Đóng 134 triệu đồng để chữa cận thị cho con, bà mẹ tá hỏa khi bác sĩ thông báo mắt của con ngày càng tệ sau lộ trình điều trị

Trên quảng cáo, phòng khám này tuyên bố có thể chữa được bệnh cận thị một cách tự nhiên mà không cần dùng thuốc hay phẫu thuật. Thế là, bà mẹ này đã liên hệ và đóng tiền liền cho họ.

Mặc dù không một ông bố bà mẹ nào muốn con mình bị cận thị, viễn thị hay loạn thị cả. Tuy nhiên, với việc dành nhiều thời gian xem điện thoại hay đọc sách dưới ánh sáng yếu, ngồi học không đúng tư thế, số lượng trẻ bị mắc các tật khúc xạ vẫn ngày càng tăng. Vì thế, các bậc cha mẹ lại nghe ngóng xem ở đâu có chữa được bệnh về thị lực là lại mang con đến chữa.

Song, giữa quảng cáo và kết quả thực tế sau khi chữa trị đôi khi lại cách xa nhau một trời một vực. Chẳng hạn như mới đây một bà mẹ ở Singapore đã tố cáo một phòng khám mắt có tên là SLM Visioncare. Họ quảng cáo rằng có thể chữa hết cận thị nhưng thực tế thì lại làm cho mắt của hai cô con gái 10 tuổi của chị ngày càng tệ đi. Chưa kể, chi phí điều trị lại vô cùng đắt đỏ, lên đến 5.800 USD (tương đương 134 triệu đồng).

Tin lời quảng cáo, cha mẹ đưa con đến phòng khám tư chữa cận thị

Người mẹ này kể rằng chị tìm thấy trang web của phòng khám mắt SLM Visioncare. Trên đó họ tuyên bố là có thể chữa được bệnh cận thị một cách tự nhiên mà không cần dùng thuốc hay phẫu thuật. Thế là chị liền đến đó đăng ký để chữa trị cho 2 cô con gái.

Đóng 134 triệu đồng cho một phòng khám mắt để chữa cận thị cho con, bà mẹ tá hỏa khi bác sĩ thông báo mắt của con ngày càng tệ sau lộ trình điều trị - Ảnh 1.

Người mẹ đã công khai phiếu thu 5.800 đô la của phòng khám mắt SLM Visioncare

Trong buổi chữa trị đầu tiên, các cô bé về kể rằng một trong những chiếc máy để chữa bệnh bị hư nên vẫn chưa có tác dụng. Sau đó vài buổi điều trị nữa, chị thấy tình trạng mắt của con vẫn như cũ nên đã hỏi phòng khám thì nhận được thông tin là thiết bị máy móc đang bị trục trặc.

Rồi sau vài buổi tiếp theo nữa, người mẹ này được thông báo rằng thị lực của con gái cô đã được cải thiện. Sinh nghi, chị đưa con đến bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK khám và đã "ngã ngửa" khi nghe bác sĩ thông báo thị lực của hai bé giảm sút hơn lúc trước.

Được biết, đây không phải là nạn nhân đầu tiên của phòng khám mắt lừa đảo này. Còn có một ông bố là cha của đứa trẻ 10 tuổi và một bà mẹ khác có con 6 tuổi cũng nhận thấy mắt của con ngày càng kém dù đã trả 2.490 USD và 3.800 USD cho phòng khám SLM Visioncare để điều trị cận thị.

Mặc dù hiện tại trang web của phòng khám đã "biến mất" nhưng theo thông tin từ Cơ quan Người tiêu dùng Singapore, họ đã nhận được 11 lá đơn khiếu nại của người tiêu dùng kiện phòng khám SLM Visioncare từ ngày 1/1/2019 đến ngày 16/11/2020. Không chỉ thế, một số đánh giá trên Google của trang web này là 1 sao cùng với cáo buộc "không hiệu quả", "lừa đảo".

SLM Visioncare nói gì về những khiếu nại này?

Đóng 134 triệu đồng cho một phòng khám mắt để chữa cận thị cho con, bà mẹ tá hỏa khi bác sĩ thông báo mắt của con ngày càng tệ sau lộ trình điều trị - Ảnh 2.

Bảng hiệu quảng cáo của phòng khám SLM Visioncare.

Đứng trước khiếu nại của khách hàng, người đại diện của phòng khám SLM Visioncare cho biết họ đang đặt câu hỏi về tính xác thực của các khiếu nại bởi phòng khám không hề nhận được bất kỳ khiếu nại nào trong suốt 30 năm hoạt động tại Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc cũng như trong suốt 4 năm qua tại Singapore.

Người đại diện của phòng khám cũng nói thêm rằng họ nghi ngờ đây là "thuyết âm mưu" của một số nhân viên đã nghỉ việc đang chuẩn bị thành lập một phòng khám tương tự như họ cố tình công kích để hạ uy tín đối thủ.

Chưa kể, phòng khám còn luôn yêu cầu khách hàng tuân thủ theo một lịch trình chăm sóc thị lực nghiêm ngặt, trong đó có một phần bao gồm bài tập mắt 30 phút mỗi ngày. Phòng khám SLM Visioncare nhấn mạnh rằng kết quả của khách hàng sẽ khác nhau tùy thuộc vào sự siêng năng của mỗi người. Bằng chứng là có một ông bố chấp nhận đứng ra làm chứng rằng con gái anh (11 tuổi) đã không cần phải đeo kính sau khi tham gia 11 buổi trị liệu với tổng chi phí là 1.900 USD, đồng thời chứng loạn thị của cô bé cũng được cải thiện.

Các chuyên gia cho biết không có cách chữa khỏi cận thị

Tiến sĩ Lam Pin Min - Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore, hiện đang là giám đốc khoa nhãn nhi và bệnh lác ở người lớn của Trung tâm Eagle Eye, cho biết các phương pháp điều trị đều bắt buộc phải trải qua các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt để chứng minh tính hiệu quả và an toàn của chúng trước khi có thể dùng để điều trị cho bệnh nhân. Trên thực tế, có 2 loại cận thị: cận thị thật (Nearsightedness hay Myopia) và cận thị giả (pseudomyopia).

Một người bị cận thị sẽ gặp khó khăn trong việc nhìn và ghi nhận các chi tiết hình ảnh ở xa, và họ phải cố gắng điều tiết để thấy rõ thông qua động tác nheo mắt. Nguyên nhân gây ra tật khúc xạ mắt này là do nhãn cầu quá dài so với khả năng hội tụ của giác mạc và thủy tinh thể hoặc do giác mác hay thủy tinh thể quá cong so với chiều dài của nhãn cầu.

Đóng 134 triệu đồng để chữa cận thị cho con, bà mẹ tá hỏa khi bác sĩ thông báo mắt của con ngày càng tệ sau lộ trình điều trị - Ảnh 4.
 

Trong khi đó, cận thị giả pseudomyopia sẽ xảy ra khi lông mi bị co cứng lại khiến mắt không nhìn thấy rõ như bình thường. Tình trạng cận thị giả có thể phục hồi sau khi tập các bài tập cho mắt hoặc sau một thời gian nghỉ ngơi nhất định.

Tiến sĩ Lam Pin Min giải thích: "Nhãn cầu, giác mạc, thủy tinh thể là những thứ vật chất không thể thay đổi được”.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Đo thị lực Singapore, bà Chui Wen Juan, cũng chia sẻ việc các phòng khám mắt sử dụng các thuật ngữ khoa học và giải phẫu mắt mà không có giải thích rõ ràng về các tình trạng như viễn thị, cận thị và loạn thị có thể dẫn đến thông tin sai lệch và đánh lừa người dân tin vào những "phương pháp chữa trị" không có giá trị.

Do đó, các cha mẹ đừng nên tin vào những lời quảng cáo rằng họ có phương pháp chữa hết các bệnh tật khúc xạ mắt. Thay vào đó, bạn hãy cho con đi khám ở các bệnh viện mắt – nơi có các bác sĩ và chuyên gia y tế tốt. Ngoài ra, nếu con bạn đã bị cận thị, viễn thị hay loạn thị thì bạn nên đưa con đi khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần để đo độ cắt kính cho phù hợp với tình trạng của mắt.

 
 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang