Ngôi nhà không cửa
Tìm đến thôn Mai Nham, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, hỏi cách 3km nhà bà Vũ Thị Dệt, người trong làng chỉ rõ từng lối đi vào nhà bà. Đi vào một con ngõ nhỏ, chúng tôi tìm thấy "ngôi nhà không cửa" nơi mẹ con bà Dệt đang ngồi cùng hàng xóm, bên cạnh là đứa cháu gái nhỏ 2 tuổi nhưng chân tay teo tóp đang được bà Dệt vỗ về.
Căn nhà cũ của 3 mẹ con bà Dệt trước đây từng bị sập.
Tận mắt chứng kiến hoàn cảnh của bà Dệt mới thấy cuộc đời của người nữ Cựu chiến binh ấy thật bất hạnh. Nơi ở của gia đình bà là một căn nhà 2 gian rộng khoảng 60m2 được Hội Cựu chiến binh huyện Tam Dương cùng bà con hàng xóm hỗ trợ xây dựng từ nhiều năm trước.
Cuộc sống không đủ ăn nên ngôi nhà đó từ ngày xây xong không sơn cũng không cửa, nhìn quanh ngoài bộ bàn ghế xập xệ và cái giường cũ kỹ thì chẳng có gì đáng giá.
Góc sinh hoạt đơn sơ của gia đình bà Dệt.
"Cuối năm 2000, 3 mẹ con đang ở trong nhà thì nhà bỗng dưng sập, may mắn không chết. Thế rồi được mọi người trong thôn, Hội Cựu chiến binh của huyện giúp đỡ mới cất được cái nhà này để mẹ con ở.
Đồ trong nhà đều là đồ cũ người ta không dùng nữa người ta cho đấy, không có tiền để lắp cửa, nên cứ để thế thôi, hôm nào trời mưa gió to thì lấy bạt phủ lại", bà Dệt vừa nói tay vừa quệt nước mắt.
Bà Vũ Thị Dệt (73 tuổi) rơi nước mắt khi kể về cuộc đời mình.
Trở về địa phương sau những năm tháng tham gia kháng chiến bà Dệt được hưởng chế độ bệnh binh tỷ lệ suy giảm lao động 65%, về quê lấy chồng rồi sinh con. Trớ trêu thay, bà đẻ được hai người con gái là chị Vũ Thị Thêu và Vũ Thị Thắm đều bị thần kinh. Con đẻ ra chưa đầy 5 tuổi thì chồng bà mất, một tay người phụ nữ khi ấy với hai bàn tay trắng một mình nuôi con.
"Ngày đó hoàn cảnh khó khăn rồi hai đứa con gái cũng mắc bệnh thần kinh nên cũng không cho con đi học tử tế được. Ở nhà 3 mẹ con nương tựa nhau, đến lúc hai chị em nó (chị Thêu, chị Thắm) 13, 14 tuổi thì đi làm giúp việc trên Hà Nội.
Con đi làm rồi mẹ lại cũng đi, từ năm 1999 đến 2001 tôi cũng xin đi làm giúp việc chăm sóc cho người già để thêm nguồn thu nhập, chứ nhìn hai đứa con nhỏ đi làm mình ở nhà không nỡ. Nhưng đi được 3 năm đấy rồi lại bệnh, chân tay thì run, đau nửa đầu nên phải về quê", bà Dệt chia sẻ.
"Con không ra con, cháu không ra cháu"
Ngồi bên cạnh đứa cháu nhỏ tật nguyền, bà Dệt không cầm được nước mắt khi kể về cuộc đời mình.
Vừa nhìn mẹ con chị Thắm, bà Dệt lại không cầm được nước mắt.
"Từ lúc sinh con ra đến bây giờ, hơn 30 năm nay tôi giấu không cho ai biết về hoàn cảnh gia đình mình. Hết con bị rồi ngay cả mấy đứa cháu cũng chẳng đứa nào lành lặn, con không ra con, cháu không ra cháu, nhiều lúc nghĩ tủi thân chảy nước mắt nhưng không biết làm sao cả", bà Dệt xúc động.
Chị Thắm bị thần kinh nhẹ, không biết chữ đang bế bé Thảo mắc bệnh Down bẩm sinh.
Bà chỉ có hai người con gái duy nhất là chị Thêu và chị Thắm, những tưởng những ngày sắp tới sẽ được vui vầy bên con cháu thì bất hạnh lại một lần nữa xảy đến với bà. Con không minh mẫn đã đành, rồi lần lượt 5 người cháu của bà ra đời nhưng cũng không trọn vẹn.
"Con Thêu lấy chồng thì chồng nó cũng chẳng kém nó là bao, nghĩ lúc đó thôi thì nồi nào úp vung đấy, chỉ mong hai vợ chồng nó chăm chỉ làm ăn nuôi con ăn học. Nhưng ông trời lại thử thách tôi lần nữa, 3 đứa con của nó thằng đầu với con út thì đầu óc chậm phát triển, cho cháu đi học nhưng chúng nó không biết gì.
Nhà chị Vũ Thị Thêu, con gái đầu của bà Dệt suốt ngày của đóng then cài vì sợ đứa con thứ hai mắc bệnh thần kinh bỏ đi.
Thấy chúng tôi bước vào, em Vũ Văn Thắng (SN 2004) bỏ chạy, nhà có 3 anh em thì Thắng bị nặng nhất, ngay cả bố mẹ mình em cũng không nhận ra.
Đến thằng thứ 2 thì đẻ ra đã mắc bệnh Down, hơn 10 tuổi đầu mà nó không biết gọi bố, gọi mẹ. Gặp người lạ là cháu nó chạy, cho gì ăn nấy, cơm thì ăn bốc, nghĩ thương con, thương cháu đứt ruột nhưng không làm gì được", bà Dệt xúc động.
Đến người con thứ hai là chị Vũ Thị Thắm, kém may mắn hơn người chị của mình, cuộc sống hôn nhân của chị Thắm không được trọn vẹn, có con nhưng không có chồng. 35 tuổi chị Thắm có đẻ được hai đứa con 1 trai, 1 gái nhưng cuộc đời chị không được như bao nhiêu người mẹ khác.
Mẹ con chị Thắm giờ đây phải nương tựa vào người mẹ già.
Đứa con trai đầu lòng đẻ ra đã mắc bệnh tim bẩm sinh, mẹ con ở cạnh nhau chưa đầy 1 tháng thì con chị mất. Rồi đến đứa thứ hai của chị là cháu Vũ Đàm Hồng Thảo đẻ ra cũng mắc bệnh Down bẩm sinh.
Nét mặt ngây thơ của bé Thảo, em mắc bệnh Down và phình đại tràng bẩm sinh.
Bé Thảo từ khi sinh ra đã không biết mặt cha.
Mọi bất hạnh một lần nữa đổ dồn lên vai người mẹ già. Hoàn cảnh trớ trêu suốt mấy chục năm nhưng chưa bao giờ làm nữ Cựu chiến binh ấy gục ngã. Ở tuổi 73, bà Dệt gồng gánh nuôi đứa con gái út mắc bệnh thần kinh không có việc làm và đứa cháu nhỏ.
"Thương mẹ con nó lắm, chị gái nó dù sao cũng có chồng bên cạnh, còn nó thì chỉ có hai mẹ con, cháu đẻ ra còn không biết mặt cha. Bé Thảo đẻ ra mang xuống viện bác sĩ người ta còn sợ, bị phình đại tràng bẩm sinh nên bụng cháu khi đó phình to, các cô y tá ở viện không dám tắm cho cháu.
Niềm an ủi đối với mẹ con bà Dệt khi bệnh tình của bé Thảo đã tiến triển tốt. Em đã có thể lắng nghe bà và mẹ nói, chỉ có điều em không thể nói được.
Điều kiện gia đình không có, mà bệnh của cháu thì chi phí chữa trị tốn kém mấy mẹ con chỉ biết cầu trời cho cháu tai qua nạn khỏi. Được như hôm nay là gia đình cảm thấy có phúc lắm", bà Dệt lại lau nước mắt.
Gần lên 3 nhưng bé Thảo không thể nói và đi lại được, mọi sinh hoạt giờ đây đều phải nhờ vào bà và mẹ. Ăn uống khó khăn, người bé thiếu đủ thứ, thiếu chất dinh dưỡng, thiếu máu khiến đôi chân em ngày càng teo lại, 3 tuổi mà cân nặng chưa tới 10kg.
Sự hồn nhiên, ngây thơ của đứa trẻ lên 3 thật sự xúc động.
Dù đã lên 3 tuổi nhưng đôi chân bé Thảo teo lại do mắc bệnh, em không thể đi lại như những đứa trẻ bình thường khác.
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng bà Dệt lại luôn muốn giấu đi hoàn cảnh của mình, sợ đồng đội và mọi người biết về hoàn cảnh của mình bây giờ. Đến giờ, khi sức khỏe ngày một yếu bà Dệt lại trăn trở nỗi lo cho con, cho cháu sau này không còn nơi dựa dẫm.
"Tôi không muốn cho mọi người biết, vì sợ mọi người dị nghị, đàm tiếu về các con cháu mình bệnh tật, đến tháng 5 vừa rồi có nhà sư trong chùa đến chơi chụp trộm lúc mấy mẹ con đang ăn cơm rồi đưa lên mạng xã hội mọi người mới biết, chứ không bao giờ tôi để cho ai biết.
Tài sản quý giá duy nhất trong nhà mà bà Dệt còn giữ lại.
Con Thắm 35 tuổi rồi mà không biết chữ, đi chợ thì hay quên, người ta có đưa tiền thừa cũng chạy về nhà hỏi mẹ có đủ hay không. Mẹ nó như thế tôi lại càng lo cho bé Thảo, bà mà nằm xuống rồi không biết mẹ con nó như thế nào", rớt nước mắt bà Dệt chia sẻ.
Sắp xếp những kỉ niệm chương, những giấy khen, bà rơi nước mắt khi trải qua cuộc đời bất hạnh.
Bà Dệt tủi thân, đôi mắt bà ướt đẫm khi kể về cuộc đời mình, hơn 30 năm giấu không cho ai biết về hoàn cảnh của mình chỉ vì sợ mang tai tiếng, dị nghị.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Vũ Thị Dệt, rất cần sự chung tay giúp đỡ để gia đình bà vượt qua khó khăn, để những đứa cháu tật nguyền có một cuộc sống đầy đủ hơn.
Mọi sự giúp đỡ, chia sẻ xin gửi về địa chỉ: Bà Vũ Thị Dệt, thôn Mai Nham, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
Số ĐT: 0373998870 (Chị Vũ Thị Thắm, con gái bà Dệt).
Xin chân thành cảm ơn!
Theo Trí thức trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.