Cuộc sống đầy "sóng ngầm" của gia đình Việt - Mỹ ở Hà Nội: Lấy chồng Tây thiệt thòi đến mức phải gặp bác sĩ tâm lý nhưng người phụ nữ này vẫn "cân" hết tất cả

Những con 'sóng ngầm' sẽ không có cơ hội trồi lên khỏi mặt nước, tất cả là nhờ có sự kiên trì và cố gắng của Nga.

Chúng ta là người Việt, và thường đã khá quen với những gia đình có bố mẹ, con cái cùng màu da vàng, cùng màu tóc đen, cùng văn hóa, cùng tín ngưỡng… Tuy nhiên, ở thời đại thế giới phẳng như hiện nay, việc một người đàn ông và một phụ nữ ở cách nhau đến nửa vòng trái đất bỗng dưng lại dọn về ở chung một nhà lại là chuyện hết sức bình thường. Như thế, người ta gọi đó là gia đình đa văn hóa, và những đứa trẻ khi sinh ra sẽ là những em bé lai hết sức đặc biệt.

Những đợt sóng ngầm trong gia đình vợ Việt chồng Tây ở Hà Nội - Ảnh 1.

Gia đình đa văn hóa ở Hà Nội với "sản phẩm" là cô con gái xinh như thiên thần.

Gia đình Nguyễn Thanh Nga (Hà Nội) và anh Caleb Michael Galipeau (quốc tịch Mỹ) là một ví dụ như vậy. Họ quen nhau trong một lần rất tình cờ rồi sau đó chỉ vì một câu nói "anh thích phụ nữ Việt" mà đến với nhau. Cuộc sống trôi đi khi anh quyết định ở rể Việt Nam và sinh được cô con gái 3 tuổi tên Catherine đẹp như một thiên thần. Dẫu vậy, cuộc sống trong một gia đình đa văn hóa không thể nào đơn giản. Những gì chúng ta thấy họ thực chất ra chỉ là bề nổi, còn lại mọi thứ bên trong thì không hẳn là như vậy khi những đợt sóng ngầm vẫn ngày ngày cuộn lên khiến cho những người trong cuộc luôn phải tìm cách dồn nó xuống để duy trì cuộc sống yên ổn.

Anh chồng chấp nhận ở rể vì quá thích con gái Việt Nam

Trong một lần đi cà phê ở Hà Nội, Nga có để quên cuốn sổ có ghi thông tin cá nhân và số điện thoại ở quán. Sau đó, anh Caleb Michael Galipeau là vị khách kế tiếp nên đã nhặt được và liên lạc với Nga. Hai người quen nhau như vậy và đúng mùng 1 Tết Dương lịch của một năm nào đó, họ quyết định về ra mắt bố mẹ Caleb ở Singapore. Không lâu sau đó, một đám cưới chính thức diễn ra.

Những đợt sóng ngầm trong gia đình vợ Việt chồng Tây ở Hà Nội - Ảnh 2.

Anh Caleb gặp gỡ Nga trong một lần rất tình cờ.

"Về ngôn ngữ, văn hóa mình không có rào cản vì bản thân đã du học ở nước ngoài. Khi mình lấy anh thì cũng không có sự phản đối nào từ phía gia đình vì chị gái mình cũng lấy anh rể là người Úc. Tuy nhiên mình có yêu cầu là lấy em thì anh phải sống ở Việt Nam và đôi khi phải ở rể nữa. Mình bất ngờ khi nghe anh nói anh thích ở rể vì thích truyền thống có ông bà, bố mẹ và con cái sống cùng nhau. Mình không nghĩ gì thêm, quyết định tiến tới hôn nhân với anh sau câu nói đó".

Những đợt sóng ngầm trong gia đình vợ Việt chồng Tây ở Hà Nội - Ảnh 3.

Hai người nên duyên nhờ một cuốn sổ bỏ quên.

Ngoài ra thì còn một lý do nữa khiến Nga quyết định đi lấy Caleb đó là vì anh tâm sự rằng, anh luôn đặc biệt hâm mộ phụ nữ Việt. Là sự mến mộ và thần tượng chứ không đơn thuần là thích nữa, thứ tình cảm đó nằm ở mức độ cao hơn hẳn kiểu cảm giác đàn ông phụ nữ thông thường. Anh nói: "Phụ nữ Việt có khuôn mặt đẹp so với phụ nữ châu Á nói chung. Phụ nữ Việt chăm sóc bản thân rất tốt và quan trọng là "can do anything", rất đảm đang, việc gì cũng có thể làm được. Mà những phụ nữ vừa xinh lại đảm như vậy thì rất nên được theo đuổi".

Thế đấy, như là nhân duyên tiền định, cuộc sống của một chàng Tây ở rể bắt đầu từ khi ấy. Quan trọng nhất là Caleb luôn cảm thấy vui, thậm chí may mắn vì được trải nghiệm một điều mới lạ và thú vị ít có ở quê hương mình như vậy. Tuy nhiên, nói thế thôi chứ sau khi kết hôn, Nga và chồng cũng dọn ra ở riêng, là một căn nhà khang trang với lối kiến trúc Địa Trung Hải (là văn hóa gốc gác của Caleb) rất đẹp và ấm cúng. Ở đó, họ làm chủ cuộc sống của mình với công việc chính của hai vợ chồng là giáo viên dạy tiếng Anh và chuyên chấm thi IELTS.

Những đợt sóng ngầm trong gia đình vợ Việt chồng Tây ở Hà Nội - Ảnh 4.

Không cần ở rể nữa, Caleb và Nga có cuộc sống riêng khá thú vị.

Cô con gái 3 tuổi hội tụ đủ tinh hoa của 2 nền văn hóa

Nga và chồng hiện đang có một cô con gái 3 tuổi tên là Catherine. Cô bé dường như lấy được nét đẹp của cả bố và mẹ với khuôn mặt đẹp như trăng cùng làn da trắng bóc từ mẹ. Điểm nhấn nhá của bé chính là đôi mắt sâu thẳm như đại dương cùng hàng mi cong vút là gen trội của bố truyền lại. Nga đùa rằng, từ khi Catherine lớn lên và ra ngoài chơi nhiều, cô thường xuyên nhận được câu hỏi của các mẹ bỉm sữa kiểu như chị nhuộm tóc cho con ở đâu, chị uốn mi cho con ở chỗ nào mà đẹp thế. Những lần như vậy, Nga cười phá lên và lại thấy hạnh phúc vô cùng vì con gái càng lớn lại càng xinh.

Những đợt sóng ngầm trong gia đình vợ Việt chồng Tây ở Hà Nội - Ảnh 5.

Catherine được nhiều người ví như một thiên thần vì có mái tóc xoăn, làn da trắng và đôi mắt sâu thẳm.

Nói như vậy để thấy Catherine đúng chuẩn đặc trưng của một em bé lai vì các nét đều đẹp. Không chỉ có vậy, em bé còn có khả năng ngôn ngữ rất cân bằng khi không bị lệch về phía bố hay mẹ. Catherine nói tiếng Anh rất siêu đẳng nhưng tiếng Việt thì cũng có thể được xếp vào hàng chuyên gia trong số các bé con lai cùng tuổi, hoặc thậm chí khi so sánh với cả những em bé Việt Nam luôn cũng được nữa.

Để có được điều đó, Nga cũng phải kỳ công xây dựng một hành trình nuôi dạy con bởi cô hiểu rằng, việc giáo dục một em bé lai không đơn giản như một em bé thuần Việt.

 

 

Cô bé con lai hội tụ hết những nét đẹp của cả bố và mẹ.

"Việc nuôi dạy một em bé lai theo mình là trải nghiệm thú vị vì mình cần dạy cho con về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của hai nước. Catherine học thơ ca Việt Nam, hát dân ca quan họ nhưng cũng thuộc nhiều bài đồng dao Mỹ, châu Âu. Mình cũng cho con ăn nhiều nhất có thể đồ ăn của nhiều địa phương khác nhau để con có nhiều trải nghiệm.

Catherine thiệt thòi không bằng các bạn sống ở Mỹ nên mình cũng phải thiết kế giáo trình dạy cho con để khi một ngày nào đó con có về quê nội sinh sống thì cũng không bị bỡ ngỡ nhiều. Ngoài ra, mình cũng lo rằng con không biết ẩm thực Mỹ nên mình cũng cố gắng nấu những món bà nội ngày xưa hay nấu cho bố ăn để con có cảm giác quê hương.

 

 

 

 

 

Catherine được mẹ nuôi dạy theo một giáo trình đặc biệt.

Thêm nữa, có một điểm mà mình thấy khá yên tâm đó là Catherine nói tiếng Việt rất trôi chảy nên không có trở ngại khi giao tiếp với các bé không phải con lai. Catherine thậm chí còn thích chơi với các bé người Việt, các trò như đạp xe, đá bóng, thả diều... Bạn nói chuyện tiếng Việt rất bình thường với các bạn khác".

Với khả năng đó, Catherine thường xuyên là người phiên dịch cho bố trong nhiều trường hợp, bởi anh Caleb không rành tiếng Việt cho lắm, dù đã sống ở Việt Nam nhiều năm.

Những đợt sóng ngầm trong gia đình vợ Việt chồng Tây ở Hà Nội - Ảnh 8.

Cô bé còn là phiên dịch viên của bố nữa, vì không giỏi nói tiếng Việt.

Những đợt "sóng ngầm" trong gia đình nhỏ

Tuy không rành tiếng Việt nhưng theo Nga, anh Caleb là mẫu đàn ông của gia đình nên luôn cố gắng hết mình để hiểu vợ. Anh luôn cố gắng làm những điều tốt nhất cho gia đình, và hơn hết, anh muốn Nga lúc nào cũng được vui và cảm thấy có chỗ dựa vững chắc.

"Chồng mình không giỏi nấu ăn nhưng rất tôn trọng sở thích cá nhân của vợ. Mình thích làm bánh, anh có thể ngồi bên cạnh để xem mình có nhờ gì không. Mình thích cắm hoa, chơi đàn thì anh luôn ngồi cạnh để giúp được gì không. Đó là động lực tinh thần vì cuộc sống có bất cứ thứ gì, sẽ luôn có người để mình dựa vào.

Bố Caleb cũng dành nhiều thời gian để chơi với Catherine để lắng nghe con nói, như một người bạn lớn. Bởi vậy mà bạn vừa yêu lại vừa sợ bố, vì bố cũng nghiêm khắc lắm".

Những đợt sóng ngầm trong gia đình vợ Việt chồng Tây ở Hà Nội - Ảnh 9.

Anh Caleb là bờ vai vững chắc của Nga.

Tuy nhiên, trong gia đình nào cũng vậy, sẽ luôn có những đợt sóng ngầm, mà nhất là với nhà Nga, hai con người đến từ hai nền văn hóa khác nhau, tư tưởng khác nhau thì sóng sẽ lại càng to hơn nữa. Chỉ có điều khác là, họ làm thế nào để những con sóng ấy cứ mãi là sóng ngầm, không bao giờ trồi lên khỏi mặt nước mà thôi.

"Khi lấy chồng nước ngoài thì có cái thiệt thòi nhất định, như là việc khi không biết về ngôn ngữ của một quốc gia nào đó thì cũng đồng nghĩa với việc mình không hiểu nhiều về tập quán văn hóa của họ. Chồng mình không giỏi tiếng Việt mà mình lại rất yêu thơ ca Việt. Khi mình muốn nói chuyện với anh kiểu lãng mạn, hoặc khi kể chuyện cười thì anh cũng không hiểu bởi một lẽ, muốn cùng nhau cảm nhận thì phải biết được những tầng nghĩa sâu xa nữa kìa. Như thế mình cũng không hẳn coi là bất đồng ngôn ngữ mà là hơi kênh về mặt văn hóa.

Những đợt sóng ngầm trong gia đình vợ Việt chồng Tây ở Hà Nội - Ảnh 10.

Nga và chồng nhiều khi khó hiểu những câu chuyện của nhau, đặc biệt là vấn đề liên quan đến văn hóa hay văn học.

Một khác biệt nữa là về mặt tín ngưỡng. Anh theo đạo Dòng và thường đi nhà thờ vào ngày Chủ Nhật nhưng anh lại khá khắt khe trong việc để mình đưa con đến chùa vào mùng Một hay ngày Rằm. Vấn đề này cũng hơi gây mâu thuẫn trong gia đình mình một chút. Và để giải quyết việc đó, có lần mình phải gặp bác sĩ tâm lý vì mình nghĩ mâu thuẫn đó không lớn, hai vợ chồng cũng không cãi nhau nhưng lại là những sóng ngầm mà nếu không hóa giải được thì sẽ tạo nên dư chấn rất lớn.

Bác sĩ có khuyên mình là trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu có cãi nhau thì không nên to tiếng, vì kể cả mình không có ý sát thương nhưng lời nói thì sẽ làm người ta tổn thương. Vì vậy cách tốt nhất là nếu có tranh cãi thì một người nên rút đi chỗ khác chờ bình tâm trở lại rồi tiếp tục nói chuyện sau".

Những đợt sóng ngầm trong gia đình vợ Việt chồng Tây ở Hà Nội - Ảnh 11.

Nga và chồng phải tìm đến bác sĩ tâm lý để tránh xung đột cho gia đình.

Với việc cả hai người đều là giáo viên, đều có tri thức và biết cư xử đúng mực, vợ chồng Nga đã tự hiểu được sự khác biệt của gia đình mình nên luôn đặt ra quy tắc ứng xử là tôn trọng, và luôn thay đổi để thích hợp với nhau nhiều hơn. Vì lẽ đó, trong nhà, dẫu có lúc người này hay người kia không hài lòng về nhau, họ vẫn sẵn sàng ngồi lại để phân tích và hướng đến những điều tốt đẹp nhất.

Và trong suốt quá trình chung sống ấy, qua nhiều lần chỉnh sửa và tự chỉnh sửa, Nga nhận ra rằng quyết định lấy một người chồng Tây của mình không hề sai. Cô hài lòng với cách cư xử lịch thiệp của anh trong cuộc sống hàng ngày. "Sau khi sang Mỹ và một số vùng châu Âu khác, mình thấy đàn ông Tây rất hào hứng, tự giác giúp đỡ vợ việc nhà. Họ thích nói lời khen và lời cảm ơn để người phụ nữ biết rằng họ trân trọng vợ mình. Các bạn chồng Việt Nam hiện nay cũng có nhiều người giúp vợ nhưng để người phụ nữ hạnh phúc hơn thì có thể học cách khen vợ. Mới đầu có thể gượng gạo nhưng nếu xuất phát từ trái tim thì nó sẽ khiến người phụ nữ cảm thấy được yêu thương và khiến không khí gia đình dễ chịu hơn".

Những đợt sóng ngầm trong gia đình vợ Việt chồng Tây ở Hà Nội - Ảnh 12.

Nhưng trên hết, Nga vẫn thấy lựa chọn của mình là đúng đắn.

Người phụ nữ là dấu âm nhưng lại góp phần giúp dương khí của cả nhà luôn thịnh

Nga thường hay nghĩ, con gái đi lấy chồng xa nhà thì sẽ tủi lắm, giống như chồng Nga khi sống xa quê hương thì dù là đàn ông mạnh mẽ đến cỡ nào thì chắc chắn cũng sẽ vẫn có lúc nhớ đến gia đình. Thế nên Nga luôn cố gắng để tổ ấm của mình lúc nào cũng rực rỡ và tràn đầy yêu thương nhất có thể.

"Một ngày mình dành nhiều thời gian cho công việc, nấu ăn, dạy con, dọn dẹp nhà cửa. Mình phải dậy sớm, thức khuya để đảm bảo mọi mục tiêu. Đôi khi mình cũng thấy mệt nhưng mong muốn khiến cho những năm tháng thanh xuân đẹp nhất trở nên có ý nghĩa thì mình nghĩ đánh đổi như vậy là xứng đáng.

Mình không có bí quyết gì đặc biệt. Work - life balance (cân bằng giữa công việc và cuộc sống), là một phụ nữ mà không có sự nghiệp thì rất lãng phí. Khi một người phụ nữ có đam mê thì họ sẽ quyến rũ hơn. Tuy nhiên để duy trì một gia đình thì không thể phụ thuộc hết vào bác giúp việc mà phụ nữ vẫn phải là người nhóm lửa và giữ lửa. Bởi vậy, dù bận thế nào mình vẫn cố gắng vào bếp làm đồ ăn, làm bánh, pha đồ uống để cả nhà cùng thưởng thức. Và vui hơn nữa là tổ chức để cả nhà cùng nhau làm".

Những đợt sóng ngầm trong gia đình vợ Việt chồng Tây ở Hà Nội - Ảnh 12.

Nga luôn tìm cách cân bằng giữa công việc, gia đình và những vấn đề văn hóa của hai vợ chồng.

Ngoài việc cố gắng đảm đang, Nga còn có bí quyết giữ lửa hôn nhân rất hay ho. Đó là khi cảm thấy lâu dần tình yêu mờ nhạt vì khi mình yêu nhau như thói quen, không còn lãng mạn thì chúng ta có bài tập nhỏ là hãy nhớ về cảm giác đầu tiên khi ở bên nhau, hãy nghĩ về cảm giác tốt đẹp. Gia đình nên có thời gian gắn kết vì khi mỗi ngày chúng ta gặp gỡ với những điều mới thì những thời gian ngồi lại bên nhau sẽ giúp củng cố tình cảm gia đình. Thời gian ấy nên cố định và coi như một khoản đầu tư vì hạnh phúc bền lâu của chính các thành viên trong nhà.

Nói như vậy là đủ biết Nga là mẫu phụ nữ chăm sóc chồng con thượng hạng, nhưng chăm sóc mình còn tốt hơn nữa. Chẳng thế mà nhìn Nga không ai nghĩ năm nay cô đã 34 tuổi bởi làn da, vóc dáng và phong cách lúc nào cũng trẻ trung và tràn đầy năng lượng.

Bí quyết của Nga chính là: "Ở độ tuổi ngoài 30 thì mình ý thức rằng sắc đẹp rất mong manh nên luôn dành tối thiếu nửa tiếng đến 1 tiếng trong ngày để chăm sóc da. Mình cũng dành 1 tiếng để tập gym vì giúp sức bền tốt hơn, mục đích là mỗi ngày trôi qua, khi trở về nhà vào lúc thành phố đã lên đèn, mình vẫn có thể nở nụ cười với mọi người, giúp năng lượng lan tỏa khắp nơi".

Những đợt sóng ngầm trong gia đình vợ Việt chồng Tây ở Hà Nội - Ảnh 13.

Nhìn Nga trẻ hơn nhiều so với tuổi 34 của mình mà, phải không?

 

Link bài gốc

Theo Tri Thức Trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang