Cúng gia tiên ngày Tết khi không thể về quê mẹ

Có rất nhiều trường hợp ngày Tết vẫn không thể về “quê mẹ” ăn Tết được vì những lý do như: Con gái đi lấy chồng xa, hay con trai phải luân phiên về ngoại ăn Tết, hay những người sống nơi xa xứ rời quê ra thành phố, ra nước ngoài... Để có thể hướng tâm về tổ tiên, nhiều người dù xa quê mẹ nhưng vào ngày Tết họ vẫn muốn thắp hương, dâng cúng lễ vật cho ông bà, cha mẹ hay tổ tiên của mình. Trong trường hợp vì lý do nào đó mà không thể về “quê mẹ” ăn tết được thì những người con xa quê có thể cúng cơm ông bà tổ tiên mình như thế nào?

Cúng gia tiên hai bên nội, ngoại ngay tại nhà riêng

Chị Linh ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Quê chị ở Quảng Nam. Nhà có ba anh em thì hiện nay mỗi người sống một nơi. Anh cả chị Linh hiện đã định cư ở Mỹ. Chị Linh lấy chồng sinh sống ở Hà Nội. Chỉ có cậu em út là ở lại quê nhà. Bố mẹ chị Linh đều đã mất. Con chị Linh cũng đều đã lớn. Trước đây, khi bố mẹ chị còn sống, thi thoảng chị và anh cả lại hẹn nhau cùng về nhà mẹ đẻ ăn Tết. Thế nhưng, từ ngày bố mẹ chị mất thì mỗi người đều có bàn thờ riêng để thờ cúng ngay tại nhà riêng của họ. Anh trai chị Linh mặc dù sống bên Mỹ nhưng vẫn lập bàn thờ gia tiên để thờ cúng mỗi khi có ngày giỗ, ngày lễ Tết...

Hay như chị Linh chẳng hạn, mặc dù là con gái nhưng trong bàn thờ gia tiên tại căn hộ mà vợ chồng chị sinh sống, mỗi lần thắp hương chị đều khấn đến ông bà tổ tiên cả bên chồng và bên nhà mình. Ngay cả ngày giỗ bố mẹ chị, nếu năm nào không về quê được thì chị cũng đều có làm cỗ chay để cúng bố mẹ. Rồi ngày Tết cũng vậy, khi chị làm cơm để cúng gia tiên chị đều hướng tâm dâng lên cả gia tiên bên chồng và bên nhà mình. Chị Linh chỉ băn khoăn một điều rằng, không biết việc chị làm cơm để cúng ông bà, bố mẹ bên nhà mình như thế thì bố mẹ và ông bà có nhận được không. Mặc dù không biết thực hư như thế nào nhưng chị vẫn làm, vì theo chị đó là cách duy nhất để chị tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ mình.

Ảnh minh hoạ

Không chỉ chị Linh mà hiện nay những người con xa quê, mỗi khi Tết đến, nhất là thời khắc đón Giao thừa, dường như trong tâm thức của mỗi người đều hướng đến nơi chôn rau cắt rốn của mình. Để nhớ đến tổ tiên ông bà, cha mẹ mình, nhiều người đã lập bàn thờ gia tiên thờ cả tổ tiên hai bên nội ngoại. Thực tế thì việc thờ cúng như vậy, ông bà cha mẹ mình có nhận được không?

Để tưởng niệm là chính

Khi giải đáp cho Phật tử hỏi việc con cháu thờ ông bà đã qua đời ở nhiều nơi khác nhau (ví dụ như gia đình có 3 con thì cả 3 đứa con đều có bàn thờ ông bà cha mẹ mình như trường hợp của chị Linh đã nêu ở trên) thì sư thầy Thích Phước Thái cho rằng, thờ cúng như vậy cũng không có gì sai. Bởi theo sư thầy giải thích thì, việc thờ cúng với mục đích là để kỷ niệm người mất như lúc còn sống.

Theo quan niệm xưa, ông bà cha mẹ tuy đã qua đời, nhưng linh hồn của những người đã mất vẫn tồn tại và luôn ở bên cạnh con cháu để mà phù hộ cho con cháu và những người thân thuộc trong gia đình luôn được bình an khỏe mạnh. Gia hộ cho mọi người làm ăn phát tài thịnh vượng. Do đó, nên việc tưởng niệm thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, trở thành một tục lệ rất quan trọng đối với người Việt mình.

Ngày nay thì có khác, tuy người Việt mình cũng vẫn duy trì phong tục thờ cúng theo lệ cổ truyền đó. Nhưng vì hoàn cảnh xã hội, nhất là hoàn cảnh sinh sống hiện nay của mỗi người mỗi khác. Vì nhu cầu sự sống, hoặc vì một hoàn cảnh đặc biệt nào đó mà người Việt mình phải sinh sống rải rác mỗi nơi cách xa nhau. Kẻ ở nước này, người nước nọ. Những gia đình có con cháu đông, thì họ sinh sống rải rác nhiều nơi trên thế giới. Vì đường sá xa xôi cách trở, nên việc họp mặt với nhau trong ngày kỵ giỗ thì thật là bất tiện. Do đó, nên người ta phải linh động uyển chuyển mà thờ cúng ông bà cha mẹ ở mỗi nơi khác nhau.

Ðiều quan trọng, tuy con cháu thờ cúng ở mỗi nơi khác nhau, nhưng tinh thần của mỗi người qua lời cầu nguyện hướng về người thân vẫn là hợp nhất. Như trường hợp cha mẹ chết ở Việt Nam hay ở Mỹ chẳng hạn, thì người con ở Úc cũng có thể thiết lập bàn thờ để thờ cúng cha mẹ hoặc ông bà của mình. “Ðiều này, theo tôi thì không có gì là sai trái cả. Vì hoàn cảnh bất như ý, kỳ thật trong thâm tâm không ai muốn như thế. Vả lại, đây chỉ là hình thức tưởng niệm, kỳ thật đâu có ông bà cha mẹ nào chờ đợi cho con cháu cúng mình. Thử hỏi một năm 365 ngày mà con cháu chỉ cúng cho ông bà, cha mẹ ăn có một lần, còn lại 364 ngày khác thì cha mẹ, ông bà phải chịu chết đói chết khát hết hay sao? Hiểu thế thì chúng ta mới thấy tục lệ thờ cúng tổ tiên ông bà cha mẹ của chúng ta, là nhằm nói lên tinh thần tri ân và báo ân, hướng về cội nguồn, theo một nền văn hóa hiếu đạo thật sâu sắc tuyệt vời của người Việt Nam. Ðây mới chính là bản sắc văn hóa cổ truyền có gốc rễ vững chắc cấm sâu vào lòng dân tộc từ ngàn xưa và mãi đến ngàn sau vậy”, sư thầy Thích Phước Thái nói.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang