Vai trò của người điều hành trong lĩnh vực y tế như thế nào?
Tại phiên thảo luận tổ vào sáng 21/10, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đánh giá cao vai trò tích cực chủ động, sát sao của các cơ quan lập pháp, hành pháp các Bộ, ngành, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành mà không thể cứ đổ lỗi do Covid-19.
"Chẳng hạn, Thủ tướng gọi điện trực tiếp đến cấp xã nhưng cấp tỉnh có những cán bộ không nắm được nội dung. Trong điều hành KT-XH có tình trạng lo lắng quá, run rẩy, sợ trách nhiệm không dám quyết", ông An nêu.
Nam ĐBQH chỉ rõ, lo thì đúng nhưng "sợ mà run quá không dám đưa ra các quyết sách thì không ổn".
"Chúng ta cần chuyển trạng thái căng ra chiến đấu với Covid-19 sang điều hành linh hoạt, hiệu quả, đồng thời phải chấn chỉnh một cách nghiêm khắc đối với những vị trí, cá nhân không làm tròn bổn phận, trách nhiệm", ông An nhấn mạnh.
Về nguồn lực cho phát triển KT-XH, ĐBQH Trịnh Xuân An đề nghị khắc phục chuỗi đứt gẫy, chống dịch, chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Tài chính - người cầm "hầu bao" vì vừa qua mình chi rất nhiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời đưa ra những Nghị quyết để Chính phủ sử dụng các khoản tiền chi phòng, chống dịch.
Tuy nhiên theo ông, nguồn lực vẫn còn nhiều, đủ cơ sở phòng, chống dịch.
"Bộ trưởng nói nhiều đến cổ phần hóa, huy động vốn xã hội.
Theo tôi, có thể xử lý nợ đọng thuế, nguồn lực trong xã hội. Trong khi chúng ta thiếu tiền chống dịch thì chứng khoán vẫn tăng, giá nhà Hà Nội, TP.HCM vẫn cao, giá vàng cao, lãi các ngân hàng vẫn tăng.
Thu ngân sách 2021, mặc dù Trung ương hụt nhưng thu địa phương vẫn tăng, trong đó có 2 nguồn là đất đai và dầu thô; nguồn FDI vẫn tăng...", đại biểu phân tích, đề nghị cần đánh giá lại, tự tin là vẫn còn nhiều nguồn để cân đối.
ĐBQH tỉnh Đồng Nai chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đội ngũ y tế trong phòng, chống dịch và cần phải vinh danh lực lượng này; song ông cũng đề nghị báo cáo cần đề cập đến vai trò "Tư lệnh" điều hành của Bộ Y tế trong chống dịch.
Theo đại biểu vẫn còn một số băn khoăn trong phát huy nguồn lực y tế tư nhân và việc định hướng cho địa phương để tránh "loạn giá" kit xét nghiệm.
"Bộ Y tế cho biết, Bộ không quy định giá kit xét nghiệm mà mỗi địa phương tự thực hiện, nhưng mình là "Tư lệnh", phải có chỉ đạo, điều hành, không để như vậy được", ông nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, theo ĐB An, còn tình trạng một số bệnh viện lớn sợ trách nhiệm, không dám đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế chống dịch mà chỉ huy động qua kênh tài trợ.
Liên quan vấn đề vắc xin, ông An đánh giá cao việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, trong thời gian ngắn đã có hơn 69 triệu mũi vắc xin được tiêm.
Tuy vậy, ông băn khoăn về những "lùm xùm" trong chuyện doanh nghiệp, nhà tài trợ, đối tác nước ngoài muốn mua và đưa vắc xin về Việt Nam, song khó khăn.
"Vai trò của người điều hành trong lĩnh vực y tế như thế nào? Chúng ta đang chuyển trạng thái, phấn đấu linh hoạt và an toàn nên vai trò của Bộ Y tế thời gian tới rất quan trọng", nam ĐB đặt vấn đề.
Năm 2022 có thể tiêm vắc xin cho trẻ trên 3 tuổi
Tại tổ thảo luận số 2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) dành gần 30 phút trong phần phát biểu chia sẻ về quãng thời gian chống dịch trong 2 năm qua.
Bộ trưởng cho biết, đây là “cuộc chiến” chưa có tiền lệ, phạm vi và mức độ ảnh hướng lớn, tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt đời sống KT-XH và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt, ảnh hưởng sinh mạng, sức khỏe người dân.
Từ "cuộc chiến chưa có tiền lệ", Bộ trưởng Y tế cho biết đã rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm quý.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại tổ.
Trong chiến lược vắc xin, ông Long nói đã phải vượt qua tất cả khó khăn về pháp lý để mua, nhập khẩu vắc xin, chấp nhận toàn bộ rủi ro về việc giao hàng không đúng thời hạn, giá mua không được tính lại…
Nhưng với Nghị quyết 21 của Chính phủ đã "mở đường" cho tiếp cận vắc xin và từ tháng 5, việc này được triển khai nhanh chóng hơn.
"Hiện nay chúng ta có những hợp đồng, thỏa thuận cung ứng, tài trợ vắc xin với tổng số 191 triệu liều và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới", ông Long chia sẻ về sự thành công trong ngoại giao vắc xin nhờ sự tích cực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Gần 70 triệu liều vắc xin đã được tiêm, có ngày kỷ lục tiêm được 2 triệu mũi, ông Long nêu kinh nghiệm chia nhỏ các khu vực, bố trí điểm tiêm cố định và lưu động với mục tiêu quyết tâm phủ vắc xin mũi 1 cho ít nhất 80% người dân từ 18 tuổi trở lên và lên kế hoạch tiêm cho trẻ em.
Việt Nam sẽ tham khảo, học hỏi và nghiên cứu để từng bước mở rộng đối tượng tiêm cho đối tượng 12-17 tuổi, sau đó sang năm có thể mở rộng thêm tiêm cho trẻ trên 3 tuổi.
Bằng việc chuyển giao công nghệ và nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định tự tin trong việc chủ động vắc xin vào 2022. Song song với đó là chủ động về thuốc điều trị khi các văn bản của Quốc hội, Chính phủ đã cho phép nhập khẩu nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung.
Cuối cùng, nhắc đến việc chuyển trạng thái chống dịch, ông Long cho rằng phải chấp nhận một thực tế là virus ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu mầm bệnh.
"Chúng ta cũng không thể đưa số nhiễm của TP.HCM hay các tỉnh khác về con số 0 vì điều này là rất khó khăn. Ta phải chấp nhận tỷ lệ nào đó nhưng kiểm soát được vấn đề tử vong", ông Long nói.
Người đứng đầu ngành Y tế cũng nhấn mạnh muốn chuyển sang thích ứng, an toàn với dịch, không còn cách nào khác là phải đảm bảo độ phủ vắc xin.
"Khi mở cửa theo Nghị quyết 128, nếu không kiểm soát được thì phải nâng cấp độ kiểm soát dịch cao hơn", ông Long nêu quan điểm và nhấn mạnh điều quan trọng là giải pháp thống nhất trên toàn quốc, chấm dứt chuyện ngăn sông cấm chợ và "mỗi nơi một kiểu".
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.