Khải Minh và Khải Nguyên là hai "trái ngọt" trong cuộc hôn nhân của diễn viên, MC Đan Lê và đạo diễn Khải Anh. Con trai lớn của Đan Lê - bé Khải Minh, sinh năm 2011. Bé thứ hai tên Khải Nguyên, sinh năm 2014. Từ khi có con, nữ diễn viên thường xuyên khoe ảnh hai nhóc tỳ trên mạng xã hội. Những câu chuyện giữa ba mẹ con luôn khiến cộng đồng mạng cảm thấy thú vị, hài hước. Nữ diễn viên từng chia sẻ rằng không có gì hạnh phúc hơn việc ở bên chăm sóc các con và cùng chúng trải nghiệm cuộc sống.
Mới đây, Đan Lê tiếp tục chia sẻ cuộc hội thoại giữa mình và con trai lớn. Theo đó Khải Minh không muốn làm bài tập về nhà liền tìm cách lừa mẹ. Nhưng cậu bé không biết rằng, mẹ mình rất "tỉnh" và có thể "bắt thóp" được chiêu trò của cậu.
Cụ thể đoạn hội thoại giữa 2 mẹ con nhà Đan Lê:
"Một buổi tối thứ 6.
Minh: - Mẹ, hôm nay đã cuối tuần rồi đấy. Mẹ có kế hoạch gì cho tối nay không?
Mẹ: - Uhm! Mẹ nghĩ là con học xong bài rồi mình có thể cùng nhau xem một bộ phim hoạt hình gì đấy chẳng hạn.
Minh: - Vâng …. Thỉnh thoảng con thấy làm con Len (chú chó nhỏ nhà Đan Lê) sướng phết mẹ ạ! Chẳng phải làm gì cả. Suốt ngày nó chạy loăng quăng, ai cũng yêu thương cưng nựng, đến giờ thì có người cho ăn. Nó thích lên ghế hay lên giường chỉ cần kêu một cái là có "cầu thang máy" chạy bằng cơm bê lên bê xuống … Đã thế nó lại còn chẳng phải LÀM BÀI TẬP VỀ NHÀ nữa mẹ ạ!
Mẹ: - Uhm! Đúng thật, không phải làm bài tập về nhà thì thích thật. Nhưng mà, chắc Len nó cũng không biết xem phim hoạt hình đâu con nhỉ?
Minh: - Dạ! Thế thôi. Con chẳng thích làm … chó nữa đâu.
*Đấy! Sống với tụi này ngoài ăn đường ra thì còn phải tỉnh nữa các mẹ ạ. Sơ sểnh cái là vào bẫy của chúng nó ngay".
Cuộc hội thoại giữa Đan Lê và con trai Khải Minh khiến ai đọc cũng phải phì cười. Đúng là trẻ con thường mải chơi và không thích làm bài tập về nhà. Tuy nhiên nếu người lớn nuông chiều, đồng ý cho chúng không làm hoặc hoãn việc hoàn thành bài tập giáo viên giao về nhà, thì chắc chắn chúng sẽ ngày càng lười nhác, trốn học. Trong khi đó, việc làm bài tập về nhà rất có ích trong quá trình học tập của các em. Điều đó giúp cho bé có thời gian suy luận và chuẩn bị kỹ càng hơn ở nhà. Nếu làm bài chưa tốt hay chưa hiểu phần nào, bé có thể chủ động nhờ sự giải đáp của giáo viên vào buổi học ngày hôm sau.
Nhiều người cũng đồng tình với cách làm của nữ MC, đó là không quát mắng, ép buộc con phải làm bài tập về nhà, mà khuyến khích chúng tự giác. Có được tinh thần thoải mái thì con mới học hành hiệu quả.
Mẹo giúp trẻ có hứng thú khi làm bài tập về nhà
1. Nói chuyện với giáo viên của con
Hãy giữ liên lạc thường xuyên với giáo viên của con để biết được tình hình học tập, điểm mạnh, điểm yếu của con. Từ đó, giáo viên sẽ đưa ra lời khuyên và cách tốt nhất để hướng dẫn con học ở nhà như thế nào.
2. Chọn thời gian học thích hợp
Cha mẹ nên tạo thói quen cho trẻ trong việc làm bài tập về nhà. Ví dụ như con có thể làm bài tập trong phòng của chúng sau bữa tối. Đôi khi lịch học sẽ vướng 1 số sự kiện nhất định thì cha mẹ có thể sắp xếp cho con làm bài tập về nhà vào 1 thời gian phù hợp.
Phụ huynh nên cố gắng để con tập trung liên tục vào một nhiệm vụ. Đừng bắt trẻ học vào những giờ con dễ bị phân tâm vào thứ khác, ví dụ như giờ có chương trình thiếu nhi trên TV mà con yêu thích. Như thế bé sẽ học hành nhanh chóng, qua loa để xem TV. Việc học sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
3. Xây dựng góc học tập yêu thích cho trẻ
Một góc học tập cố định sẽ tạo thói quen tốt. Nơi học tập của con cần đủ ánh sáng và tránh xa khu hoạt động chung như gần chỗ đặt TV, phòng khách... Ngoài ra cha mẹ nên chuẩn bị tất cả dụng cụ cần thiết cho việc học như bút mực, bút chì, sách vở.
4. Đặt ra quy tắc về việc sử dụng điện thoại trong ngày
Theo các nghiên cứu, những đứa trẻ sử dụng các thiết bị thông minh từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày "thường hoàn thành bài tập về nhà thấp hơn 23% so với trẻ dành ít hơn 2 giờ mỗi ngày". Vì vậy, phụ huynh nên giới hạn việc sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác của con. Khi trẻ nghiện điện thoại, Ipad, TV... chúng sẽ lười học hơn và dễ bị phân tâm.
5. Tìm cách học tốt nhất cho trẻ
Để làm được điều này, bố mẹ nên quan sát, để ý xem bé có thể tập trung và học hiệu quả nhất trong môi trường nào, im lặng hay học cùng bạn bè, anh chị trong nhà, hay nghe nhạc con yêu thích? Từ đó, hãy tạo môi trường học tập cho bé.
Một số trẻ làm tốt bài tập về nhà khi được nghe những bản nhạc yêu thích. Âm nhạc giúp quá trình học tập bớt buồn chán, mệt mỏi hơn và thậm chí có thể thúc đẩy trẻ. Tất nhiên, lợi ích của nó còn phụ thuộc vào loại nhạc và âm lượng phát ra.
6. Chỉ tham gia vào việc làm bài tập của con khi thực sự cần thiết
Phụ huynh đừng đứng kè kè trước mặt trẻ khi làm bài, ba mẹ chỉ nên đứng gần đó. Nếu con có thể tự làm được, bạn nên tránh giúp đỡ. Điều quan trọng nữa là sự giúp đỡ của cha mẹ phải bình tĩnh và vui vẻ. La mắng, đánh đập có thể khiến tình hình tồi tệ hơn. Phụ huynh hãy đưa ra nhận xét tích cực và đừng tự hoàn thành bài tập của trẻ. Thay vào đó, bạn nên yêu cầu con đọc to lại và sau đó giải thích bằng lời của chúng hiểu cách giải.
7. Cho con thời gian nghỉ giải lao hợp lý
Khi con đã học trong 1 khoảng thời gian dài, cha mẹ hãy cho chúng nghỉ ngơi một chút để có thể tập trung lại. Các chuyên gia khuyên trẻ nên có 10 phút để làm điều gì đó vui vẻ hoặc năng động. Sau đó, con có thể tiếp tục cố gắng giải quyết vấn đề.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.