Điều cuối cùng Mayra Ramirez còn nhớ được về căn phòng cấp cứu trong Bệnh viện Northwestern Memorial (Chicago), đó là cô gọi về cho gia đình, nói rằng mình đã mắc Covid-19, chuẩn bị được đưa vào máy thở và cần mẹ thay mình đưa ra các quyết định y tế kế tiếp.
Kể từ lúc đó, Ramirez (28 tuổi) rơi vào tình trạng hôn mê trong suốt 6 tuần. Thời điểm tỉnh lại vào ngày 5/6, cô mới biết mình là bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên tại Mỹ trải qua cấy ghép phổi kép.
Và đến ngày 29/7 vừa qua, cô chính thức được trở về nhà.
Mayra Ramirez - bệnh nhân Covid-19 được ghép phổi đầu tiên tại Mỹ
Covid-19 không phải trò đùa
Ramirez nằm trong số những bệnh nhân Covid-19 với lá phổi bị phá hủy hoàn toàn vì thứ virus quái ác. Nhóm này chỉ chiếm thiểu số, nhưng số lượng đang ngày càng tăng lên. Hy vọng duy nhất để họ sống sót là một ca cấy ghép phổi mà thôi.
"Tôi khá là chắc rằng nếu mình mắc bệnh ở một nơi khác, có lẽ họ đã bỏ cuộc và để tôi ra đi rồi," - cô trả lời phỏng vấn với tờ New York Times hôm 29/7.
Ca phẫu thuật ghép phổi trên có thể xem là biện pháp cuối cùng, dành cho những trường hợp nặng nhất với lá phổi bị thương tổn đến mức không thể phục hồi. Bản thân các bác sĩ cũng không muốn phải cắt bỏ phổi bệnh nhân nếu còn bất kỳ lựa chọn nào khác. Về tổng thể, cả nước Mỹ trong năm 2019 cũng chỉ có 2700 ca ghép phổi được thực hiện mà thôi.
Bác sĩ Ankit Bharat - người chịu trách nhiệm cho ca phẫu thuật của Ramirez
Các trường hợp được ghép phổi phải ở tình cảnh đủ nghiêm trọng, nhưng cũng cần phải đủ mạnh mẽ để sống sót qua ca phẫu thuật, sau đó là hồi phục và tự đứng được trên đôi chân của mình. Với một dịch bệnh mới như Covid-19, các bác sĩ vẫn đang tìm cách để cân bằng giữa 2 yếu tố này.
"Đây là điển hình của sự thay đổi," - bác sĩ Ankit Bharat, bác sĩ phẫu thuật cho Ramirez, cũng là trưởng khoa giải phẫu lồng ngực nhận định. "Ghép phổi vốn không được xem là phương án điều trị cho các chứng bệnh truyền nhiễm, nên mọi người cần phải thay đổi quan điểm một chút."
Ngày 5/7, bác sĩ Bharat thực hiện ca phẫu thuật ghép phổi thứ 2 cho bệnh nhân mắc Covid-19. Đó là Brian Kuhns - một người đàn ông 62 tuổi, sống tại hồ Zurich. Ông Kuhns đã phải trải qua 100 ngày sống nhờ máy trợ thở trước khi thực hiện ca phẫu thuật. Vợ ông - bà Nancy Kuhns cho biết chồng bà đã từng nghĩ Covid-19 chỉ là thứ tin đồn nhảm nhí, trước khi chính bản thân bị nhiễm bệnh.
"Nếu câu chuyện của tôi có thể truyền tải điều gì đó, thì rõ ràng đó là Covid-19 không phải trò đùa." - Kuhns chia sẻ.
Không phải ai cũng có thể ghép
Bác sĩ Bharat cho biết, hiện đang có thêm 2 bệnh nhân nữa tại vùng Northwestern đang chờ được ghép phổi - một từ Chicago, và một từ Washington, D.C.
Trong tuần tới, bệnh viện của Bharat sẽ có một bệnh nhân từ Seattle, trong khi đội phẫu thuật đang tư vấn về một trường hợp nữa từ Washington. Các trung tâm khác cũng đang cân nhắc tiến hành những ca phẫu thuật tương tự. Như ngày 31/7, một bệnh nhân Covid-19 đã được thay phổi tại Bệnh viện ĐH Florida (Gainesville, Mỹ), theo lời bác sĩ Tiago Machuca.
Tuy rằng số ca ghép phổi đang tăng lên, có rất nhiều trường hợp dù rất nặng nhưng không thể áp dụng phương pháp này, bởi tiền sử bệnh nền quá nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Bharat, nhiều trường hợp bệnh viện phải chờ đợi rất lâu mới có thể đưa ra quyết định có nên phẫu thuật hay không. Có trường hợp bệnh nhân tưởng như đủ tiêu chuẩn cấy ghép, nhưng đột nhiên bị biến chứng xuất huyết nội trong phổi hoặc suy thận, khiến cho ca phẫu thuật không thể thực hiện được nữa.
Một số trường hợp khác, bên bảo hiểm lại tỏ ý không muốn chi trả tiền phẫu thuật hoặc chi phí để vận chuyển bệnh nhân, nên ca phẫu thuật cũng phải lùi lại.
"Đây là một lĩnh vực khá mới," - bác sĩ Machuca nhận định. "Nó là thách thức dành cho y bác sĩ, trong việc nhận định đâu là bệnh nhân phù hợp để làm phẫu thuật cùng thời điểm tiến hành. Chúng tôi không muốn phẫu thuật quá sớm, vì lỡ phổi bệnh nhân vẫn còn khả năng hồi phục và hoạt động tốt như trước. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng chẳng muốn để mọi chuyện quá muộn, ở thời điểm bệnh nhân quá yếu khiến ca phẫu thuật không thể làm được."
Cơn ác mộng kéo dài
Trước khi nhiễm bệnh, Ramirez - một phụ tá luật sư cho một công ty chuyên về nhập cư, đã được làm việc tại nhà, và sử dụng dịch vụ vận chuyển để có nhu yếu phẩm hàng ngày. Sức khỏe của cô nhìn chung là khá ổn, nhưng việc mắc phải một số chứng bệnh như viêm thị thần kinh, chứng tự miễn dịch, cộng thêm phải sử dụng thuốc đã khiến hệ miễn dịch của cô yếu hơn, dễ dàng nhiễm virus corona hơn.
Ramirez ngã bệnh trong 2 tuần, được tư vấn qua đường dây nóng Covid-19 của địa phương. Đã có lúc cô chạy đến bệnh viện, nhưng rồi lại quay về vì sợ mình có thể thực sự nhiễm virus, và tự huyễn hoặc về việc bản thân có thể tự phục hồi sau đó.
Đến ngày 26/4, Ramirez sốt cao, thân nhiệt lên tới 40 độ C. Cô thấy mình yếu đến mức không thể đi lại được nữa. Một người bạn đã chở cô đến bệnh viện, và khi các bác sĩ bảo rằng cần đến máy trợ thở, cô thậm chí còn chẳng biết nó là cái gì.
"Tôi đã nghĩ cùng lắm mình ở đó vài ngày, rồi lại trở về bình thường," - Ramirez hồi tưởng. Nhưng không! Suốt 6 tuần sau đó, cô sống nhờ bằng máy trợ thở - chiếc máy cung cấp oxy trực tiếp cho máu, vì phổi không thể hoạt động được.
"Tôi gặp ác mộng suốt khoảng thời gian ấy. Một cơn ác mộng kéo dài," - cô cho biết. Những giấc mơ của cô chủ yếu liên quan đến việc nghẹt thở, chết đuối, phải nói lời trăng trối với gia đình, hoặc bác sĩ đến bên giường bệnh và nói cô sẽ chết.
Ngay cả khi đã nhập viện, triệu chứng bệnh vẫn không ngừng lại. Vi khuẩn bắt đầu xâm nhập, tấn công phổi của cô và để lại những lỗ hổng không thể vá. Tổn thương từ phổi đã làm rối loạn tuần hoàn máu, gây nguy hiểm cho cả gan và tim. Đã có lúc, các bác sĩ nói với gia đình cô (từ Bắc Carolina) rằng có lẽ họ nên tới Chicago để nói lời từ biệt. Mẹ và 2 chị của cô thực sự đã tới.
Nhưng Tử thần vẫn chưa gọi tên Ramirez. Cơ thể cô từng bước chống lại virus, quét dần chúng đi, cho đến khi đủ điều kiện để lọt vào danh sách chờ ghép phổi. Ngày 5/6, Ramirez trải qua ca phẫu thuật định mệnh và đầy khó khăn, kéo dài suốt 10 tiếng đồng hồ.
Cô tỉnh dậy với một cơ thể đầy sẹo, bầm tím, cổ họng khô khốc, và cũng không thể nói chuyện. "Với những chiếc ống cắm vào mình, tôi thậm chí còn chẳng cảm nhận được cơ thể nữa." Khi được hỏi về thời gian, cô đoán đang ở đầu tháng 5. Nhưng kỳ thực, đó là giữa tháng 6 rồi.
Vài ngày sau khi tỉnh lại, Ramirez mới biết mình vừa trải qua ca phẫu thuật ghép phổi. "Tôi không thể suy nghĩ được. Tôi khó thở, họng thì khát khô. Phải mất cả tuần sau đó, tôi mới bắt đầu cảm thấy thực sự biết ơn."
Bởi lo ngại lây nhiễm, gia đình cô không được phép vào thăm. "Điều khó khăn nhất là phải vượt qua câu chuyện này một mình."
Trở về từ cõi chết
Trả lời phỏng vấn sau khi trở về nhà, Ramirez cho biết cô đã rơi vào tình trạng hoảng loạn. Sau cùng, khi mọi chuyện khá hơn, mẹ cô đã được vào thăm. Nhưng dẫu vậy, họ vẫn cảm thấy nhói đau mỗi khi phải nói lời từ biệt vào cuối ngày.
Trước khi ngã bệnh, Ramirez có thể làm việc toàn thời gian, rất thích chạy bộ và chơi đùa cùng 2 chú chó của mình. Còn giờ, cô thở không ra hơi, chỉ có thể đi bộ một quãng ngắn, và cần người trợ giúp khi muốn đi tắm. 2 chú chó vui mừng khi cô trở về, nhưng việc đón nhận niềm vui ấy cũng là quá sức. Mẹ của cô đã phải tạm nghỉ công việc trong một nhà máy đóng gói thịt, dọn tới Chicago để giúp cô phục hồi.
Ramirez cho biết, hiện tại cô vẫn đang tập làm quen với lá phổi mới, nó đang hoạt động tốt hơn từng ngày. Cô muốn nhanh chóng quay lại làm việc, nhưng vẫn còn rất nhiều thứ phải làm. Gia đình trợ giúp cô, và một người bạn thậm chí còn kêu gọi gây quỹ để giúp cô trang trải chi phí sinh hoạt vào lúc này.
"Tôi biết mục đích của mình là gì," - Ramirez cho biết. "Có thể là để giúp những người trong tình cảnh tương tự, có thể chỉ đơn giản là chia sẻ câu chuyện và giúp người trẻ nhận ra chuyện gì có thể xảy đến khi nhiễm bệnh. Ngoài ra còn là động lực để các trung tâm khác trên thế giới nhận ra rằng, ghép phổi là cứu cánh dành cho các trường hợp tưởng như không thể cứu chữa nữa."
Theo bác sĩ Bharat, tình hình của Ramirez đang tiến triển tốt, vì dù sao cô cũng còn trẻ và khỏe mạnh. Dẫu vậy, cô vẫn sẽ cần phải sử dụng thuốc chống đào thải trong suốt quãng đời còn lại, bởi lá phổi có thể trở nên kém tương thích. Và thậm chí trong tương lai, cô có thể phải phẫu thuật ghép phổi thêm một lần nữa.
"Tôi nghĩ cô ấy đang ngày càng mạnh mẽ hơn," - Bharat nhận định. "Cô ấy nói muốn đi nhảy dù. Chúng tôi chắc chắn sẽ giúp cô đủ khả năng làm điều đó trong vài tháng tới."
Nguồn: NY Times
Link gốc: http://baodansinh.vn/do-la-con-ac-mong-dai-den-dang-so-trai-long-cua-benh-nhan-covid-19-dau-tien-duoc-ghep-phoi-tai-my-sau-khi-tro-ve-tu-coi-chet-2202038234127297.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.