Xã hội ngày càng hiện đại, cuộc sống con người càng ngày càng được nâng cao, nhưng kéo theo nó cũng là biết bao hệ lụy. Trong đó, có một căn bệnh mà ngày càng có nhiều người mắc phải, nhất là những người phụ nữ: căn bệnh mang tên TRẦM CẢM.
Trầm cảm có thể không ảnh hưởng tới sức khoẻ nghiêm trọng như nhiều căn bệnh khác, dấu hiệu cũng không quá rõ rệt, mà đơn giản chỉ là cảm xúc tiêu cực luôn thường trực trong bạn mà thôi; nhưng tác hại của nó thì có thể thấy rất rõ.
Chỉ tính riêng từ cuối năm 2021 cho tới nay, hàng loạt những vụ việc đau lòng mà nguyên nhân xuất phát từ căn bệnh trầm cảm ở phụ nữ đã xảy ra.
Những vụ mẹ trầm cảm, cùng quẫn giết con thương tâm.
Trước những sự việc đau lòng trên có thể cho thấy tính chất nghiêm trọng của căn bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là nó vẫn chưa được nhiều người thực sự quan tâm, điều trị và bỏ qua giai đoạn vàng dẫn đến tình trạng không thể cứu vãn.
Trầm cảm là "quả bom" khó nhận biết và tự tử là hành vi cuối cùng trong chuỗi hành vi muốn kết thúc thực tại
Trầm cảm không phải là vấn đề hay sự việc của một ngày, thậm chí một tháng, mà nó là quá trình tích luỹ của những áp lực, dồn nén lại - dai dẳng đeo bám chúng ta mỗi ngày.
Ai cũng cố gắng tỏ ra mình ổn, nhưng sâu thẳm trong mỗi người đều có những trận chiến tâm lý không biết chia sẻ cùng ai. Và đại dịch ập đến kéo theo nhiều hệ luỵ mà trầm cảm là một vấn nạn không thể bỏ qua, đặc biệt đối với phụ nữ.
Theo báo cáo của WHO đưa ra ngày 2/3, đại dịch đã gây hậu quả nặng nề về sức khoẻ tâm thần. Số trường hợp mắc các bệnh về tâm thần như lo âu và trầm cảm đã tăng tới hơn 25% trên toàn cầu; trong đó trẻ em gái và phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nam giới.
Báo cáo được thực hiện dựa trên tổng hợp nhiều nghiên cứu, xác định rằng chỉ riêng trong năm 2020, số ca mắc hội chứng rối loạn trầm cảm trên thế giới tăng 27,6%. Trong năm đầu tiên đại dịch xảy ra, số ca mắc chứng rối loạn lo âu trên toàn cầu tăng 25,6%.
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ sau bệnh lý mạch vành. Trong đó, trầm cảm sau sinh ngày càng được ghi nhận ở nhiều phụ nữ và là "quả bom" khó nhận biết.
Con số thống kê trên thế giới cho thấy tỷ lệ trầm cảm sau sinh đối với các bà mẹ khoảng 10-20%. Tại Việt Nam, rối loạn tâm thần nói chung và trầm cảm sau sinh nói riêng đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ trầm cảm sau sinh theo một số nghiên cứu sàng lọc có thể lên tới 33%. Thống kê, cứ 4 phụ nữ sau sinh là có 1 phụ nữ trầm cảm, tình trạng càng trầm trọng hơn ở lần mang thai thứ 2 trong gia đình đã có con gái trước đó.
Còn ở Việt Nam, chỉ trong ba phút sử dụng Google có thể tìm thấy những số liệu: Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tại Việt Nam, khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự tử do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người.
TS Nguyễn Doãn Phương (Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trầm cảm là căn bệnh xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống hiện đại, trong đó nữ thường gặp hơn nam. Đây là một chứng bệnh thuộc nhóm bệnh tâm thần.
Thế nhưng, theo khảo sát mới nhất của WHO, Việt Nam chỉ có 0,91 bác sĩ tâm thần trên 100.000 dân. Hệ thống bệnh viện tâm thần ở Việt Nam hiện tại bao gồm các bệnh viện nhà nước với 36 bệnh viện, 6.000 giường bệnh được bố trí rộng khắp cả nước nhưng chỉ dành cho những bệnh nhân nặng. Trong khi hiện nay, tác động của đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, bắt nguồn từ sự lo âu, sợ hãi, nỗi cô đơn, sự cô lập về xã hội.
Theo nghiên cứu về các trạng thức tâm lý dẫn đến trầm cảm và tự hủy hoại thì việc tự tử là hành vi cuối cùng trong chuỗi hành vi muốn kết thúc thực tại. Với họ, muốn chết là điều quan tâm hàng đầu.
Phụ nữ cần gì để hạnh phúc?
Có thể sẽ có mười vạn tám ngàn chín trăm câu trả lời cho câu hỏi: "Phụ nữ thực sự cần gì để hạnh phúc?". Và cũng có thể, câu trả lời nào cũng luôn chưa đủ. Nhưng có một điểm chung ở những người mắc bệnh trầm cảm, đó là lo lắng luôn là một người bạn đồng hành và có một số thời điểm đặc biệt trong ngày, cơn lo lắng sẽ nổi dậy, nhấn chìm người trầm cảm trước khi họ kịp vực dậy với sự hạnh phúc trở lại. Khiến họ luôn cảm thấy buồn bã, bế tắc với cuộc sống và nó càng trở nên tồi tệ hơn với những người nữ giới, đặc biệt là phụ nữ mới sinh.
Trả lời dựa trên khía cạnh khoa học, chuyên môn, TS. Trần Thành Nam (Chuyên gia tâm lý, Giảng viên ĐHQGHN) cho biết, trầm cảm sau sinh là một rối loạn thường gặp ở những bà mẹ trẻ, xuất hiện khoảng 1 năm sau khi sinh. Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường có triệu chứng lo âu, trầm buồn, thu mình; suy nghĩ gây hại bản thân hoặc gây hại cho đứa trẻ, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của con.
"Các nghiên cứu đi trước cũng chỉ ra một số yếu tố bảo vệ các bà mẹ trẻ khỏi trầm cảm sau sinh đó là: Trình độ học vấn cao; Công việc ổn định, sự hài lòng về cuộc sống hôn nhân và có một hội/nhóm để trao đổi, chia sẻ nhận được sự chăm sóc sau sinh từ những người mà họ tin tưởng." - TS. Trần Thành Nam nói.
Hãy quan tâm nhiều hơn tới những người phụ nữ xung quanh!
Trầm cảm là một vấn đề sức khoẻ tâm thần hệ trọng. Trên phương diện nào đó, trầm cảm không chỉ là tâm bệnh. Nó còn được coi là yếu tố phản ánh rõ rệt đời sống tinh thần của phụ nữ hiện nay còn chưa nhận được sự quan tâm của xã hội.
Điều quan trọng hơn cả là trong giai đoạn tâm sinh lý biến đổi mạnh mẽ, họ cần có người thân, bạn bè ở bên cạnh chia sẻ và thấu hiểu. Hãy dành nhiều sự quan tâm hơn nữa đến những người thân quanh mình để phát hiện sớm và can thiệp tâm lý kịp thời.
https://afamily.vn/dai-dich-tac-dong-nguy-hai-den-phu-nu-khong-phai-cac-trieu-chung-thuong-gap-can-benh-ai-cung-co-the-phai-doi-mat-moi-la-ly-do-dang-lo-ngai-2022031008513335.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.