại trường học với tâm trạng rất hạnh phúc.
Cách xử lý của cha mẹ khi con bị bắt nạt ảnh hưởng cả cuộc đời trẻ
Diễn viên nổi tiếng Mã Tư Thuần (Trung Quốc) là một ví dụ điển hình về cách xử lý tiêu cực của phụ huynh khi con bị bắt nạt. Dù cả khi đã trưởng thành, Tư Thuần vẫn thú nhận những ký ức thời thơ ấu vẫn không ngừng ám ảnh cô.
Mã Tư Thuần kể cô bị "chị cả" của trường bắt nạt khi ở trường trung học cơ sở: Nhân lúc cô đi vệ sinh, "chị đại" này rót phấn và nước lau nhà vào ly coca cho cô uống. Sau khi cô uống xong, mọi người vừa cười nhạo, vừa nói cho cô biết sự thật. Tư Thuần vừa khóc vừa kể với mẹ, bà nói rằng đây chỉ là một trò đùa giữa những đứa trẻ và khuyên cô bỏ qua nó.
"Con phải cố gắng để chứng minh rằng con phải sống tốt hơn bạn ấy", bà nói. Nhưng khẩu hiệu này cũng không có tác dụng, từ đó về sau, cuộc sống của Mã Tư Thuần đầy tăm tối. Lớp 12, cô từng "nghĩ dại" muốn chấm dứt cuộc đời của mình.
Hiện tại dù đang có tiếng ở giới showbiz, giành được giải nữ chính xuất sắc nhất, nhưng Mã Tư Thuần vẫn không đủ dũng cảm nói ra một câu với nhân viên của mình trên đường cao tốc: "Dừng xe lại, tôi muốn đi vệ sinh". Bởi vì điều này sẽ gây rắc rối cho người khác, cô không dám.
Giáo sư tâm lý học tội phạm nổi tiếng Li Yizhen đã từng nói: "Trẻ em bị bạo lực học đường, nguyên nhân cơ bản nhất ngoài tính khí của thủ phạm, mà còn bởi vì những đứa trẻ bị bắt nạt có tính cách yếu đuối". Họ bắt nạt chỉ vì đứa trẻ đó trông dễ bị ức hiếp hơn. Nếu cha mẹ khuyên con chịu đựng, xác suất rất cao đứa trẻ sẽ trở nên hèn nhát, tự ti khi lớn lên.
Virginia Satya, một bậc thầy trị liệu gia đình người Mỹ cho rằng: "Cho dù đó là một vị vua hay một nông dân, miễn là gia đình hạnh phúc, đó là người hạnh phúc nhất trên thế giới". Người mẹ được đề cập ở đầu bài viết, sở dĩ có thể giành được sự đồng tình của nhiều người như vậy là vì cách làm của cô đã thỏa mãn 3 yếu tố:
1. Đặt mình vào vị trí của trẻ để suy nghĩ, bảo vệ lòng tự trọng của con;
2. Không ỷ lại vào sự giải quyết của nhà trường;
3. Không kích động, không chỉ trích, không phàn nàn.
Chủ động hỏi han trẻ, không bỏ qua nhu cầu của đứa trẻ và cung cấp cho con đủ cảm giác an toàn. Những đứa trẻ có cha mẹ như vậy, thời thơ ấu chắc chắn hạnh phúc.
Một vài điều phụ huynh cần lưu ý
Thứ nhất, dạy con nói "không" về những điều vượt quá nguyên tắc
Trong mắt những đứa nhỏ không có chuyện bạn nhường một bước mình liền lui một bước, thường là khi trẻ sợ hãi, đối phương càng kiêu ngạo. Vì vậy, hãy nói với trẻ, lần đầu tiên gặp phải những điều khó chịu phải dũng cảm nói "không", không cần phải làm hài lòng bất cứ ai.
Thứ hai, thường xuyên tập thể dục, nâng cao thể chất
Yếu đuối không chỉ đề cập đến tính cách, mà còn là vóc dáng. Tập thể dục thích hợp vừa nuôi dưỡng tính cách cứng rắn của trẻ vừa tạo sự mạnh mẽ để tránh bị chọn thành đối tượng bị bắt nạt.
Thứ ba, kết bạn nhiều hơn
Những đứa trẻ có tính cách vui vẻ, hòa đồng, ít có khả năng bị bắt nạt hơn. Ngược lại, những đứa trẻ khó gần, ít nói có nhiều khả năng bị "theo dõi" bởi những đứa trẻ xấu. Cha mẹ khuyến khích con cái kết bạn nhiều hơn, học cách giao tiếp và cải thiện kỹ năng giao tiếp. Những đứa trẻ có kết nối tốt cũng dễ dàng nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, kịp thời thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Khi trẻ bị bắt nạt, cha mẹ thông minh sẽ không dạy con nói "không sao", mà sẽ trấn an cảm xúc của trẻ, hiểu và thông cảm với con cái, và để cho trẻ hiểu rằng bị bắt nạt không phải là lỗi của chúng, cho trẻ sự khẳng định và hỗ trợ đầy đủ, sau đó tiếp tục truyền cảm hứng cho trẻ tự giải quyết vấn đề, dạy trẻ "không gây rắc rối, cũng không sợ đụng chuyện".
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.