5 năm hiếm muộn, đón được con thì vĩnh biệt vợ
Nghĩ về những người lính, chúng ta thường nghĩ đến những trái tim gan cường, những con người rắn rỏi, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Trung úy Nguyễn Tuấn Anh (Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 297) cũng là một người lính như vậy, nhưng anh không thể ngăn nổi nước mắt rơi khi nghĩ đến người vợ vừa qua đời của mình.
Trung úy Nguyễn Tuấn Anh và con trai.
Anh Tuấn Anh sinh ra ở Thái Bình, sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng Hải đã tình nguyện nhập ngũ.
Anh được tuyển dụng vào quân đội và công tác tại Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 297 từ năm 2015 đến nay. Đơn vị anh đóng quân ở Phú Thọ, cách nhà hơn 200km nên hiếm khi anh về thăm gia đình.
Từ tháng 2/2016, nhà bố mẹ anh có thêm nàng dâu, hậu phương của người lính thêm vững vàng.
Cưới nhau 5 năm nhưng cặp đôi chưa có tin vui. Hai vợ chồng mới đầu cũng nghĩ do xa cách, ít có cơ hội gần gũi nên khó có con. Lần lữa mãi, họ đi khám thì mới biết là hiếm muộn.
Từ cuối năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, với tính chất nhiệm vụ đặc thù cũng như yêu cầu giãn cách xã hội để phòng chống dịch, anh lại càng ít về thăm nhà hơn. Vợ anh một tay quán xuyến mọi việc hai bên nội ngoại để anh yên tâm công tác.
May mắn đã mỉm cười sau nhiều lần chữa chạy, bé Bo (Bảo An) đã đến với bố mẹ. Gia đình hạnh phúc vô ngần, nhưng rồi bi kịch ập đến khi vợ anh Tuấn Anh gặp biến chứng thai sản, băng huyết, suy đa tạng và ra đi.
Với Trung úy Nguyễn Tuấn Anh, không có nỗi đau nào hơn là chứng kiến sự sống của vợ tắt dần như ngọn đèn cạn dầu. Từ đơn vị về, anh không kịp chào vợ, vì cô bất tỉnh hoàn toàn.
"Từ khi vợ tôi vào phòng sinh đến khi mất, hai vợ chồng có nói được với nhau câu nào đâu. Chuyện vợ tôi mất khi sinh con, không bao giờ tôi nghĩ đến cả. Tại thời điểm ấy, thực sự đau xót, đau xót lắm đấy ạ!" - anh trải lòng.
Anh vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất vợ đột ngột.
Bà Vũ Thị Thanh Nguyệt, mẹ của Trung úy Nguyễn Tuấn Anh rưng rưng nhớ lại: "Tuấn Anh lấy vợ 5 năm rồi, hồi đầu cũng tưởng trôi chảy mà lại hiếm muộn. Hai vợ chồng chạy chữa hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, khi có bầu gia đình phấn khởi lắm.
Em nó mổ đẻ cấp cứu, đưa được cháu bé ra thì bác sĩ nói là em nó mất nhiều máu quá. Đến ngày thứ 9, bác sĩ nói đem em nó về quê chứ không cứu được".
Hậu phương khuyết vợ, chỉ còn con trai là động lực
Bé Bảo An, cậu bé kháu khỉnh là "di sản" duy nhất của vợ anh còn để lại, chưa tròn một tuổi. Mỗi lần nhìn thấy con, đứa trẻ chưa từng được cảm nhận hơi ấm của mẹ, chưa từng được mẹ cho bú mớm, ôm ấp, hát ru..., người lính dũng mãnh trên thao trường bỗng quặn thắt tim gan.
Ngày nào cũng vậy, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh lại gọi điện về nhà để ngắm nhìn và nói chuyện với con trai, để bé quen với gương mặt, giọng nói của bố. Chiếc điện thoại trở thành sợi dây kết nối anh và con trai bé bỏng cùng gia đình nội ngoại.
Bé Bảo An được ông bà nội và bà ngoại chăm sóc.
"Khi mang thai, vợ tôi chỉ luôn mong ước con chào đời có cuộc sống bình an. Bình an là đủ rồi, nên tôi đặt tên con là Bảo An, như những gì mẹ cháu mong muốn. Trộm vía, mẹ cháu phù hộ nên cháu ăn ngon, ngủ được, phát triển tốt nên tôi cũng yên tâm ở đơn vị công tác.".
Bảo An sống bình yên trong vòng tay gia đình, chỉ có anh Tuấn Anh là day dứt với nỗi đau mất vợ. Anh kể, từ lúc mẹ bé mất, cu cậu được ông bà nội và bà ngoại chăm sóc là chính. Ông bà thường đem ảnh cưới của bố mẹ ra chỉ cho bé biết mặt mẹ, gọi video với bố cho bé nhận diện được bố.
Con chỉ được biết đến mẹ qua ảnh cưới.
Gia đình hai bên cũng động viên anh Tuấn Anh yên tâm công tác. Mỗi lần được về phép thăm con, anh đều thao thức không ngủ nổi. Tình yêu, nỗi nhớ thương về người vợ xấu số, anh dồn cả vào bé Bảo An.
(Nguồn tham khảo: Chúng tôi - Chiến sĩ)
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/doi-vo-chong-hiem-muon-5-nam-moi-sinh-duoc-con-be-vua-chao-doi-da-mo-coi-162221402214020764.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.