Israel là một trong những quốc gia thực hiện tiêm chủng sớm nhất, và đã từng là nước thành công nhất trong việc tiêm vaccine cho cư dân. Nhưng có một thực tế là họ vẫn chưa tiêm đủ để ngăn chặn sự lây lan của Delta - biến chủng Covid-19 được xem là "toàn diện" nhất hiện nay. Để rồi giờ đây, họ đang phải đối mặt với số ca nhiễm gia tăng một cách đáng sợ.
Trên thực tế ngay từ cuối tháng 3/2021, Israel gần như đã tiêm chủng thành công cho phần lớn cư dân của mình. Kể từ đó số ca nhiễm giảm xuống, các lệnh hạn chế cũng dần bị dỡ bỏ. Tuy nhiên rất sớm thôi, họ đã nhận ra sai lầm từ sự chủ quan của mình, khi số ca nhiễm hiện đã lên tới hàng ngàn ca mỗi ngày. Trong đó đáng chú ý là việc khả năng miễn dịch của những người được tiêm vaccine từ giai đoạn đầu đang giảm dần.
"Những người được tiêm chủng đầu tiên, khả năng miễn dịch đã đi xuống một chút. Dữ liệu từ chính phủ và Pfizer cho thấy kháng thể từ vaccine sẽ giảm trong khoảng 6 tháng sau mũi thứ 2. Ở Israel, nó trùng thời điểm với khi chủng Delta bắt đầu xuất hiện," - trích lời Siegal Sadetzki, cựu giám đốc y tế cộng đồng tại Israel.
"Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất là nhiều người đã ra nước ngoài để nghỉ hè, rồi mang Delta trở về, khiến nó lây lan nhanh chóng tại Israel."
Số các ca nhiễm trung bình đã tăng gấp đôi trong vòng 2 tuần qua, và gấp gần 10 lần kể từ giữa tháng 7 - gần như đạt tới con số thời điểm đỉnh dịch tại Israel vào mùa đông năm 2020. Hiện tại đang có 600 ca nhiễm nghiêm trọng phải nhập viện, và giới chức cảnh báo rằng họ sẽ không thể xử lý nhiều hơn 1000 ca nhiễm nghiêm trọng trong cùng 1 thời điểm.
Tin "tốt" là trong số các ca nhiễm nghiêm trọng tại Israel tuần qua, tỉ lệ ở người chưa tiêm vaccine trên 60 tuổi cao hơn 9 lần so với nhóm đã tiêm trong cùng độ tuổi, và với nhóm dưới 60 là cao hơn gấp đôi. Tuy nhiên trong số bệnh nhân đã tiêm chủng phải nhập viện, phân nửa được tiêm từ cách đây ít nhất 5 tháng. Đa số đều trên 60 tuổi và có nhiều bệnh nền. Trong khi đó nhóm chưa tiêm chủng, đa số còn trẻ với tình trạng sức khỏe sụt giảm rất nhanh.
Thành công trong tiêm chủng, nhưng chưa đủ
78% người đủ điều kiện tiêm chủng tại Israel đã được tiêm đủ 2 mũi. Nhưng vấn đề là Israel có cơ cấu dân số trẻ, với rất nhiều trẻ em dưới độ tuổi được phép tiêm. Hơn nữa, ít nhất 1,1 triệu người (chủ yếu từ 12 đến 20 tuổi) đã từ chối tiêm vaccine dù đã đạt điều kiện.
Nói cách khác, mới chỉ có 58% tổng cư dân Israel được tiêm chủng đầy đủ. Đây là tỉ lệ được cho là chưa đủ, nhất là trước một biến chủng lây lan nhanh như Delta.
"Đa số đang phải trả giá cho việc từ chối tiêm chủng của thiểu số," - trích lời Eran Segan, chuyên gia từ Viện khoa học Weizmann.
Những người chưa tiêm chủng sẽ góp phần khiến virus lây lan nhanh hơn, khi Israel vẫn đang duy trì mở cửa suốt những tháng gần đây. "Khả năng sẽ tạo ra một đợt lây nhiễm lớn, như những gì chúng ta đang chứng kiến."
Trên thực tế, Israel đang cố gắng làm chậm đà lây lan của Delta mà không phải ban hành một lệnh phong tỏa mới, bởi nó sẽ "hành hạ nền kinh tế" và "hủy hoại tương lai của đất nước" - theo lời Thủ tướng Naftali Bennett. Israel hiện vẫn đang đặt giới hạn số người được phép tụ tập, đồng thời tăng cường số nhân viên y tế và tìm cách thuyết phục nhóm còn lại đi tiêm.
Mũi tiêm thứ 3
Israel mới đây đã trở thành quốc gia đầu tiên cho phép người dân tiêm mũi bổ sung thứ. Các nghiên cứu tại đất nước này cho thấy mũi 3 sẽ tăng cường khả năng miễn dịch trước virus corona chỉ trong vòng 1 tuần.
Dịch vụ Chăm sóc sức khỏe quốc gia HMO của Israel đã thực hiện nghiên cứu trên hơn 149.000 người được tiêm 3 mũi Pfizer. Kết quả cho thấy ở nhóm trên 60 tuổi, mũi thứ 3 làm giảm khả năng nhiễm bệnh đến 86%, và giảm rủi ro triệu chứng nặng tới 92%.
Sau kết quả nghiên cứu hứa hẹn của Israel, Mỹ cũng công bố chiến dịch tiêm mũi bổ sung - bắt đầu từ cuối tháng 9 với những ai đã tiêm chủng mũi 2 sau 8 tháng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết sẽ tiến hành tiêm bổ sung mũi 3 vaccine Pfizer cho các công dân đã tiêm 2 mũi Sinovac trước đó.
"Israel rất tôn trọng Tổ chức Y tế thế giới WHO, nhưng cần phải hành động dựa trên lợi ích của công dân đất nước. Chúng tôi đã giúp thế giới rất nhiều," - trích lời quan chức bộ y tế khi nói về quan điểm các nước không nên tiêm mũi 3 vì cần san sẻ đến những nơi cần của WHO.
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/dieu-ky-la-o-dat-nuoc-tung-tiem-chung-covid-thanh-cong-nhat-the-gioi-so-ca-nhiem-tang-manh-buoc-phai-tiem-vaccine-mui-3-162212708023234886.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.