"Sao con cứ ôm điện thoại coi mấy thứ tào lao trên YouTube hoài vậy? Đi học thì chớ, về nhà là cầm điện thoại. Muốn mù luôn phải không?". Tiếng anh N.B.H (quận Tân Bình, TP HCM) quát cậu con trai nhỏ khi vừa bước chân về nhà khiến chị N.T.K.Q tắt vội bếp, chạy lên. Vợ chồng bắt đầu lớn tiếng khi chị bênh con, còn anh thì mắng sa sả.
"Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"
Đây không biết là lần thứ mấy, anh chị cãi nhau mà nguyên nhân xuất phát từ chuyện cậu con trai Bin (5 tuổi) sử dụng điện thoại.
Anh không muốn cho con dùng điện thoại sớm, sợ bé nghiện điện thoại, đắm chìm trong thế giới ảo, xem những thứ vô bổ, thậm chí học theo những từ ngữ, hành động không tốt...
Vợ anh thì hễ con không chịu ăn cơm, đòi điện thoại là chị đưa ngay, để cậu bé không mè nheo, ăn nhanh và để chị còn làm việc.
"Nhiều lần tôi góp ý mà vợ không nghe, còn giận lẫy, nói tôi giỏi thì trông con, chơi với con chứ cô ấy không có thời gian vì còn bao nhiêu việc. Trong khi công việc của tôi đến 20 - 21 giờ mới xong.
Tôi không cấm nhưng con còn nhỏ, cho dùng điện thoại phải có quy định thời gian chứ cứ đòi là đưa, coi từ lúc đi học về đến đêm thì mắt nào chịu nổi? Rồi sau này nghiện, thời gian đâu mà học bài… Chỉ chuyện đó mà vợ chồng cãi nhau suốt" - anh H. thở dài.
Vợ chồng anh N.M.M (quận 3, TP HCM) cũng từ chuyện của con mà nhiều phen sóng gió. Anh không muốn con học thêm chỗ này chỗ nọ, cuối tuần thì nghỉ ngơi, làm những gì mình thích. Vợ anh thì ngược lại, con bước chân vào lớp 1 là chị đã cho đi học thêm toán, tiếng Việt. Cuối tuần, bé học đàn, tiếng Anh, bơi lội.
Cả nhà muốn đi đâu chơi cũng phải cân nhắc, tính toán theo lịch học của con. Các con càng lớn, lịch học càng thêm dày đặc. Chỉ riêng chuyện đưa đón 2 con mà hết cả thời gian. Anh nói vợ chỉ cần cho con học thêm toán, tiếng Anh là đủ. Cuộc đời còn nhiều thứ để hưởng thụ, đâu phải chỉ có học. Học giỏi mà không biết gì thế giới bên ngoài thì cũng bằng 0...
Chị lại nói bạn của con học thêm nhiều môn, con không học, sao theo kịp bạn bè. Hơn nữa, không rèn việc học ngay từ nhỏ thì ý thức học sẽ không có, không thể vào được trường tốt…
Nhiều lúc bực mình vì vợ không nghe, xót vì con học đến phờ phạc người, anh bỏ mặc chị tự xoay xở, vậy là vợ chồng cãi nhau, những chuyện không hài lòng về cách nuôi dạy con lại được lôi ra nói.
Tìm tiếng nói chung
Được xem là người nuôi dạy con thành công khi 4 người con đều tốt nghiệp đại học loại giỏi, có trách nhiệm, lập nghiệp thành công, bà Ánh Tuyết (ngụ quận 1, TP HCM) tiết lộ đó là nhờ trong giáo dục, khi bà dạy các con thì chồng luôn theo ý vợ.
"Tôi thường nói với các con nếu là việc tốt cho con, mẹ sẽ không từ chối bất cứ điều gì. Nhưng nếu mẹ đã nói "không" thì dù các con có năn nỉ cũng sẽ không bao giờ được chấp nhận. Dĩ nhiên, tôi đã thỏa thuận với chồng để khi các con có xin cha, ông xã tôi cũng sẽ trả lời: "Mẹ đã nói gì? Mẹ không đồng ý, ba cũng không đồng ý".
Theo bà Tuyết, khó khăn nhất trong việc dạy con chính là vợ chồng không cùng quan điểm, "ông nói gà bà nói vịt" rồi cãi nhau trước mặt trẻ, khiến bầu không khí trong nhà trở nên nặng nề. Con cái không biết nghe ai, làm như thế nào mới đúng. Hãy cho con hiểu cha mẹ luôn là "một đội", không có chuyện xin mẹ không cho thì xin cha.
Bàn về chuyện này, chị Hạnh Nhân (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cho rằng chuyện vợ chồng mâu thuẫn trong nuôi dạy con không phải hiếm, nhất là khi trẻ đến tuổi đi học. Con tập viết mà lười biếng, mẹ sẽ nói: "Con chỉ được chơi khi viết xong"; cha lại bảo: "Đừng ép con quá! Càng viết, mỏi tay, chữ càng xấu. Chơi xong rồi viết cũng được"... Kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" này chỉ gây hại và mất phương hướng cho trẻ.
"Vợ chồng tôi thỏa thuận nếu một trong 2 người không đồng tình với ý kiến của người kia thì trước hết phải giữ bình tĩnh, không bàn cãi trước mặt con. Hãy cùng thảo luận để thống nhất ý kiến, bởi điều chúng ta hướng đến chính là lợi ích tốt nhất cho con. Đôi lúc cần linh hoạt trong các quy tắc và quy định để mọi thành viên trong nhà đều được vui vẻ" - chị nêu kinh nghiệm.
Chị Hạnh Nhân cũng lưu ý một khi cha mẹ không thống nhất trong dạy con, trẻ phải đối mặt với sự lựa chọn, hoặc nghe mẹ hoặc nghe cha. Nhiều trẻ cũng biết lợi dụng sự mâu thuẫn này để vòi vĩnh, trốn tránh trách nhiệm hoặc học cách đối phó. Mục đích giáo dục, vì thế, sẽ không đạt.
Cần phải chỉ bảo cho trẻ nhận thức rõ đâu là đúng, đâu là sai từ những lời nói, việc làm của người lớn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.