Vụ việc bé gái 8 tuổi ở TP. HCM bị người tình của bố bạo hành dẫn đến tử vong đang gây rúng động dư luận. Theo thông tin mới nhất, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh (TP. HCM) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội hành hạ người khác.
Trao đổi với PV, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong cho thấy, nhiều người chưa biết đến đường dây nóng 111 hoặc sợ bị trả thù dẫn đến tâm lý ngần ngại thông tin về các vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo hành…
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em
Nghị định 56/ 2017/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết về một số điều của Luật Trẻ em. Trong đó quy định, bất kỳ cá nhân cơ quan tổ chức nào có thông tin về trẻ em bị xâm hại, bạo hành đều phải thông báo cho cơ quan chức năng. Luật cũng quy định cơ quan tiếp nhận thông tin là tổng đài quốc gia 111, cơ quan công an các cấp, ủy ban nhân dân các cấp, xã phường, Lao động Thương binh và Xã hội các cấp… nơi xảy ra vụ việc.
Theo ông Nam, luật quy định như vậy, tuy nhiên thực tế hiện nay nhiều người dân biết nhưng không thông báo. Nguyên nhân có thể do người dân không biết đến đường dây nóng, hoặc lo ngại việc bị trả thù. "Thông tin về người dân báo tin cho cơ quan chức năng sẽ được bảo mật tuyệt đối" - Cục trưởng Cục Trẻ em khẳng định.
Theo Unicef, gần 70% trẻ em Việt Nam từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực tại nhà, xếp thứ 27 trên 75 quốc gia. Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH, trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Tính chất của các vụ việc có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, nếu có vụ việc liên quan đến xâm hại hay bạo hành trẻ em, cách đơn giản nhất là người dân gọi điện cho tổng đài quốc gia 111, cơ quan này sẽ triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để phối hợp với các cơ quan chức năng, ngăn chặn ngay hành vi dẫn đến nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của trẻ em.
Ông Nam cho biết thêm, hiện nay Chính phủ đang sửa đổi nghị định xử lý hành chính trong lĩnh vực quyền trẻ em, trong đó có chế tài xử lý cơ quan tổ chức, cá nhân nào có thông tin trẻ em bị xâm hại mà không báo cho cơ quan chức năng thì sẽ bị xử lý hành chính.
Vụ việc đau lòng vừa xảy ra tại TP.HCM, theo ông Nam, việc thông báo tin và can thiệp chậm trễ là một trong những lý do dẫn đến cái chết thương tâm của một đứa trẻ. Ban quản lý chung cư có trách nhiệm bảo vệ trật tự an ninh tại chung cư đó, nhận được thông tin thì phải báo ngay cho đơn vị trực tiếp xử lý là UBND phường, công an phường xã sở tại. "Vụ việc ngay từ đầu chỉ cần một cuộc điện thoại kịp thời tới cơ quan chức năng thì có thể đã không xảy ra hậu quả đáng tiếc như vậy", ông Nam chia sẻ.
Liên quan đến cái chết của bé gái N.T.V.A (8 tuổi) ngụ tại chung cư Sài Gòn Pearl, ngày 28/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP. HCM đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội hành hạ người khác.
Làm việc với cơ quan điều tra, Trang khai nhận, trong quá trình dạy bé V.A học online có đánh bé nhiều lần. Trước đây để đánh cháu bé, Trang đặt mua một roi mây trên mạng, sau một thời gian đánh thì roi mây bị gãy nên vứt đi. Sau đó, Trang lấy cây gỗ tròn đường kính khoảng 2,2cm, dài 90cm đánh tiếp vì cháu V.A tiếp thu chậm. Ngày 22/12, trong quá trình kèm cháu N.T.V.A học, cháu làm sai nhiều bài, Trang sử dụng cây gỗ tròn đánh nhiều lần vào mông cháu, bé có đỡ. Trang khai nhận có dùng sức mạnh đánh vào mông cháu bé, đánh nhiều cái, tới giờ không nhớ là đánh bao nhiêu cái, đánh trong khoảng nửa tiếng.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.