Con dậy thì, cha mẹ nên làm gì?

(lamchame.vn) - Có một thực tế tôi thấy ở nhiều cha mẹ khi con họ 'gặp vấn đề' là cảm xúc của chính cha mẹ có khi còn khủng hoảng hơn cả vấn đề mà con của họ đang gặp phải.

Con dậy thì, cha mẹ nên làm gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Là chuyện hồi khuya qua, một người chị tôi yêu quý gọi điện thảng thốt âu lo về việc con trai chị đang bị khủng hoảng tâm lý, khiến cậu bé đang tuổi lớn trở nên dễ mất kiểm soát và có những ứng xử cực đoan. 

Ở cái tuổi 9 đến 13, những chấn động tâm lý thường đến từ việc cha mẹ ly dị hoặc nhà có thêm em, tình cảm (con nghĩ là) bị chia sớt. Hoặc có những chấn động tâm lý đến từ việc người cha hoặc người mẹ hành xử kiểu dằn vặt con bị điểm kém, áp đặt con phải thế này thế nọ. Thậm chí, có trường hợp chỉ là câu bông đùa vô tâm dạng bỉ bôi đam mê hoặc nỗ lực của con.

Nhiều năm tư vấn cho tuổi teen, tôi hiểu rằng, chỉ khi chúng ta kiểm soát được cảm xúc của mình, chúng ta mới tìm ra được giải pháp. Và đôi khi, có những vấn đề không phải là GIẢI QUYẾT mà chỉ cần GIẢI TOẢ.

Trở lại những sang chấn tâm lý mà con chị, hay nhiều con cái của mọi người ở tuổi này hay gặp, cách giải quyết không phải là bốc thuốc chữa bệnh mà chỉ là thay đổi chế độ "dinh dưỡng tâm hồn". Chúng ta phải chấp nhận rằng trưởng thành nào cũng đau đớn như nhau cả.

 Chấp nhận việc con mình phải chịu đau đớn này và biến mình thành sự xoa dịu, bồi bổ, tăng sức chịu đau cho con thôi. Đừng trở thành thuốc mê mà lỡ cơ hội trưởng thành của con. Tôi nghĩ về việc trò chuyện với con nhiều hơn. 

 Con dậy thì, cha mẹ nên làm gì?- Ảnh 1.

Ở cái tuổi 9 đến 13, những chấn động tâm lý thường đến từ việc cha mẹ ly dị hoặc nhà có thêm em, tình cảm. Ảnh minh họa

Không phải là chuyện mà con đang gặp phải mà là tất thảy mọi câu chuyện con hứng thú. Con thích làm DJ thì nói với con về DJ. Con thích thời trang, mỹ phẩm thì cùng nói với con về thời trang, mỹ phẩm. Miễn sao chúng ta có nhiều câu chuyện để nói cùng nhau.

Tôi luôn đánh giá cao việc cha với con, mẹ với con có không gian thoải mái trò chuyện để thúc đẩy suy nghĩ tích cực, để dẫn dắt những năng lượng tích cực vào con. Nó cần thời gian dài, sự kiên trì của cha mẹ. 

Nếu có thể được, hãy kích thích con theo đuổi một đam mê hay một sở thích nào đó. Khuyến khích con kết bạn và rủ bạn về nhà mình chơi. Giao trọng trách hay "đặt hàng" con về một trách nhiệm vừa tầm với con cho chính nhà mình, ví dụ lo toàn bộ vấn đề liên quan đến nội thất phòng của con hoặc bữa cơm thứ Sáu hàng tuần. 

Đừng để những cảm xúc khủng hoảng của mình lộ ra trước con. Lũ trẻ luôn nhạy cảm với cảm xúc của cha mẹ.

Ngay cả nếu con bạn chưa gặp những vấn đề như thế, bạn vẫn có thể áp dụng "liệu trình" này cho con.

1. Trò chuyện với con nhiều hơn

2. Tạo ra môi trường- không gian- "khí hậu dễ chịu" cho mối quan hệ này.

3. Khuyến khích con kết bạn- cùng con nuôi dưỡng tình bạn của con.

4. Khuyến khích và nuôi dưỡng đam mê cho con.

5. Dẫn dắt và nuôi dưỡng năng lượng tích cực- suy nghĩ tích cực cho con.

6. Giao trách nhiệm- quyền quyết định để con thực hành.

7. Rủ con tham gia các hoạt động thiện nguyện.

8. Khiến con bận rộn với việc chứng minh giá trị bản thân để con nhận ra giá trị bản thân.

9. Đừng để con thấy nỗi lo lắng- sợ hãi hay khủng hoảng của cha mẹ.

10. Tôn trọng và trân trọng những suy nghĩ của con, quan điểm của con.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang