Chiều ngày 1/10, tại Họp báo Thành ủy, ông Vũ Đăng Định, Chánh văn phòng UBND Thành phố cho biết, theo số liệu thống kê của trạm quan trắc thì chất lượng không khí hiện nay của Hà Nội rất kém, chỉ số bụi mịn PM2.5 rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ.
Theo ông Vũ Đăng Định, nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu là tác hại từ việc xả thải của ô tô, xe máy; việc đun than tổ ong, đốt củi vẫn còn tiếp diễn; hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng cũng như phá dỡ các công trình cũng gây nên ô nhiễm; tình trạng đốt rơm rạ ở khu vực ngoại thành...
Hiện, Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp như lắp trạm quan trắc theo dõi tình hình không khí ô nhiễm trên địa bàn thành phố. Đồng thời xử lý ô nhiễm môi trường; thu gom rác thải từ hình thức thủ công sang bằng máy... Thành phố cũng lập kế hoạch và phấn đấu triển khai để không còn hộ dân sử dụng bếp than tổ ong hay tình trạng đốt rơm rạ tại khu vực ngoại thành. Tăng cường và thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về vật liệu xây dựng...
Nhiều phóng viên cho rằng, nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí của Hà Nội có phải là do vấn đề quy hoạch đô thị còn nhiều vướng mắc, dẫn đến tình trạng xây dựng tràn lan, làm tăng tình trạng ô nhiễm hay không. Các nguyên nhân như đốt rơm rạ, dùng than tổ ong không hẳn là nguyên nhân chủ yếu..
Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường cho biết, việc dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội, nhất là trong thời gian gần do có những vấn đề cực đoan do đang trong giai đoạn chuyển mùa, sự chênh lệch nhiệt độ giữa thời gian buổi sáng và trưa, sáng sớm có hiện tượng sương mù... gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí của Thành phố. Việc đốt thải từ than tổ ong gây ô nhiễm rất lớn và đây được xem là một trong những nguyên nhân chính tạo nên không khí ô nhiễm.
Theo số liệu thống kê, với việc dùng 582 tấn than tổ ong/ngày thì lượng CO2 thải ra bên ngoài không khí trên địa bàn thành phố là cực lớn, cộng với việc đốt rơm rạ khu vực ngoại thành sẽ khiến tầm nhìn bị che mờ.
Bên cạnh đó, các vấn đề về xây dựng, phá dỡ các công trình xây dựng và việc tham gia giao thông của các phương tiện, đặc biệt là các phương tiện xe không đạt chuẩn đã dẫn đến lượng phát thải ra rất lớn.
Vì vậy, thời gian qua, thành phố đã đưa ra các biện pháp trọng tâm về trước mắt và lâu dài để người dân không sử dụng than tổ ong và đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố. Đồng thời Thành phố đã có 10 trạm quan trắc không khí để theo dõi tình trạng ô nhiễm không khí thường xuyên. Kế hoạch đến năm 2020, Hà Nội sẽ lắp thêm 20 trạm quan trắc không khí và 1 trạm quan trắc lưu động. Trên cơ sở đó sẽ triển khai nhiều biện pháp liên quan đến môi trường như xử lý chất thải rắn, làm sạch kênh mương ô nhiễm...
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.