Đang chờ gây mê phẫu thuật, gia đình người bệnh bỗng xin về vì sợ 'đụng' dao kéo

(lamchame.vn) - Người phụ nữ bị ung thư đại tràng lên bàn mổ, bất ngờ gia đình thay đổi quyết định, không cho phẫu thuật vì sợ động dao kéo, về nhà chữa thầy lang.

Bà Nguyễn Thị Dung (58 tuổi, Hà Nội) phát hiện ung thư đại trực tràng sau thời gian dài đại tiện khó khăn. Bà được bác sĩ tư vấn rất kỹ về phẫu thuật cắt u, nối đại tràng và hóa trị tiêu diệt tế bào ung thư còn sót.

Ngày phẫu thuật, ê-kíp mổ sẵn sàng, bà Dung lên bàn mổ, chờ gây mê. Gia đình bất ngờ gọi yêu cầu đưa người bệnh về, không mổ vì sợ “đụng” dao kéo bệnh sẽ di căn nhanh hơn. Bà Dung rời khỏi khu mổ trong sự ngỡ ngàng, tiếc nuối của các y bác sĩ.

“Dù giải thích cặn kẽ rằng y học phát triển và mổ nội soi giúp bệnh nhân nhanh bình phục, có người bị ung thư giai đoạn 4 vẫn sống trên 5 năm sau mổ nhưng bệnh nhân vẫn mau chóng xin ra viện, về nhà uống thuốc nam”, bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Nam - Phó Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện K (Hà Nội) kể lại.

Nhìn người bệnh lặng lẽ rời phòng mổ, bác sĩ cảm thấy tiếc nuối và nghĩ tới tương lai sắp tới khối u xâm lấn di căn thì bà không còn cơ hội phẫu thuật.

Hay trường hợp cụ ông (79 tuổi, Nam Định) bị ung thư đại tràng cũng từ chối điều trị vì sợ “đụng” dao kéo. Khoảng 2 tháng sau, gia đình đưa ông trở lại bệnh viện trong tình trạng thập tử nhất sinh do vỡ ruột. Lúc này, bác sĩ không thể mổ cắt khối u trực tràng, cũng không thể đóng hậu môn giả.

Thể trạng cụ ông vô cùng yếu do mắc nhiều bệnh nền như, tim mạch, tăng huyết áp, ung thư cùng nhiều tổn thương nặng nề khác. Hai tuần sau, gia đình xin đưa người bệnh về nhà.

Đang chờ gây mê phẫu thuật, gia đình người bệnh bỗng xin về vì sợ 'đụng' dao kéo - Ảnh 1.

Bác sĩ Nam (bên trái) cùng ê kíp của mình trong một ca phẫu thuật tại Bệnh viện K.

Theo bác sĩ Nam, nhiều người cho rằng khi chẩn đoán xác định là ung thư thì không được động chạm dao kéo, bởi như vậy chỉ khiến người bệnh nhanh chóng đi tới đoạn kết. “Đó là quan niệm không đúng” , bác sĩ Nam nói.

Phẫu thuật có vai trò rất quan trọng trong cả chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Nếu ở giai đoạn sớm, phẫu thuật là phương pháp gần như duy nhất để điều trị, hơn thế còn điều trị để khỏi bệnh.

Ở giai đoạn muộn hơn, phẫu thuật sẽ kết hợp với các phương pháp khác để giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả tối ưu. Ví dụ như việc hoá xạ trị trước mổ trong ung thư trực tràng giúp khối u nhỏ lại, tạo thuận lợi để phẫu thuật cắt bỏ sạch sẽ khối u và hạch. Hoá chất sau mổ đối với ung thư phổi, dạ dày giúp tăng tỷ lệ khỏi bệnh so với việc chỉ phẫu thuật đơn thuần.

Bên cạnh đó, có những bệnh ung thư, ngoài phẫu thuật, sẽ không có phương pháp điều trị triệt để nào khác như ung thư tuyến giáp, ung thư da, ung thư phần mềm,ung thư hắc tố. Chưa hết, ung thư ở giai đoạn có biến chứng như chảy máu, tắc ruột, thủng vỡ u thì bắt buộc phải có can thiệp ngoại khoa tức là phẫu thuật, nếu không người bệnh sẽ bị nguy hiểm tới tính mạng.

Cũng có những bệnh ung thư phẫu thuật có rất ít vai trò như ung thư vòm, ung thư hạch bạch huyết, bởi lúc đó vai trò của hoá chất, xạ trị mới là yếu tố quyết định. Nhưng khi đó, phẫu thuật vẫn có vai trò sinh thiết để chẩn đoán ra bệnh.

“Cũng có những can thiệp phẫu thuật được đặt ra thiếu chính xác như chỉ định quá giai đoạn nếu không muốn nói là chỉ định sai, hoặc quy trình phẫu thuật chưa chuẩn mực khiến bệnh có xu hướng trầm trọng thêm. Do vậy, điều quan trọng nhất là cần được thăm khám và chẩn đoán sớm, chuẩn xác tại các cơ sở chuyên khoa sâu. Điều đó chắc chắn sẽ giúp chúng ta tiếp cận chẩn đoán đúng, điều trị phù hợp và kịp thời, nâng cao khả năng khỏi bệnh ung thư”, bác sĩ Nam chia sẻ.

Chuyên gia khuyến cáo, người bệnh cần tin tưởng và thực hiện theo đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa, chữa trị sớm nhất có thể, thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất giúp cơ thể chống chọi bệnh tật.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang