Cùng bị dạy dỗ bởi lời nói và roi vọt, vì sao ngày xưa có rất ít trẻ em xuất hiện vấn đề tâm lý?

Những đứa trẻ ngày xưa dù không được cha mẹ trò chuyện mỗi ngày nhưng lại được sống một đời sống rất "thật", khác rất xa với thế giới ngày càng "ảo" như bây giờ.

Có lẽ chưa thời điểm nào vấn đề tâm lý ở trẻ em lại được quan tâm nhiều như bây giờ. Đặc biệt, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, câu chuyện so sánh giữa cách nuôi dạy trẻ giữa xưa và nay cũng tích cực được bàn luận.

Chẳng hạn: Cùng bị dạy dỗ bởi lời nói và roi vọt, vì sao ngày xưa có rất ít trẻ em xuất hiện vấn đề tâm lý?

Chuyện ngày xưa

Những người sinh vào thời kỳ 8x đổ về trước được coi là thế hệ tuổi thơ không tồn tại internet. Lúc ấy, đất nước còn nghèo, nhà thì đông con, suy nghĩ của người dân cũng chưa văn minh nên cái gọi là ''cha mẹ trò chuyện tâm sự cùng con'' dường như là điều rất hiếm có.

Thời ấy nhà tôi chưa có đồng hồ báo thức, cũng không có điện thoại thông minh, chỉ có tiếng mẹ gọi, tiếng bố la mắng dùng cái muỗng đập mạnh vào chiếc mâm đồng để khua chúng tôi dậy. Lại có khi ngủ dậy bố mẹ đã ra đồng hết, mấy anh em chúng tôi cuống cuồng rửa vội cái mặt, chạy nhanh đến trường mới phát hiện tiếng trống đã vang tự bao giờ.

Mỗi khi tan học, trẻ con ngày đó làm gì có bài tập về nhà dài vô tận hay lớp học thêm nên chúng chỉ việc cất cặp sách rồi tụm 5, tụm 3 chơi cùng nhau ngoài đầu ngõ.

Cùng bị dạy dỗ bởi lời nói và roi vọt, vì sao ngày xưa có rất ít trẻ em xuất hiện vấn đề tâm lý? - Ảnh 2.

Trẻ em thời xưa tuy thiếu thốn nhưng luôn ngập tràn tiếng cười

Không có phương tiện giải trí đắt tiền hay trò chơi điện tử, Tik Tok,...vậy trẻ con ngày đó chơi gì? Câu trả lời rất đơn giản, chúng tôi chơi bắn bi, đánh đáo, chơi quay, chơi ô ăn quan, chơi chuyền, chơi khăng, nhảy ngựa, nhảy lò cò…những trò chơi dân gian giản dị nhưng trẻ con đứa nào cũng thích.

Có lẽ ở bất cứ đâu, từ trong nhà đến ngoài sân, đường làng, ngõ xóm, hay trên những cánh đồng, chỗ nào cũng thấy trẻ con nô đùa xung quanh, tiếng cười đầy ắp. Nhưng đôi khi còn cả tiếng khóc và đòn roi.

Trẻ con ngày xưa quả thật ''dại'' hơn bây giờ. Bởi chúng không biết như thế nào là nguy hiểm, mất vệ sinh nên thỉnh thoảng lại lĩnh đủ trận đòn thừa sống thiếu chết từ bố. Tôi nhớ vào một buổi trưa ngày hè, tôi cùng mấy thằng bạn ngồi nặn đất rồi thả vào ấm nước chè tươi của bố, nghịch xong chúng tôi thản nhiên đi chơi.

Đến chiều về, bố tôi mặt nổi giận đùng đùng, tay cầm sẵn cây roi đợi trước cổng vừa thấy tôi bước vào là vụt tới tấp vào mông. Tôi vừa khóc, vừa xin, vừa chạy quanh nhà rồi lao đến ôm bà nội cầu cứu. Hóa ra, khi bố mẹ và mọi người đi làm đồng về, bố tôi cầm ấm nước, ngửa cổ tu lấy tu để thì toàn đất chui vào miệng.

Lại có lần chúng tôi đuổi theo chiếc công nông chạy ngoài đường, cố gắng đu bám để leo được lên trên. Song hậu quả là, tôi bị ngã chảy máu đầu, phải khâu 10 mũi ở trán. 

Nghe tin con bị thương được mọi người đưa vào trạm xá, mẹ tôi khóc lóc tức tốc ra thăm, bố tôi bình tĩnh nói: ''Không sao đâu con à". Đến đây, tôi chắc mẩm bố sẽ tha thứ cho trò nghịch dại của mình nhưng hóa ra khi về đến nhà, tôi vẫn bị lĩnh đủ 10 roi nát đít.

Cùng bị dạy dỗ bởi lời nói và roi vọt, vì sao ngày xưa có rất ít trẻ em xuất hiện vấn đề tâm lý? - Ảnh 4.

Chẳng có điện thoại, trẻ em thời xưa chỉ cần nhảy dây cũng đủ vui rồi

Khi lớn lên, tôi đọc được ở đâu đó câu chuyện: "Mẹ bị chứng khó nuốt vì thời xưa luôn bị ông ngoại mắng trong lúc ăn cơm''. Tôi vỡ lẽ ra một điều, trẻ con gặp vấn đề tâm lý thời nào cũng có chỉ là tôi không biết mà thôi. Thế nhưng, tôi chắc chắn, số lượng không nhiều như bây giờ.

Cuộc sống thật và ''ảo''

Quay trở lại vấn đề chưa bao giờ trẻ em lại bị trầm cảm và tự tử nhiều như bây giờ. Và nguyên nhân được mọi người đưa ra nhiều nhất đó là: Bố mẹ không đủ quan tâm đến con cái.

Có một điều luôn đúng, cha mẹ thời nào cũng bận. Cha mẹ thời xưa bận đi trồng lúa, trồng ngô, đánh cá, cái nghèo cái đói cứ đeo bám họ, thời gian nào để nói chuyện cùng con. Có chăng, chỉ có những bữa cơm hay ngày tết, cha mẹ mới có thể ngồi lại hỏi han các con đôi điều.

Nhưng chúng ta vẫn thấy rất nhiều những con người đã trưởng thành từ các thế hệ đó, họ lại trở thành các ông bố bà mẹ sống có trách nhiệm với gia đình, hiếu đạo với ông bà và luôn biết quan tâm tới người khác.

Ngày nay, roi vọt vẫn có nhưng cha mẹ ''sợ'' con nhiều hơn, tôn trọng ý kiến cá nhân, không dám áp đặt, thậm chí các con ''cãi'' lại cũng phải nhịn vì sợ chúng nghĩ quẩn.

Những đứa trẻ ngày xưa dù không được cha mẹ trò chuyện mỗi ngày nhưng lại được sống một đời sống rất "thật", khác rất xa với thế giới ngày càng "ảo" của người trẻ hôm nay. Chúng cứ ngày ngày vùi đầu vào học, bị áp lực thành tích đè lên vai; ám ảnh với những nút like trên Facebook; học đòi biết bao clip xấu thách đố nhau tự tử trên mạng.

Cùng bị dạy dỗ bởi lời nói và roi vọt, vì sao ngày xưa có rất ít trẻ em xuất hiện vấn đề tâm lý? - Ảnh 6.

Trẻ em ngày nay luôn có một thế giới ảo của riêng mình

Ngay từ khi 1 tuổi, cha mẹ dỗ con ăn bằng điện thoại, khi lớn lên một chút, mỗi đứa trong nhà được sắm một chiếc Ipad riêng, trẻ con trong xóm chẳng muốn ra đường vì chúng có cả thế giới bên trong chiếc điện thoại thông minh.

Tôi đã chứng kiến 5 đứa cháu về quê nghỉ hè cùng ông bà, trừ lúc ăn cơm, còn lại lúc nào cũng 5 thằng mỗi người một góc chơi điện tử. Khi bố mẹ chúng nó lên tiếng nhắc nhở, chúng chỉ gật, ''vâng ạ'', còn mắt thì vẫn dính vào màn hình.

Ngay cả những kỹ năng sống bình thường, làm việc nhà, kỹ năng sinh tồn và kỹ năng giải quyết vấn đề, nhiều gia đình hiện chỉ trông đợi ở các lớp học ngoại khóa, những đợt dự trại hè hay học kỳ quân đội...Những cái đó tốt thôi nhưng làm sao sánh được với những tình huống vô cùng sinh động và thấm thía của đời sống thật?

Vậy nên, trẻ em bây giờ phần lớn đang "thừa" quá nhiều thứ nhưng lại thiếu thốn chính cái đời sống "thật", còn cái ''ảo'' lại hiện hữu quá nhiều.

 

https://cafebiz.vn/cung-bi-day-do-boi-loi-noi-va-roi-vot-vi-sao-ngay-xua-co-rat-it-tre-em-xuat-hien-van-de-tam-ly-20220523123142836.chn

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang