Cuộc chiến cam go giữa con người và virus: Nhân loại đang thiếu vắng 1 nhà lãnh đạo?

Liều thuốc giải đích thực cho dịch bệnh không phải là chia rẽ, mà là đoàn kết.

Nhiều người đổ lỗi cho toàn cầu hóa vì đã gây ra dịch corona và cho rằng cách duy nhất để ngăn chặn hơn nữa sự bùng phát của những đại dịch như thế này là lật ngược lại toàn cầu hóa. Xây tường, bế quan tỏa cảng, giảm giao thương. Tuy nhiên, mặc dù cách li ngắn hạn là cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh, cô lập dài hạn sẽ dẫn đến sụp đổ kinh tế mà không mang lại bất cứ sự bảo đảm thực sự nào trước những bệnh dịch lây nhiễm. Liều thuốc giải đích thực cho dịch bệnh không phải là chia rẽ, mà là đoàn kết.

Từ trước thời kì toàn cầu hóa, các trận dịch đã giết hàng triệu người. Vào thế kỉ 14 thì chẳng có máy bay hay du thuyền , thế nhưng Dịch hạch vẫn lây lan từ Đông Á đến Tây Âu chỉ trong vòng một thập kỉ. Nó giết chết 75 đến 200 triệu người - hơn một phần tư dân số lục địa Á Âu. Ở Anh, cứ mười người thì có bốn người chết. Thành Florence mất đi 50.000 đến 100.000 thường dân.

Tháng 3/1520, chỉ có duy nhất một vật chủ mang mầm bệnh đậu mùa cập bến Mexico. Vào khoảng thời gian đó, Trung Mỹ không có tàu hỏa, xe bus hay thậm chí là lừa. Vậy nhưng đến tháng Mười cùng năm, đại dịch đậu mùa đã tàn phá cả vùng Trung Mỹ, ước tính cướp đi sinh mạng của một phần ba dân số vùng này.

Vào 1918 một chủng cúm đặc biệt dễ lây bằng cách nào đó lan vào mọi hang cùng ngõ hẻm thể giới chỉ trong vài tháng. Nó lây nhiễm cho nửa tỉ người - hơn một phần tư nhân loại bấy giờ. Ước tính rằng dịch cúm này đã giết 5% dân số Ấn Độ. Trên đảo Tahiti 14% chết vì dịch cúm. Trên đảo Samoa 20%. Cộng lại, dịch bệnh giết chết 10 triệu người - và có lẽ còn lên đến 100 triệu - trong chỉ chưa đến một năm. Nhiều hơn số người bị giết trong 4 năm Thế chiến thứ nhất tàn bạo.

Một thế kỉ sau 1918, loài người đã trở nên ngày càng dễ tổn thương hơn trước những đại dịch do gia tăng dân số cùng với giao thông tốt hơn. Các đại đô thị như Tokyo hay Mexico City mang đến cho vi sinh vật những trường săn béo bở hơn nhiều Florence thời trung cổ, và hệ thống giao thông toàn cầu ngày nay nhanh hơn nhiều so với năm 1918. Một virus có thể từ Paris đến Tokyo và Mexico City trong chưa đến 24 giờ. Chúng ta vì vậy nên chuẩn bị tâm thế sống trong một địa ngục lây nhiễm với hàng loạt bệnh dịch chết người nối đuôi nhau.

Tuy nhiên, tần suất và những tác động của dịch bệnh đã giảm đáng kể. Bất chấp những dịch bệnh khủng khiếp như AIDS hay Ebola, trong thế kỉ 21, tỉ lệ nhân loại bị chết bởi các dịch bệnh nhỏ hơn nhiều so với bất kì thời đại nào kể từ thời Đồ Đá. Đó là vì lá chắn tốt nhất bảo vệ con người khỏi mầm bệnh không phải là sự cô lập – mà là thông tin. Loài người chiến thắng bệnh dịch vì trong cuộc chạy đua vũ trang giữa mầm bệnh và các bác sĩ, mầm bệnh chỉ nương nhờ khả năng biến dị đui mù may rủi trong khi các bác sĩ thì dựa vào những phân tích thông tin khoa học.

Cuộc chiến cam go giữa con người và virus: Nhân loại đang thiếu vắng 1 nhà lãnh đạo? - Ảnh 1.

"Trại cúm", nơi các bệnh nhân được “điều trị bằng khí sạch” vào năm 1918

Khi Cái chết Đen hoành hành ở thế kỉ 14, người ta không hề biết nguồn cơn và cách đối phó với nó. Cho đến trước kỉ nguyên hiện đại, con người thường đổ lỗi gây dịch bệnh cho thần linh giận giữ, những con quỷ ác độc hay không khí xấu, và thậm chí không mường tượng ra khả năng tồn tại vi khuẩn và virus.

Người ta tin rằng vào thần tiên, nhưng không tưởng tượng nổi một giọt nước thôi cũng ẩn chứa cả một chiến hạm những kẻ ăn thịt nguy hiểm chết người. Thành thử, khi Cái chết đen hay đậu mùa xảy ra, điều khá nhất mà những bậc quyền cao chức trọng thời đó nghĩ đến được là tổ chức cầu nguyện tập thể tới vô vàn vị thánh thần. Nó chẳng giúp được gì. Thậm chí, việc người ta tụ họp với nhau để cầu nguyện còn thường gây ra lây nhiễm hàng loạt.

Trong thế kỉ qua, các nhà khoa học, bác sĩ và y tế trên khắp thế giới đã tập trung đóng góp thông tin và nỗ lực cùng nhau hiểu ra được cả cơ chế hoạt động đằng sau các bệnh dịch và cách đối với chúng.

Thuyết tiến hóa giải thích được lí do và cách thức mà các dịch bệnh mới nổ ra và cách các dịch bệnh cũ trở nên dễ lây hơn. Ngành di truyền học cho phép các nhà khoa học mò được tới cả bản "quy trình hoạt động" của mầm bệnh. Nếu người thời trung cổ không bao giờ tìm ra nguyên do của Cái chết Đen, thì các nhà khoa học chỉ mất hai tuần để phát hiện ra chủng virus corona mới, giải mã gen chúng và phát triển một bộ thử đáng tin cậy để phát hiện ra người nhiễm.

Một khi các nhà khoa học hiểu được cái gì gây ra dịch, chiến đấu lại chúng sẽ dễ hơn nhiều. Vaccin, kháng sinh, điều kiện vệ sinh nâng cao và cơ sở hạ tầng y tế được cải tiến nhiều đã cho con người lợi thế trước những sát thủ vô hình. Vào 1967, đậu mùa vẫn lây nhiễm 15 triệu người và giết 2 triệu trong số họ. Nhưng trong các thập kỉ tiếp đó một chiến dịch tiêm vắc xin đậu mùa toàn cầu đã thực sự thành công, đến mức vào 1979 Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố loài người chiến thắng dịch bệnh, và đậu mùa toàn toàn bị tiêu diệt. Vào năm 2019 không một ai bị lây nhiễm hay thiệt mạng vì đậu mùa.

Lịch sử đã dạy ta những gì để đối phó với dịch virus corona hiện nay?

Đầu tiên, lịch sử cho thấy bạn không thể bảo vệ mình bằng cách đóng cửa biên giới hoàn toàn. Hãy nhớ rằng dịch bệnh lây lan nhanh chóng kể cả vào thời Trung Cổ, trước khi có toàn cầu hóa. Vậy nên ngay cả nếu bạn chỉ muốn giới hạn giao lưu toàn cầu ở mức như Anh Quốc vào năm 1348 thì thực ra vẫn chưa đủ. Để thực sự bảo vệ bản thân bằng cách cô lập thì quay lại thời trung cổ không ích gì. Bạn sẽ phải quay lại hẳn thời Đồ Đá. Bạn làm được không?

Thứ hai, lịch sử cũng chỉ ra rằng sự an toàn đích thực chỉ đến được từ sự trao đổi thông tin khoa học đáng tin cậy và hợp tác toàn cầu. Khi một quốc gia bị dịch bệnh tấn công, họ nên sẵn sàng thành thực chia sẻ thông tin về dịch bệnh mà không lo ngại hệ quả kinh tế - trong khi các quốc gia khác nên cô gắng tin tưởng thông tin đó, và sẵn sàng chìa bàn tay ra giúp đỡ thay vì bóp nghẹt nạn nhân. Ngày nay, Trung Quốc có thể dạy cho các quốc gia trên toàn thế giới nhiều bài học quan trọng về virus corona, nhưng điều này đòi hỏi một mức độ tin tưởng và hợp tác quốc tế cao.

Hợp tác quốc tế cũng cần thiết để đề ra cách thức cách li hiệu quả. Cách li và đóng cửa biên giới là thiết yếu để ngăn ngừa lan tỏa dịch bệnh. Nhưng khi các quốc gia nghi ngờ nhau và mỗi quốc gia cảm thấy đơn độc, các chính phủ sẽ ngần ngại tiến hành các biện pháp đó.

Nếu bạn phát hiện ra 100 trường hợp nhiễm virus corona ở nước mình, liệu bạn có ngay lập tức phong tỏa toàn bộ các thành phố và khu vực? Phần lớn điều đó vụ thuộc vào bạn trông chờ gì ở các nước khác. Phong tỏa thành phố có thể dẫn đến sụp đổ kinh tế. Nếu bạn nghĩ rằng các quốc gia khác sẽ tới giúp - khả năng cao bạn sẽ dễ sử dụng cách này. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng các quốc gia khác sẽ bỏ rơi mình, bạn hẳn sẽ chần chừ cho đến khi quá muộn.

Cuộc chiến cam go giữa con người và virus: Nhân loại đang thiếu vắng 1 nhà lãnh đạo? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump rời bục phát biểu sau khi công bố tình trạng khẩn cấu quốc gia trong một hội thảo về coronavirus tại Nhà Trắng vào 13/03. Alex Brandon—AP

Có lẽ điều quan trọng nhất mà người ta nên nhận ra về bệnh dịch như thế này là sự lây lan ở bất cứ quốc gia nào cũng sẽ đe dọa toàn bộ nhân loại. Đó là vì virus thì tiến hóa. Virus như corona bắt nguồn từ động vật, như dơi. Khi nhảy sang người, đầu tiên chúng sẽ khó thích nghi với vật chủ người. Trong khi nhân bội ở con người, virus đôi khi sẽ có đột biến. Hầu hết các đột biến là vô hại. Nhưng đôi khi đột biến này khiến virus lây lan dễ dàng và kháng lại hệ miễn dịch con người hơn - và thể virus đột biến này sẽ lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng con người. Vì một người có thể mang đến hàng tỉ phần tử virus đang nhân lên liên tục, mỗi người bệnh sẽ cho đám virus hàng tỉ cơ hội mới để thích ứng với con người. Mỗi người vật chủ như một chiếc máy phát ra cho đám virus hàng tỉ lá xổ số - chúng chỉ cần rút trúng một lá để phát triển.

Đây không phải là một tư biện đơn thuần. Cuốn sách Crisis in the Red Zone (Khủng hoảng ở Vùng đỏ) của Richard Preston đã miêu tả chuỗi sự kiện chính xác như vậy ở dịch Ebola năm 2014. Dịch bệnh bắt đầu khi virus Ebola nhảy từ dơi sang người. Những phần tử virus này khiến người bệnh cực kì ốm yếu, nhưng chúng vẫn quen sống ở cơ thể dơi hơn là cơ thể người. Điều khiến Ebola từ một căn bệnh khá hiếm trở thành một đại dịch là một đột biến nhỏ trong một đoạn gen đơn lẻ của một phần tử virus trong một người, đâu đó tại vùng Makona Tây Phi. Đột biến này trao cho chủng virus Ebola biến đổi - còn gọi là chủng Makona - kết nối với chất vận chuyển cholesterol (cholesterol transporters) trong tế bào người. Giờ, thay vì cholesterol, những chất vận chuyển này kéo Ebola vào tế bào. Chủng Makona này dễ lây nhiễm hơn gấp bốn lần.

Trong khi bạn đang đọc những dòng này, có lẽ một đột biến đang diễn ra ở trong chỉ một đoạn gen của một phần tử virus corona trong một người bệnh nào đó tại Tehran, Milan hay Vũ Hán. Nếu điều này đang xảy ra, nó sẽ là mối đe dọa không chỉ với Iran, Ý hay Trung Quốc, mà cũng là với chính tính mạng bạn. Mọi người trên toàn thế giới đều có chung một mục tiêu sống còn là ngăn virus corona có được cơ hội đó. Và điều này nghĩa là chúng ta cần bảo vệ mọi người trên mọi quốc gia.

Vào thập niên 1970 loài người đã đánh đuổi được virus đậu mùa vì tất cả mọi người trên tất cả các nước đều được tiêm vắc xin chống đậu mùa. Nếu chỉ một quốc gia không tiêm vắc xin được cho người dân mình thôi, cả nhân loại sẽ bị đe dọa, vì nếu virus đậu mùa còn tồn tại và tiến hóa ở đâu đó, nó sẽ lại lây lan khắp mọi nơi.

Trong cuộc chiến chống virus, con người cần canh gác biên giới cẩn mật. Nhưng không phải biên giới giữa các quốc gia, mà là biên giới giữa thế giới loài người và thế giới virus. Hành tinh này đang liên minh với vô vàn virus, và virus mới không ngừng tiến hóa nhờ vào đột biến gen. Lằn ranh phân cách virus và con người nằm ngay trong từng cơ thể người. Nếu một "con" virus bằng cách nào đó vượt qua biên giới đó ở bất cứ đâu trên trái đất, loài người sẽ lâm nguy.

Hơn một thế kỉ nay, loài người đã gia cố phòng tuyến ấy ở mức chưa từng thấy. Hệ thống y tế hiện đại được dựng lên như bức tường ngăn biên giới, và các y tá, bác sĩ và nhà khoa học là những người lính canh tuần tra và đánh đuổi kẻ ngoại xâm. Tuy nhiên, nhiều dọc dài biên giới đã bị sơ hở trầm trọng.

Có hàng trăm triệu người trên khắp thế giới đang thiếu dịch vụ y tế cơ bản. Điều này đe dọa đến tất cả chúng ta. Ta quen nghĩ về sức khỏe ở tầm mức quốc gia, nhưng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người Iran và Trung Quốc cũng giúp người Israel và Mỹ tránh khỏi đại dịch vậy. Chân lí giản đơn này nhẽ ra phải là hiển nhiên với mọi người, nhưng rủi thay nó lại xa lạ với ngay cả những con người quan trọng nhất trên thế giới.

Một thế giới vắng bóng lãnh đạo

Ngày nay loài người đang đối mặt với khủng hoảng khôn lường không chỉ vì coronavirus, mà cũng bởi sự thiếu lòng tin giữa con người. Để đánh bại một dịch bệnh, người ta phải tin vào các chuyên gia khoa học, người dân phải tin chính quyền, các nước phải tin nhau.

Trong vài năm nay, những chính khách vô trách nhiệm đã rắp tâm làm xói mòn niềm tin vào khoa học, vào chính quyền và vào hợp tác quốc tế. Hậu quả là chúng ta đang đối măt với cơn khủng hoảng này mà thiếu đi những bậc lãnh đạo quốc tế có thể kêu gọi, quy tụ và tài trợ cho việc hợp tác ứng phó toàn cầu.

Trong dịch Ebola năm 2014, nước Mỹ đóng vai trò đó. Nước Mỹ cũng đóng vai trò tương tự trong suốt khủng hoảng tài chính 2008 để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế toàn cầu. Trong những năm gần đây Hoa Kì đã thoái lui khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu.

Chính quyền Mỹ hiện tại đã cắt giảm viện trợ cho các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, và tuyên bố với thế giới rằng nước Mỹ không còn bạn bè đích thực nào nữa - chỉ có lợi ích. Khi virus corona bùng phát, Mỹ đứng ngoài cuộc, và tránh né vai trò lãnh đạo. Thậm chí nếu rốt cuộc Mỹ có cố gắng đảm nhận vai trò lãnh đạo thì niềm tin vào chính quyền Mỹ giờ đây đã xói mòn đến độ ít quốc gia nào sẵn sàng theo sau nó. Liệu bạn có đi theo sau một lãnh đạo mà khẩu hiệu của ông ta là "Tôi đầu tiên"?

Khoảng trống do Mỹ để lại vẫn chưa được khỏa lấp. Ngược lại thì đúng hơn. Tâm thế bài ngoại, biệt lập và bất tín giờ là điển hình của hệ thống quốc tế. Thiếu vắng niềm tin và đoàn kết toàn cầu, ta sẽ không thể dừng dịch bệnh virus corona lại, và chúng ta có thể sẽ còn thấy nhiều dịch bệnh thế này trong tương lai. Nhưng mỗi khủng hoảng cũng là một cơ hội. Mong rằng dịch bệnh hiện nay sẽ giúp nhân loại nhận ra mối nguy nghiêm trọng do sự bất hợp tác toàn cầu gây nên.

Lấy một ví dụ nổi bật nhất, dịch bệnh có thể là cơ hội vàng cho Liên minh châu Âu lấy lại sự ủng hộ đã mất từ quần chúng trong những năm gần đây. Nếu những thành viên may mắn hơn trong Liên minh nhanh chóng và hào phóng gửi tiền, trang bị và nhân viên y tế đến giúp những thành viên bị ảnh hưởng nặng nề, điều này sẽ minh chứng cho sự xứng đáng của lí tưởng E.U hơn bất cứ bài diễn thuyết nào. Nếu, ngược lại, mỗi nước bị để mặc trong tình thế thân ai nấy lo, thì đại dịch này sẽ có thể là tiếng chuông báo tử cho liên minh.

Trong khoảnh khắc khủng hoảng này, con người quan trọng nhất phải tự đấu tranh với chính mình. Nếu trận dịch này gây ra thêm bất hòa và bất tín giữa con người, virus sẽ thắng lớn. Khi người còn tranh cãi lôi thôi - virus cứ thế mà nhân bội. Ngược lại, nếu dịch bệnh mang lại sự cộng tác toàn cầu khăng khít, đó sẽ là chiến thắng không chỉ trước coronavirus, mà còn là trước tất thảy những mầm bệnh tương lai.

Link gốc: http://baodansinh.vn/cuoc-chien-cam-go-giua-con-nguoi-va-virus-nhan-loai-dang-thieu-vang-1-nha-lanh-dao-42020183191510818.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang