Đề xuất miễn học phí với con giáo viên, các ngành nghề khác thì sao?

(lamchame.vn) - Sau đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, nhiều người băn khoăn các ngành nghề khác thì sao và cần có sự công bằng.

Dư luận dậy sóng về đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Giáo viên có phải nghề vất vả nhất?

Những ngày qua, chị Nguyễn Bích Thảo (47 tuổi, Đông Anh) bắt gặp vô số bài viết về việc Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của giáo viên từ cấp mầm non đến đại học.

Đang làm điều dưỡng tại một bệnh viện tại Hà Nội, chị thắc mắc tại sao chỉ miễn học phí với con giáo viên, các ngành nghề khác sẽ như thế nào. "Gắn bó với ngành y nhiều năm nay, tôi tự hỏi liệu con tôi có được khám chữa bệnh miễn phí hay không? Điều này cũng tương tự với việc miễn học phí cho con giáo viên", chị Thảo tự hỏi.

Đề xuất miễn học phí với con giáo viên, các ngành nghề khác thì sao? - Ảnh 1.

Nhiều người cho rằng đề xuất miễn học phí cho con giáo viên là chưa hợp lý. (Ảnh minh hoạ)

Theo chị Thảo, nếu căn cứ vào tính đặc thù thì ngành nghề nào cũng có đặc thù và nỗi vất vả, không riêng gì nghề giáo. Giáo viên là nghề cao quý được cả xã hội tôn trọng, các thầy cô giáo là người dạy dỗ mỗi người chúng ta trưởng thành, có vai trò quan trọng như bậc làm cha làm mẹ. Tuy nhiên nếu để đặt lên bàn cân, còn nhiều nghề khác khó khăn hơn, thậm chí phải hy sinh đánh đổi tính mạng.

Còn xét về thu nhập, nhiều người cho rằng các thầy cô đang hưởng mức lương chưa cao so với giá trị nghề nghiệp đang làm. Nhưng coi việc miễn học phí như trong đề xuất là "sự giúp đỡ" về mặt tài chính chị Thảo thấy không hợp lý bởi mức lương cơ sở của giáo viên được dựa trên quy định của nhà nước. Rất nhiều ngành nghề khác cũng đang theo mức lương chung như vậy, nếu chỉ riêng nghề giáo được hưởng chế độ ưu ái hơn sẽ tạo ra sự thiếu công bằng.

"Thu nhập của điều dưỡng bệnh viện chỉ ở mức trung bình, nếu không muốn nói là thấp so với mặt bằng chung xã hội, nên khi nghe tin giáo viên được hưởng quyền lợi lớn như vậy tôi cũng chạnh lòng. Đưa bản thân ra so sánh, tôi thấy nghề của mình cũng nhiều cái khó, thậm chí phải làm việc cường độ cao trong môi trường nhiều áp lực,...", chị Thảo nói. Do vậy, các cơ quan quản lý cần tính đến yếu tố công bằng giữa các ngành nghề trong xã hội, chưa cần thiết có những đãi ngộ quá đặc thù.

Chị Nguyễn Thị Thu Minh (giáo viên tại một trường THCS tư ở Hải Phòng) cũng không đồng tình khi hay tin Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cho con giáo viên nhưng chỉ dành cho người dạy ở trường công.

"Cùng làm nghề nhưng người làm ở môi trường này được hưởng quyền lợi nhưng làm ở môi trường khác lại không, tôi thấy không công bằng" , chị Minh quan điểm, đã làm giáo viên thì dù trường công hay trường tư, mới vào nghề hay đã lâu năm đều cần được hưởng quyền lợi như nhau.

Nếu cho rằng, những giáo viên trường tư thu nhập cao hơn nên không cần hỗ trợ thì chị Minh thấy càng không thoả đáng, bởi có nhiều cách để hỗ trợ những thầy cô có hoàn cảnh khó khăn với từng mức độ khác nhau. Việc miễn giảm học phí như Bộ đề xuất là phương án cào bằng nhưng chỉ khoanh vùng ở nhóm đối tượng nhất định.

"Những người dạy trường tư như chúng tôi cảm thấy không được trân trọng. Chưa kể đến việc, không phải giáo viên trường công nào cũng muốn con mình được miễn giảm học phí" , chị Minh kể sau khi nói chuyện với một vài người bạn đang làm giáo viên dạy tại các trường công lập cũng không mấy vui vẻ với đề xuất trên.

Không ai muốn vì "đặc ân" đó mà tạo nên những khoảng cách trong xã hội, khoảng cách không chỉ giữa các ngành nghề mà còn giữa những người trong cùng nghề với nhau.

Luật ban ra cần công bằng và nhân văn

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng đề xuất của Bộ GD&ĐT là quan điểm rất nhân văn, mới và đột phá. Đề xuất cũng thể hiện nhất quán tinh thần của Đảng và Nhà nước khi xác định nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng GD&ĐT, là tài sản và vốn quý báu nhất của ngành để thực hiện sứ mệnh cao cả “trồng người”.

Đây cũng là thông điệp mang tính thấu hiểu và động viên rất to lớn của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT với các nhà giáo, giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình giáo viên và góp phần nâng cao chất lượng sống đồng thời tạo động lực cho sự tâm huyết tiếp tục đóng góp của họ.

Đề xuất miễn học phí với con giáo viên, các ngành nghề khác thì sao? - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Thành Nam.

Tuy nhiên, PGS Nam cho rằng, cần tiếp tục bàn thảo để đảm bảo tính khả thi, công bằng trong việc hiện thực hóa. Cần xác định lại phạm vi nội hàm của người thụ hưởng là giáo viên, giảng viên hay là nhà giáo nói chung.

Điều 66 Luật Giáo dục năm 2019 quy định “Nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên”.

Như vậy, số lượng nhà giáo liên quan sẽ rất lớn. Bản thân việc định nghĩa như thế cũng chưa thực sự hợp lý và cần phải xác định rõ ràng lại trong Luật Nhà giáo sẽ ban hành tới đây để đảm bảo tính công bằng. Chúng ta cũng phải tính đến cả những nhà giáo trong hệ thống công lập và trong hệ thống tư thục. Cần có chính sách thế nào với những nhà giáo là người nước ngoài đang phục vụ trong hệ thống giáo dục của Việt Nam để đảm bảo sự khả thi.

Với những nhà giáo phục vụ trong hệ thống trường của quân đội, hưởng các chế độ của quân đội, nếu được hưởng thêm các chính sách này liệu có bị chồng lấn không?

Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục cho rằng, nếu thực hiện chính sách này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều tranh luận vì ngành nghề khác cũng cống hiến và phụng sự xã hội và cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng họ lại không nhận được sự hỗ trợ tương tự.

PGS Nam lo ngại, có thể làm dấy lên những thắc mắc về việc liệu chính sách này có tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhóm nghề nghiệp hay không. Và ngay cả khi chính sách được thực hiện, có lẽ bản thân một số nhà giáo ở những địa phương thuận lợi, có điều kiện kinh tế xã hội phát triển cũng có thể từ chối không nhận với mong muốn nhường quyền lợi cho những hoàn cảnh khó khăn hơn thì sẽ xử lý thế nào.

"Với nhà giáo, nhiều khi việc được cho đi, được làm những điều phù hợp với giá trị sống của họ và được xã hội, cộng đồng ghi nhận, tôn vinh mới là điều quý giá nhất mà họ hướng đến" , PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Tại điểm d Điều 26 của dự thảo Luật Nhà giáo quy định miễn học phí cho con đẻ và nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian hoạt động.

Báo cáo dự thảo luật của Chính phủ nêu rõ, với các chính sách về tiền lương, phụ cấp cũng như chính sách hỗ trợ cho nhà giáo được đề xuất trong dự thảo Luật sẽ làm tăng chi phí ngân sách.

Theo đề xuất phương án quy định chi tiết tại dự thảo nghị định thì bảng lương của giáo viên mầm non, phổ thông công lập có sự điều chỉnh để phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của công việc với nhà giáo ở các cấp học. Đồng thời phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến điều chỉnh đối với cấp mầm non (tăng thêm 10%) và tiểu học (thăng thêm 5%).

Nếu chính sách này được thông qua, chi phí tăng thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 1.068 tỷ đồng/tháng, hàng năm ngân sách phải bổ sung 12.816 tỷ đồng.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang