Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, bên cạnh mâm cơm cúng ông Công ông Táo, các gia đình còn chuẩn bị sẵn "phương tiện" để các Táo quân sử dụng.
"Phương tiện" được người Việt chuẩn bị thường là 3 con cá chép sống (hay cá vàng) thả trong chậu nước. Sau khi cúng xong, họ đem cá phóng sinh xuống ao, hồ hay sông.
Tại Hà Nội, địa điểm được người dân lựa chọn làm nơi phóng sinh cá chép là khu vực cầu Long Biên, cầu Chương Dương, hồ Tây hay các ao hồ khác. Tuy nhiên sau việc phóng sinh này là những câu chuyện bi hài mà không phải người dân nào cũng biết.
Sau khi cúng ông Công ông Táo, người Hà Nội mang cá ra sông, hồ phóng sinh
Ông Phan Kế Tùng (62 tuổi), nhân viên bảo vệ tại một công ty trên đường Trích Sài (Tây Hồ, Hà Nội), cho biết:
“Vào những ngày này, người dân Hà Nội ra hồ Tây để thả cá phóng sinh rất nhiều. Là người thích quan sát nên từ việc đó, tôi nhận thấy có rất nhiều người dân cẩu thả. Phóng sinh cho cá xong, họ vứt luôn túi nilon xuống bờ hồ.
Một vài người khác thì cuộn túi nilon lại rồi dúi vào lùm cây cảnh cạnh hồ. Trong khi đó, thùng rác chỉ cách điểm người dân thả cá khoảng 20m”, ông Tùng nói.
Ông Phan Kế Tùng (62 tuổi) bất ngờ trước ý thức của một bộ phận người Hà Nội.
Vẫn lời ông Tùng, dù không phải nhiệm vụ của ông nhưng khi phát hiện có người dân cẩu thả, ông đã lên tiếng nhắc nhở. Tuy nhiên sự nhắc nhở của ông thường không được tiếp nhận.
“Cách đây 2 ngày, một phụ nữ nhà giàu và có học thức ở gần khu phố này mang cá đi thả. Bên cạnh việc thả cá, họ còn đốt vàng mã, chân hương ngay tại bậc lên xuống hồ… Tuy nhiên sau khi đốt xong, bà ta bỏ luôn đống tro bụi ở đó và nhất định không dọn đi. Tôi cảm thấy bất bình nên đã ra tận nơi nhắc nhở nhưng người phụ nữ này trả lời: “không” một cách cộc lốc”, ông Tùng nói.
Ông Tùng cũng cho rằng, bên cạnh việc cẩu thả của một bộ phận người dân, nhiều người đi phóng sinh nhưng lại chưa hiểu hết ý nghĩa nên có những hành động rất khó nhìn.
Bên cạnh việc phóng sinh ở hồ, nhiều người dân mang cả vàng mã ra bậc lên xuống hồ để đốt và thả tro xuống hồ.
“Đã gọi là phóng sinh thì phải làm sao để sau khi thả đi cá, ốc… đó có khả năng sống được. Thế nhưng nhiều bà cứ cầm cả xô cá, xô ốc, xô trạch rồi đổ ụp xuống hồ từ độ cao 2, 3 mét. Như vậy, cá ốc không bị tổn thương mới lạ”, ông Tùng nói.
“Chưa hết, nhiều người bỏ tiền ra để mua cả yến cá, ốc, lươn trạch để phóng sinh nhưng dường như họ chỉ làm cho có. Tôi ở đây, hàng ngày quan sát điểm hồ này nên tôi biết, người dân thường đổ trộm xuống hồ rất nhiều loại rác thải.
Có người đổ xuống cả nửa thùng sơn, nhưng người đổ sơn vừa đi khỏi thì một người khác lại mang cả bao cá, ốc đến phóng sinh ở đúng vị trí đổ sơn đó.
Tôi nhắc họ nhưng họ cũng không nghe. Họ "dạ, vâng" rồi vẫn đổ thật nhanh cả bao tải ốc, cá rồi vội vàng lên xe máy phóng đi. Tôi nghĩ, những con cá có thể lao nhanh sang vị trí khác nhưng nhóm ốc ở lại, ăn phải thứ sơn đó thì khó mà sống nổi”, ông Tùng nói tiếp.
Bên cạnh sự kém hiểu biết và hành động cẩu thả của người dân, ông Tùng nói, ông còn chứng kiến những cảnh vô cùng bất ngờ mà nếu không phải người sống cạnh hồ và hay quan sát thì không bao giờ biết được.
Ông Nguyễn Văn Hương ở hồ Tây.
Người đàn ông 62 tuổi cho biết, vào những ngày này, biết được tâm lý người dân hay mang cá, ốc đi phóng sinh nên có một cặp chồng thường xuyên theo dõi khu vực hồ.
“Hễ thấy người dân nào mang cá, ốc đến đây phóng sinh là đôi vợ chồng đó đứng từ xa quan sát. Sau đó, mang vợt ra vợt cá ốc lại rồi bán cho một quán ăn gần đây”, ông Tùng tiết lộ.
Trên đường Nguyễn Đình Thi (chạy dọc theo hồ Tây) ông Nguyễn Văn Hương cũng quá quen với cảnh người dân mang cá, ốc, lươn, trạch ra phóng sinh tại hồ Tây.
“Có người còn phóng sinh cả nửa tạ cá, có những con cá hàng nặng hàng kg tuy nhiên vì không bảo quản tốt nên sau khi phóng sinh, nhiều con đã chết và dạt vào bờ”, ông Hương nói.
Cũng lời ông Hương, bên cạnh việc phóng sinh, nhiều người còn đốt vàng mã và mang tro ra hồ thả với cách lý giải rất đặc biệt.
“Họ cho rằng, sau khi đổ tro ra hồ, chỉ một lát là cá trong hồ sẽ ăn hết, còn nếu không ăn hết thì số tro đó sẽ được hòa tan trong nước. Như vậy, mọi chuyện sẽ được mát mẻ hanh thông”- ông Hương cười nói.
Tuy nhiên theo ông, việc đổ tro xuống hồ chỉ khiến môi trường nước và cua cá trong hồ bị ảnh hưởng chứ không hề có ý nghĩa tốt đẹp như một số người đang nghĩ.
Chiều 6/2 tức ngày 21 tháng Chạp, theo quan sát của PV, phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) đã tiến hành treo áp phích với nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường, không thả tro, túi nilong xuống hồ tại các điểm cạnh hồ Tây.
Ông Lê Minh Tân- cán bộ văn hóa phường Bưởi, cho biết, trong những năm qua, mặc dù Phường đã tuyên truyền, thậm chí bố trí cả thanh niên tình nguyện đứng chốt tại các điểm có bậc tam cấp xuống hồ để chỉ dẫn và nhắc nhở người dân không vứt túi nilon, tro bụi xuống hồ tuy nhiên nhiều người dân vẫn không chấp hành.
Vì vậy năm nay, phường tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo hồ Tây không bị ô nhiễm trong những ngày cao điểm này.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.