Ngày 30/6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo có cuộc nói chuyện với 1 nhóm các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn ở nước này. Nội dung chính là thảo luận về việc áp đặt lệnh phong tỏa ở mức độ cao nhất trên toàn quốc trước tình hình dịch bệnh gia tăng rất nhanh. Tuy nhiên hầu hết các ý kiến đưa ra đều là phản đối.
Trước đó ít giờ, một số Bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Y tế, đã tới thăm cung điện của Tổng thống ở Jakarta với 1 thông điệp rõ ràng: dịch bệnh sẽ trở nên rất nghiêm trọng nếu như Chính phủ không ngay lập tức áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trên diện rộng. Họ khuyến nghị nên hạn chế di chuyển đối với tất cả mọi người trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.
24 giờ trước đó, Hội Chữ thập đỏ Indonesia đã phát đi cảnh báo khẩn cấp, cho biết một trong số các bệnh viện đang bị quá tải và biến chủng Delta đang đẩy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á "đến bờ vực của 1 thảm họa".
Nhưng trong cuộc họp qua Zoom, hiệp hội các doanh nghiệp cho rằng các biện pháp quá nghiêm ngặt sẽ chặn đứng đà phục hồi của nền kinh tế, gây ra thất nghiệp trên diện rộng.
Ngày hôm sau, chính quyền của ông Jokowi thông báo chỉ thị mới về phòng dịch. Cuối cùng thì Indonesia đã né tránh lệnh phong tỏa hoàn toàn mà các lãnh đạo ngành y tế đã khuyến nghị.
1 con đường vắng lặng ở thủ đô Jakarta. Ảnh: Dimas Ardian/Bloomberg
Không lâu sau đó, nước này trở thành tâm dịch mới của châu Á. Số ca nhiễm mỗi ngày tăng hơn gấp đôi, vượt qua cả Ấn Độ trước khi đạt đỉnh vào cuối tuần trước. Dữ liệu của WHO cho thấy số ca tử vong mỗi ngày của Indonesia là lớn nhất thế giới. Vì các bệnh viện quá tải, bệnh nhân bị từ chối tiếp nhận và chỉ có 6% trong số 270 triệu dân được tiêm vaccine đầy đủ, Indonesia đã chính thức rơi vào thảm họa.
Ông Jokowi lại phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: duy trì những biện pháp hạn chế đã thông báo hay nới lỏng để bảo vệ sinh kế của hàng triệu người bất chấp dịch bệnh vẫn căng thẳng. Tuần này Chính phủ Indonesia vừa thông báo các lệnh hạn chế hiện tại sẽ được kéo dài đến 25/7, và Tổng thống cho biết sẽ chỉ nới lỏng sau khi số ca nhiễm tiếp tục giảm.
Hôm qua (21/7), một nhóm các doanh nghiệp Indonesia lại kiến nghị Chính phủ cho phép các ngành kinh doanh thiết yếu được mở cửa hoàn toàn, các ngành không thiết yếu hoạt động 50%, đồng thời đề nghị trợ cấp cho cả doanh nghiệp và người lao động. Theo họ, không nên đưa ra những quyết định mà sẽ "giết chết" nền kinh tế bởi thiệt hại sẽ là rất lớn và đời sống xã hội cũng bị đe dọa. "Chúng tôi hiểu rằng sức khỏe là rất quan trọng nhưng chúng ta không thể hoàn toàn đóng băng nền kinh tế".
Bài toán siêu khó
Làm sao để cân bằng giữa chống dịch và kinh tế là bài toán khó mà tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều đang phải giải quyết. Tuy nhiên đặc thù của Indonesia khiến câu chuyện khó khăn hơn nhiều. Hiện nước này có tới hơn 70 triệu lao động tự do, đa số làm việc trong ngành dịch vụ mà sẽ bị ảnh hưởng rất nặng bởi các lệnh phong tỏa và hạn chế.
Hiện đại dịch cũng đã khiến khoảng 2,5 triệu người Indonesia rơi vào cảnh đói nghèo, 1,6 triệu người thất nghiệp. Đầu tháng 7, Indonesia mất đi xếp hạng nước có thu nhập trung bình cao từ World Bank, chỉ 1 năm sau khi được nâng hạng.
Các nước đang phát triển khác như Brazil, Malaysia và Thái Lan cũng buộc phải đối mặt với lựa chọn bất khả thi giữa việc mở cửa nền kinh tế ở mức đủ để bảo vệ việc làm và những biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh. Không nhiều quốc gia có đủ tiềm lực để tung ra những gói hỗ trợ tài khóa khổng lồ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại.
Mặc dù hồi tháng 1, Indonesia đã tăng ngân sách chi cho phục hồi kinh tế trong năm 2021 thêm 49% so với ước tính trước đó, quý này tăng trưởng GDP của Indonesia có thể giảm xuống còn 4% nếu như không kiểm soát được dịch bệnh. Covid-19 cũng khiến những biện pháp cải cách nền kinh tế bị trì hoãn.
Trước tình thế khó khăn, sự ủng hộ dành cho ông Jokowi đang suy giảm. Kết quả khảo sát do Lembaga Survei Indonesia thực hiện đầu tuần này cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm từ mức 68,9% trong tháng 12 năm ngoái xuống còn 59,6% trong tháng 6. Thậm chí trên mạng xã hội còn xuất hiện những lời kêu gọi Tổng thống hãy từ chức.
Xuất thân từ 1 gia đình nghèo, ông Jokowi lên nắm quyền lực với vai trò là 1 người ngoại đạo trong hệ thống chính trị vốn bị ảnh hưởng nhiều bởi giới kinh doanh. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã tung ra kế hoạch cải cách kinh tế đầy tham vọng, trong đó có chi 412 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và xây dựng được 1 liên minh hùng mạnh để hiện thực hóa các kế hoạch. Ông còn bổ nhiệm một số tỷ phú vào các vị trí cố vấn đặc biệt, đưa những cổ đông lớn nhất trong các kỳ lân công nghệ vào nội các.
Cho đến nay, phương pháp tiếp cận thân thiện với giới kinh doanh đã giúp ông được lòng số đông và đẩy mạnh những cải cách khó nhằn. Tuy nhiên, dịch bệnh lại khiến câu chuyện rẽ sang hướng khác và dường như cách tiếp cận đó lại trở thành 1 gánh nặng.
Tuần trước, làn sóng phản đối dữ dội từ dân chúng đã buộc ông Jokowi phải từ bác bỏ đề xuất của 1 công ty dược quốc doanh muốn bán vaccine có lợi nhuận cho những nhân viên của các doanh nghiệp lớn muốn được tiêm phòng sớm hơn. Vì Indonesia đang tiêm vaccine miễn phí cho người dân thông qua 1 chương trình công, dân chúng giận dữ trước ý tưởng người giàu có thể không cần xếp hàng mà được tiêm trước.
Tham khảo Bloomberg
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/day-la-tu-huyet-khien-indonesia-vuot-an-do-tro-thanh-tam-dich-moi-cua-the-gioi-nhieu-nuoc-dang-phat-trien-co-the-roi-vao-tinh-canh-tuong-tu-161212207162551389.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.