ĐB Lưu Bình Nhưỡng: "Tôi đã chuyển đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đến Chánh án tòa tối cao"

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, sau khi xem xét đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ông đã chuyển đến Chánh án tòa án nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 6/6, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH) cho biết, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gửi đơn kiến nghị đến ông về bản án sơ thẩm vụ ly hôn của bà với ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Theo ông Nhưỡng, đối với các đơn của công dân gửi đến, đặc biệt những đơn khẩn cấp đều ông xem xét một cách nghiêm túc.

"Tôi đã chuyển đơn này đến Chánh án tòa án nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền của Tòa án nhân dân, đúng Hiến pháp, Luật Tổ chức tòa án, các luật tố tụng có liên quan đảm bảo tính công lý, công bằng, tư pháp của vụ án này", ông Nhưỡng nêu rõ.

Về việc bản án sơ thẩm ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ bị VKSND TP Hồ Chí Minh kháng nghị hủy, theo ông Nhưỡng, đây là việc không nằm ngoài dự đoán của mọi người.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Tôi đã chuyển đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đến Chánh án tòa tối cao - Ảnh 1.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Ông nói, ở đây, không phải bênh vực ai mà phải đứng trung lập để xem xét. Đồng thời, là người giúp việc trong việc cải cách tư pháp, ông cảm nhận đây là một trong vụ án mà việc xét xử gây ra nhiều bình luận trái chiều nhất về một Tập đoàn.

Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH thông tin thêm, ông đã nghiên cứu đơn và thấy có nhiều vấn đề đặt ra.

Trong đó, bà Thảo rất phàn nàn, không bằng lòng về hoạt động tố tụng cũng như các vấn đề có liên quan đến lời khuyên của thẩm phán...

"Theo phản ánh, trong quá trình xét xử còn có các vấn đề bộc lộ không bình thường về đánh giá các loại chứng cứ, xác định về tài sản.

Đối với vụ án liên quan đến rất nhiều tài sản nếu không làm cẩn thận sẽ nảy sinh các xung đột tiếp theo...", ông Nhưỡng nêu.

Ông nhắc lại băn khoăn lớn nhất chính khi tòa án quyết định thay các đương sự. Cụ thể, tòa án không có thẩm quyền quyết định về việc người này được giữ cổ phần và người kia không được giữ cổ phần.

Bởi, theo ông, cổ phần không chỉ liên quan đến tài sản mà còn liên quan đến quản lý công ty.

"Tôi cho rằng, công ty không chỉ liên quan đến tài sản mà còn liên quan đến quyền lực. Quyền lực này không chỉ ở tính nội bộ còn thể hiện trước xã hội.

Bà Thảo cho rằng, mình bị tước cả danh hiệu nội bộ lẫn ảnh hưởng xã hội và trở thành người cầm tiền. Như vậy, phải xem xét thận trọng tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp", ông Nhưỡng bày tỏ.

 

 

Theo Trí thức trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang