Đặt các bức tượng phong thủy trong nhà như thế nào mới mang lại tài lộc và hạnh phúc?

Theo quan niệm dân gian về phong thủy, nhiều người thích bài trí tượng phong thủy nhà ở nhằm trang trí và chuyển hóa năng lượng, hút tài lộc, may mắn, thi cử học hành đỗ đạt... Nhưng những bức tượng phong thủy có giá trị thế nào mới bày trong nhà, và tượng đá phong thủy có nên bày hay không? Xin giới thiệu những thông tin dưới đây để bạn đọc tham khảo.

Các tượng phong thủy nên bày trong nhà

Trong dân gian bộ tượng Tam đaPhúc Lộc Thọbằng đá quý hay được bày trong nhà ở để chiêu tài đón lộc, trường thọ. Tượng ông Lộc (còn gọi là ông Thần Tài) là biểu tượng cho tài lộc, giàu có, thịnh vượng. Tượng ông Phúc - sự may mắn, tốt lành và hạnh phúc. Tượng ông Thọ - tượng trưng cho sức khoẻ, trường thọ.

Dân gian cũng hay đặt trong nhà tượng phật Di Lặc (còn gọi là “Tiếu phật”, “Ông phật cười”, Bố Đại Hoà Thượng…), ý nghĩa phong thủy là đem đến sự hạnh phúc viên mãn. Một số nơi coi tượng đá Di Lặc là ông Thần Tài (hình tượng phật Di Lặc tiền vàng, đứng trên đỉnh vàng, kéo bao tiền, ngồi gốc đào, ngồi dưới gốc tùng… để chiêu tài rước lộc) trong hình ảnh ông già mập mạp, bụng phệ, áo phanh ngực và trên môi luôn có nụ cười tươi tắn, là biểu tượng của niềm vui và hạnh phúc. Một số người còn truyền tai nhau là ngày ngày cần xoa bụng tượng – là nơi chứa đầy của cải, tài lộc - xoa càng nhiều thì may mắn càng đến với mọi người trong nhà.

Trong phong thủy coi tượng phật Di Lặc (được coi như Thần Tài), tượng Quan Công (Thần Bảo vệ), tượng Khổng Minh (Thần Trí tuệ) hay đặt trong nhà vì được cho là sẽ đem lại năng lượng tốt vào nhà. Tượng phật Quan âm, Phật tổ, Hộ Pháp, La Hán… mang tới phước lành, an vui, hòa thuận, sum vầy, vui vẻ, hạnh phúc hơn. Tượng Chúc phúc là hình tượng 2 đứa trẻ, hoặc hình ảnh 2 ông Di Lặc mang lại may mắn, hạnh phúc, viên mãn cho gia chủ (hay dùng làm quà tân gia).

Trong nhà ở, văn phòng còn có thể đặt những tượng phong thủy mang ý nghĩa may mắn, hạnh phúc như Quan Âm Bồ Tát, hay tượng đá phong thủy trấn trạch như tượng Bồ Đề Đạt Ma… để mang lại vận khí tốt, bình an, tốt lành cho gia đạo, được quý nhân phù trợ, được trợ giúp đắc lực, sáng suốt…

Tượng phật Di Lặc

Tượng phật Di Lặc

Linh vật phong thủy​ trong nhà

Thế giới tượng phong thủy trong nhà không nhiều, nhưng cũng làm người chưa biết ngỡ ngàng. Trong dân gian truyền rằng, nếu muốn bảo vệ nhà (dân gian gọi là trấn yểm, trừ tà - khí xấu, thu hút may mắn, tài lộc... ) thì đặt tượng linh vật phong thủy chó đá, sư tử đá, voi đá... Đặt tượng linh vật còn thể hiện sự giàu sang, phú quý, quyền uy cho gia chủ...

Nhưng đó chỉ là lời đồn trong dân gian.

Theo nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Quang Tuyến, tác dụng tượng phong thủy của sư tử xưa nay là tránh tà khí và hóa giải sát khí… Một số nhà phong thủy hiện đại cho rằng còn chống lại những mất mát tài chính bất ngờ, giúp giảm bớt khó khăn và cải thiện tài vận… Đặt sư tử đá phải cả đôi (1 đực, 1 cái hai bên cửa), thường dùng ở các công ty, doanh nghiệp, chùa chiền... chứ không dùng đặt trong nhà ở bình thường.

Còn nhà ở vùng Bắc Bộ và một số dân tộc miền núi hay đặt chó đá phong thủy trước cổng, ngoài cửa, có ý nghĩa phong thủy là tránh những hung họa của thế đất xấu, hỗ trợ thay đổi vận mệnh và tiền bạc…

Cả chó đá, sư tử đá, voi đá… đặt cần rất thận trọng vì phải gìn giữ lâu dài, khó có thể bỏ đi. Nói chung nhà ở là dinh thự, biệt thự, doanh nghiệp lớn mới đặt tượng dã thú, mãnh thú.

Nhà ở bình thường chỉ nên đặt tượng những con vật nhỏ bé hiền lành như Thiềm thừ (cóc 3 chân – linh vật may mắn về tiền bạc, bình an…), Rùa (tượng trưng cho tuổi thọ), Long Quy Linh (giúp tiết kiệm, tăng tiền bạc), hoặc bày tượng kỳ lân, cá chép vượt vũ môn, ngựa “mã đáo thành công”… làm từ chất liệu gỗ quý, kim loại, thủy tinh, đồ tinh chế…

Các nhà phong thủy cho rằng, đặt tượng trong nhà có chiêu tài, đón lộc, may mắn… hay không thì đó là niềm tin trong dân gian. Ai tin thì cảm thấy có tác dụng, nếu không tin thì cho là vớ vẩn, không trân trọng, không lau sạch hàng ngày, có khi còn xúc phạm đến hình tượng… Mỗi con vật phong thủy đều gắn với biểu tượng tâm linh nhất định, nên cần đặt đúng vị trí mới đem lại tài lộc, may mắn như mong muốn, đặt sai thì có thể sẽ rước họa.

Tượng chó đá bảo vệ nhà cần đặt có đôi. Ảnh minh họa.

Tượng chó đá bảo vệ nhà cần đặt có đôi. Ảnh minh họa.

Nhà ở có nên bài trí tượng không?

Các thầy phong thủy khuyên trong nhà nên hạn chế đặt tượng đá, mãnh thú, vật dữ dằn, đồ sát khí… Nếu muốn đặt tượng dù bằng chất liệu gì cũng phải đặt đúng theo vị trí cung, Ngũ hành trong phong thủy. Ví như đặt tượng Phật phải ở vị trí cao hơn mặt đất ít nhất 1m; đặt tượng linh vật tùy tượng mà quay ra cửa hay quay vào nhà mới thu năng lượng tốt. Không nên đặt tượng trong phòng tắm, nhà bếp, phòng ngủ, hay đặt trực tiếp trên sàn nhà.

Các nhà phong thủy cho rằng, tượng đá có ý nghĩa phong thủy, ảnh hưởng lớn đến vận khí, tài lộc, công danh sự nghiệp... Ai cũng có thể dùng tượng đá, nhưng cần biết tính chất đá có âm, có dương, có thu tích khí và có xả. Nếu đặt đá thu năng lượng mãi mà không biết xả thì đá hút mãi khí âm sẽ không tốt cho gia chủ. Vì vậy cần phải tính toán kỹ Ngũ hành, chỗ nào thiếu mới đặt cho đặt đá, chứ không tùy tiện tự đặt.

Theo ông Phạm Quang Tuyến, đá sau khi tạc tượng sẽ khác đá tảng vì đã được mô phỏng hình tượng vào đó, nhưng vẫn không mất tính chất đá. Gia chủ cũng cần có hiểu biết nhất định về phong thủy, ngũ hành, và tính chất của đá… đúng theo quy luật âm dương – ngũ hành, thuật phong thuỷ, để tránh “phạm” phong thủy mà gặp xui xẻo.

Tượng chất liệu bằng đồng được các nhà phong thủy dùng nhiều. Ảnh minh họa.

Tượng chất liệu bằng đồng được các nhà phong thủy dùng nhiều. Ảnh minh họa.

Nếu thích bày tượng hãy chọn tượng bằng chất liệu gỗ, đá, gốm sứ, mạ vàng, ngọc thạch, ngà, đồng nguyên chất… Các chuyên gia phong thủy cho rằng, tượng được làm từ đồng nguyên chất được coi là linh nghiệm nhất.

Với các linh vật phong thuỷ nhỏ bé bày bàn học, bàn làm việc… hãy để là món đồ chơi, không cần khai quang, điểm nhãn.

Khi mua tượng, cần chú trọng đến yếu tố ngoại hình: Tượng cần có ngũ quan như mắt, mũi, tai.... rõ ràng, không sứt mẻ. Màu sắc nhã nhặn và tươi sáng. Pho tượng đá đẹp, đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu về phong thủy… mới hỗ trợ may mắn, tài lộc cho gia chủ.

Tượng đạt chuẩn phong thủy, có giá trị phải mang đậm tính triết lý phương Đông và quy luật Âm Dương - Ngũ Hành, thể hiện ở tỉ lệ kích thước, chất liệu, màu sắc và cách sắp đặt các chi tiết (ví như hướng Nam là Âm Hỏa – hợp với những pho tượng đá đẹp rực rỡ màu đỏ; Hướng Bắc là dương Thủy hợp với tượng đá màu tối, đen, nâu sẫm...).

Tượng màu sắc gì phải đặt đúng cung Sinh khí, đúng hướng phù hợp, nhưng phải hài hòa với ngôi nhà, nội thất và theo kích thước phong thủy (theo thước Lỗ Ban) mới giúp ngôi nhà sang trọng hơn, hỗ trợ vận may, tài lộc, sức khỏe, thăng tiến trong sự nghiệp…

Tùy tuổi, mục đích sử dụng, vị trí nội thất trong nhà mà đặt, không có công thức nhất định nhưng không được tùy tiện đặt tượng.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang