"Đổ xô học tiếng Anh khiến trẻ em bị mất gốc tiếng Việt", Giáo sư nêu ý kiến

(lamchame.vn) - Giáo sư, Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng nêu quan điểm về vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm này.

Vài năm gần đây, nhiều trường có chính sách tuyển thẳng hoặc cộng điểm cho học sinh có điểm IELTS cao từ cấp THCS, THPT cho tới đại học. Chính vì vậy, nhiều bố mẹ cho con đi ôn luyện từ rất sớm, thậm chí từ cấp... tiểu học để thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ làm đẹp hồ sơ.

Trước thực trạng này, một Tiến sĩ cho rằng: Việc học tiếng Anh (TA) nói riêng và ngoại ngữ nói chung đang diễn ra một cách hoàn toàn tự phát. Cả nước đổ xô đi học TA và thi lấy chứng chỉ quốc tế về TA ngay từ bậc mẫu giáo và tiểu học là một sự lãng phí khủng khiếp. Trong đó, hệ lụy lớn nhất của cơn "cuồng loạn" này là mất gốc, là sự mai một của tiếng Việt (TV).

"Học tiếng Anh khiến trẻ em Việt bị mất gốc": Giáo sư, Tiến sĩ ĐH Harvard nói gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mới đây, trong phần tham luận tại Hội thảo Ứng dụng Công nghệ 4.0, Giáo sư, Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, Giám đốc chương trình Triết học - Phó Trưởng Khoa Luật ĐH Hoa Sen, nhận định: Trẻ em, toàn cầu hoá, công nghệ và TA là 4 nội dung quan trọng mà người Việt cần tập trung trong tương lai:

"Tương lai chúng ta nằm trong 4 từ: TA - Trẻ em - Toàn cầu hoá - Công nghệ. TA là sự sống còn của chúng ta. Chúng ta có muốn hay không, ghét hay không thì bắt buộc vẫn phải học TA nếu không muốn lạc hậu. Không có lý do để từ chối học TA".

Về ý kiến chạy theo việc học TA khiến trẻ em bị "mất gốc" TV, Giáo sư, Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng nêu quan điểm không đồng tình: "Không thể nói học TA khiến đứa trẻ mất gốc TV. Một đứa trẻ sinh ra trong môi trường đa ngoại ngữ, chúng vẫn nói được nhiều thứ tiếng. Không phải giỏi TV mới là người Việt, giới trẻ Việt Nam nói TV xen ngoại ngữ vào là bình thường, chúng ta đừng tuyệt đối hoá vấn đề ấy.

"Học tiếng Anh khiến trẻ em Việt bị mất gốc": Giáo sư, Tiến sĩ ĐH Harvard nói gì? - Ảnh 2.

Giáo sư, Tiến sĩ ĐH Harvard Dương Ngọc Dũng: Một đứa trẻ sinh ra trong môi trường đa ngoại ngữ, chúng vẫn nói được nhiều thứ tiếng.

Chúng ta cần phải tiếp cận thứ ngôn ngữ giúp chúng ta đến gần với thứ tri thức hiện đại nhất để sánh vai với các cường quốc. Học TA là việc không thể thiếu, là con đường tất yếu để chúng ta mang xu hướng thời đại".

Theo GS Dương Ngọc Dũng, mặc dù TA rất quan trọng, thế nhưng cách dạy và học của người Việt chưa hiệu quả bởi còn đi theo lối mòn. 

"Phụ huynh cần phải dung nạp thêm nhiều kiến thức mới bên ngoài để hiểu con, còn giúp con giải đáp các khúc mắc trong đời sống hằng ngày. Còn về đội ngũ giảng dạy, tôi cho rằng một người thầy đúng nghĩa là người không chỉ truyền tải kiến thức mà còn là hướng dẫn cách sống, tư duy, tạo cảm hứng cho học trò nhiều hơn là kiến thức".

Nhiều rào cản khiến người Việt ngại học tiếng Anh

Cũng tại Hội thảo, nói về những rào cản trong việc tiếp cận TA của người Việt, Nhà giáo ưu tú - Tiến sĩ Phan Hoàng Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách Nghệ TPHCM - đưa ra một số yếu tố quan trọng. Đầu tiên là “áp lực học TA từ quy định chính sách”.

Theo Tiến sĩ Phan Hoàng Dũng, hiện nay môn TA đã có trong quy định tuyển sinh, thế nhưng, phần lớn học sinh vẫn loay hoay tìm cách đối phó. Chính sách tuyển dụng ở một số công ty cũng chú trọng vào bằng ngoại ngữ vượt quá năng lực chuyên môn.

"Tôi cho rằng việc đưa môn TA vào trong các quy định đầu ra hay các đợt thi cử khiến cho học sinh áp lực lớn, tìm cách đối phó. Để đủ điều kiện được học và tốt nghiệp, các em tìm đến các trung tâm, trường dễ học, dễ ra để chọn. Một số nơi tuyển dụng mức lương mơ ước đôi khi chỉ cần bằng ngoại ngữ. Trong khi môi trường mà ứng cử viên trúng tuyển không tiếp xúc với người nước ngoài", TS Phan Hoàng Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cho biết, môi trường giáo dục không đồng đều cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến việc tiếp nhận TA của các học sinh còn nhiều hạn chế.

"Một số trường được đầu tư trang thiết bị tốt, chương trình giáo dục tiên tiến, đội ngũ giáo viên tốt. Tuy nhiên, một số trường khác vẫn giữ những phương pháp học tập cũ, học sinh học tập trung với số lượng đông đúc, tình hình ấy khiến các em khó tiếp thu kiến thức để ứng dụng vào cuộc sống", TS Phan Hoàng Dũng nói

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang