Dù đã trở nên giàu có nhưng vị tỷ phú này chưa bao giờ quên sự giúp đỡ của dân làng dành cho mình.

(lamchame.vn) - Dù đã trở nên giàu có nhưng vị tỷ phú này chưa bao giờ quên sự giúp đỡ của dân làng dành cho mình.

Nam sinh đỗ Đại học Bắc Kinh nhưng không có tiền đi học

Trần Sinh sinh năm 1962 tại làng Quan Hồ, thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Quê hương của Trần Sinh có phong cảnh ở đây rất đẹp nhưng do đường sá không thuận lợi nên nhiều đời người dân ở làng Quan Hồ chỉ biết sống dựa vào vài mảnh ruộng mà không có thu nhập nào khác, cuộc sống của họ vô cùng khó khăn.

Gia đình của Trần Sinh thậm chí còn khổ cực hơn. Cha Trần Sinh bệnh tật quanh năm, do không có tiền mua thuốc thang chữa bệnh nên đã qua đời khi Trần Sinh còn rất nhỏ. Không cần nói chắc ai cũng hiểu cảnh mẹ góa con côi vất vả cỡ nào. May mắn một điều, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng mẹ Trần là một người phụ nữ biết đúng sai, hào phóng và có tầm nhìn xa. Bà nhất quyết cho con đi học vì biết nhà nghèo thì cơ hội duy nhất để thay đổi vận mệnh của con chính là học tập. Ngoài ra, bà còn dạy con phải chăm chỉ, tiết kiệm và tử tế với người khác.

Năm 1979, sau khi kỳ thi tuyển sinh đại học tại Trung Quốc được tổ chức trở lại, Trần Sinh hăm hở đăng ký dự thi nhưng kết quả lại như cú tát vào mặt anh. Kết quả thi của Trần Sinh năm đó rất tệ, theo quy định, anh thậm chí không đủ điều kiện đỗ vào trường nghề. Điều đó có nghĩa là Trần Sinh chỉ còn nước ở nhà làm nông, chăn nuôi gia súc ở nhà như mẹ và mấy anh chị em.

Nam sinh nhà nghèo đỗ ĐH được cả làng góp 104.000 đồng làm lộ phí, 38 năm sau quay về trả ơn bằng gần 700 tỷ đồng - Ảnh 1.

Hoàn cảnh của Trần Sinh vô cùng khó khăn (Ảnh minh họa)

Trần Sinh không hài lòng với cuộc sống như vậy. Không đỗ đại học, Trần Sinh cho rằng lý do là bởi bản thân đã chuẩn bị chưa tốt nên anh đã đề nghị mẹ cho mình học lại và thi lại. Ban đầu, mẹ của Trần Sinh khá do dự vì hoàn cảnh gia đình vốn không tốt, ăn bữa nay lo bữa mai, lấy đâu ra tiền cho Trần Sinh học. Bà hy vọng Trần Sinh có thể thực tế hơn, đi làm luôn để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thế nhưng đồng thời, trong thâm tâm bà cũng hiểu làng Quan Hồ đã nghèo mấy đời. Dù Trần Sinh con trai bà, giống như những dân làng khác, làm việc chăm chỉ để kiếm tiền thì anh cũng chẳng thể thoát khỏi cảnh nghèo. Nghĩ vậy, bà cắn răng gom tiền cho Trần Sinh đi học lại.

Trong thời gian ôn thi lại, Trần Sinh vô cùng chăm chỉ. Điểm số của anh cũng cải thiện từng ngày. Khi nói về dự định tương lai, Trần Sinh nói rằng anh muốn theo học một trường mà sau khi ra trường sẽ được phân công công tác luôn, nói chung là một vị trí ổn định.

Vì vậy, khi điền đơn đăng ký, nam sinh này đã chọn một trường đại học tương đối gần nhà, với mục đích vừa có thể giúp đỡ gia đình làm việc trong thời gian đi học, vừa có thể chia sẻ gánh nặng với mẹ và có một công việc ổn định sau khi ra trường, không cần lo lắng về cơm ăn áo mặc. Tuy nhiên, hiệu trưởng trường lưu trú của Trần Sinh tin rằng tài năng của Trần Sinh không nên bị chôn vùi. Trần Sinh có năng khiếu, chỉ là chưa nhận được sự giáo dục có hệ thống. Anh không biết thế giới bên ngoài rộng lớn đến mức nào, nhưng hiệu trưởng thì biết. Bởi vậy, thầy đã giúp anh thay đổi nguyện vọng thi và nộp vào Đại học Bắc Kinh, một trong những trường danh tiếng nhất cả nước.

Năm 1980, 1 năm sau khi học lại, Trần Sinh thành công thi đỗ Đại học Bắc Kinh. Đây là tin vui khiến cả làng Quan Hồ đều mừng rỡ. Một sinh viên đại học, đã vậy còn là đại học top đầu cả nước đã xuất hiện từ ngôi làng nghèo khó này.

Nam sinh nhà nghèo đỗ ĐH được cả làng góp 104.000 đồng làm lộ phí, 38 năm sau quay về trả ơn bằng gần 700 tỷ đồng - Ảnh 2.

Nhận được thư mời nhập học của Đại học Bắc Kinh khiến Trần Sinh vừa vui vừa lo lắng (Ảnh minh họa)

Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Cầm tờ giấy báo nhập học trong tay, Trần Sinh không biết ăn nói với mẹ thế nào. Mẹ Trần Sinh cũng lâm vào ưu tư. Đương nhiên bà vui vì con mình đã thực hiện được nguyện vọng. Một tương lai xán lạn đang chờ con bà ở phía trước. Song đồng thời, bà cũng lo lắng vì chẳng biết lấy tiền đâu cho con đi học.

Bà đã cắt tóc đem bán để lấy tiền nhưng gia đình nợ lớn nợ bé, đến cuối cùng ngay cả lộ phí vài chục tệ để lên Bắc Kinh cũng đành bó tay.

Một bên là tờ giấy thông báo nhập học mà Trần Sinh vất vả bao năm mới giành được. Thư trúng tuyển màu đỏ với 4 chữ "Đại học Bắc Kinh" in lớn như muốn nói với Trần Sinh "Hãy đi đến nơi xa xôi và tìm thấy ước mơ của mình". Và bên còn lại là hiện thực một gia đình nghèo khó, một người mẹ vì lộ phí cho con mà thức trắng đêm.

Rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, Trần Sinh phải làm thế nào đây?

Cả làng góp tiền giúp nam sinh nhà nghèo lên đường đi học đại học

Nỗi khổ tâm của mẹ con Trần Sinh nhanh chóng được dân làng phát hiện. Dù bản thân họ cũng còn khổ, còn đói nhưng không ai bảo ai, tất cả đều về nhà gom từng đồng bạc với hy vọng góp đủ tiền đi đường cho Trần Sinh.

Mọi người tụ tập ở nhà Trần Sinh, sau đó một người lấy ra một chiếc túi vải nhỏ, người này cẩn thận mở từng lớp bọc, rồi cuối cùng nhét những tờ tiền ố vàng được cất bên trong vào tay mẹ Trần Sinh. Có 10 xu, 20 xu, 50 xu, 1 tệ…, tất cả tổng cộng là 30 tệ (khoảng 104k đồng). Đừng nghĩ số tiền này là nhỏ bởi ở những năm 80 ấy, lương tháng của một công nhân bình thường chỉ là 10 tệ mà thôi.

Nam sinh nhà nghèo đỗ ĐH được cả làng góp 104.000 đồng làm lộ phí, 38 năm sau quay về trả ơn bằng gần 700 tỷ đồng - Ảnh 3.

Dân làng mỗi người góp một chút để làm lộ phí lên thành phố cho Trần Sinh (Ảnh minh họa)

Tấm lòng của dân làng khiến mẹ con Trần Sinh vô cùng cảm kích. Trong lúc cả hai còn rưng rưng không dám tin vào sự thật, mọi người đã động viên: "Làng mình cuối cùng cũng có một sinh viên đại học, đây là sự kiện đáng để ăn mừng. Dù có phải đập nồi bán sắt cũng phải để thằng bé được đi học. Mẹ Trần Sinh đừng ngại, thằng bé nhất định sẽ có tương lai rộng mở".

Vậy là bằng cách này, dân làng đã gom đủ lộ phí lên Bắc Kinh cho Trần Sinh, số tiền còn lại cũng có thể làm sinh hoạt phí cho Trần Sinh trong những ngày đầu. Cầm 30 tệ trong tay, Trần Sinh không kìm được nước mắt, anh cúi đầu cảm ơn tất cả dân làng, không quên tự thề trong lòng rằng tương lai nếu thành công, anh nhất định sẽ báo đáp ân huệ của mọi người.

Trong suốt 4 năm đại học, anh không dám chểnh mảng và lao mình vào đại dương học thuật. Ngoài việc đến lớp, anh còn đọc rất nhiều tác phẩm kinh tế để củng cố nền tảng chuyên môn của mình. Năm 1984, Trần Sinh tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh và được bổ nhiệm vào Văn phòng Thành ủy Quảng Châu. Đây đã là điểm khởi đầu rất cao vào thời điểm đó.

Nhưng Trần Sinh không hài lòng với điều này. Anh có tham vọng và muốn tiến xa hơn. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Trần Sinh đã kiên quyết nộp đơn từ chức và bắt đầu kinh doanh bất chấp sự phản đối của mẹ.

Trở nên giàu có

Có tầm nhìn lại có đầu óc, Trần Sinh nghiên cứu kinh tế và phát hiện ra những cơ hội kinh doanh ẩn giấu xung quanh mình. Năm 1990, Trần Sinh chính thức từ chức và khởi nghiệp ở tuổi 28. Anh chập chững mày mò từng bước một.

Lúc mới đầu, Trần Sinh bán buôn đồ may mặc và bán đồ sắt thép. Tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng điều đó không ảnh hưởng đến quyết tâm bước chân vào thương trường của anh. Cho đến khi kiếm được hũ vàng đầu tiên bằng cách bán rau trái mùa, con đường làm giàu của anh bắt đầu ngày càng suôn sẻ hơn.

Nam sinh nhà nghèo đỗ ĐH được cả làng góp 104.000 đồng làm lộ phí, 38 năm sau quay về trả ơn bằng gần 700 tỷ đồng - Ảnh 4.

Từ bỏ vị trí ổn định ở một cơ quan nhà nước, Trần Sinh dấn thân vào kinh doanh

Năm 1993, với số vốn ban đầu là 1 triệu tệ (khoảng 3,4 tỷ đồng), Trần Sinh gia nhập ngành bất động sản mới nổi vào thời điểm đó. Bằng sự nhạy bén trong kinh doanh, anh đã thành công đưa công ty của mình lên vị trí doanh nghiệp đứng đầu ngành bất động sản tại Trạm Giang với tài sản ròng lên đến nghìn tỷ.

Năm 1997, Trần Sinh bất ngờ rút lui khỏi giới bất động sản và tìm hướng đi mới bằng cách tham gia ngành sản xuất đồ uống mới. Trần Sinh tập trung vào các loại rượu tốt cho sức khỏe và rượu thuốc. Ở thời điểm này, tuy doanh số bán hàng không tệ nhưng cũng không đột phá. Mọi chuyện chỉ thay đổi vào lúc Trần Sinh phát hiện ra một cách uống đồ uống rất phổ biến, đó là đổ giấm vào Sprite và uống. Cách uống này về cơ bản được sử dụng tại hàng loạt các nhà hàng thuộc mọi quy mô. Dựa vào đây, Trần Sinh sáng tạo ra thức uống mới mang tên "Thiên địa No.1". Chỉ trong vài tháng, anh đã kiếm được hàng chục tỷ.

Từ năm 1997 đến khoảng năm 2015, trong gần 20 năm đó, Trần Sinh đã sử dụng các nguyên tắc kinh tế mà anh học được để điều hành công ty một cách cẩn thận, sắp xếp quy trình đa kênh, xây dựng tầm ảnh hưởng của thương hiệu và có được chỗ đứng vững chắc trong ngành. Hơn mười công ty thuộc chuỗi được định giá trên thị trường là 4 tỷ USD, công ty mẹ của "Thiên địa No.1" cũng đã lên sàn chứng khoán vào năm 2015.

Cuối cùng, vị doanh nhân quyết định tập trung vào sản phẩm nước ngọt có ga và thịt lợn sạch. Năm 2007, Trần Sinh giới thiệu "Lợn bản địa số 1" – thương hiệu thịt lợn chất lượng cao nổi tiếng khắp Trung Quốc. Hiện, nó đã có mặt tại 30 tỉnh và thành phố lớn ở đất nước tỷ dân, đạt doanh thu 1,8 tỷ nhân dân tệ năm 2018. Đến nay, thương hiệu đã kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.

Đại gia xây hơn 250 biệt thự tặng cả làng: Từng nghèo đến nỗi ngủ không bao giờ khóa cửa vì nhà chẳng có gì đáng giá để trộm - Ảnh 3.

Trần Sinh (trái) trong một buổi giới thiệu sản phẩm thịt lợn (Ảnh: Internet).

Năm 2008, Trần Sinh hùn vốn cùng một "đàn em" khóa dưới tại đại học để xây dựng "trường dạy bán thịt", chuyên giảng dạy về thịt lợn. Đây là ngôi trường độc nhất, chỉ dạy về chăn nuôi và buôn bán thịt lợn chất lượng cao tại Trung Quốc.

Từ một doanh nhân vô danh, Trần Sinh đã vươn lên và trở thành một tỷ phú nổi tiếng trong ngành.

Với khối tài sản hàng chục tỷ USD, vị tỷ phú có xuất thân nghèo khó năm nào được nhận xét là người khiêm nhường, giản dị, luôn giữ đức tính tiết kiệm trong cuộc sống và đối xử chân thành với người khác.

Về làng và "báo ân"

"Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", Trần Sinh chưa bao giờ quên đạo lý này. Dù đã trở nên giàu có, người đàn ông này vẫn đau đáu nỗi lòng với quê hương và những người đã từng giúp đỡ mình.

Khi đã thành tỷ phú, Trần Sinh quay về ngôi làng năm xưa để trả ơn mọi người. Những năm đầu, ông tích cực quyên góp tiền để xây trường học và lát xi măng cho các con đường để dân làng đi lại thuận tiện.

Năm 2012, Trần Sinh đầu tư 100 triệu tệ để xây dựng một cơ sở chăn nuôi lợn trong làng với hơn 250 chuồng. Công ty của ông cung cấp lợn giống, thức ăn và vaccine cho đàn lợn đồng thời cam kết thu mua lợn sau khi xuất chuồng.

Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của dân làng từ chỗ chỉ đạt 3.300 tệ vào trước năm 2012 giờ đây đã tăng lên gần 100.000 tệ/năm, tất cả là nhờ "cần câu cơm" mà Trần Sinh trao cho họ.

Sau khi giải quyết vấn đề thu nhập, Trần Sinh tính đến chuyện nhà ở cho dân làng. Ông tâm sự rằng mỗi khi trở về, nhìn thấy ngôi làng đổ nát và những người dân làm việc chăm chỉ nhưng vẫn không đủ tiền xây nhà mới, ông lại thấy xót xa. Chính vì thế, năm 2013, ông chi 200 triệu tệ để xây 258 biệt thự sang trọng trên đất do chính quyền cấp. Mỗi căn biệt thự rộng 280 m2, gồm 5 phòng ngủ, 2 phòng khách, 1 nhà xe và vườn.

Đại gia xây hơn 250 biệt thự tặng cả làng: Từng nghèo đến nỗi ngủ không bao giờ khóa cửa vì nhà chẳng có gì đáng giá để trộm - Ảnh 4.

Toàn cảnh khu biệt thự mà Trần Sinh xây cho dân làng (phía trên) (Ảnh: Internet).

Cuối năm 2017, khu dân cư hoàn thiện nhưng chưa thể bàn giao vì nhiều người từ nơi khác trở về và xin nhà. Nhiều gia đình thậm chí còn đòi 2 căn vì số người quá đông. Trần Sinh cho biết ông xây biệt thự dựa trên điều tra dân số năm 2013. Cuối cùng, ông quyết định xây thêm gần 70 căn nữa.

Với tầm nhìn dài hạn, vị đại gia còn xây thêm một số dãy biệt thự nhỏ ở quê nhà để phát triển du lịch nông thôn. Việc này có thể đem lại cho người dân nơi đây thu nhập khoảng 30.000 tệ mỗi năm. Ngoài ra, ông còn xây lại trường học, trợ cấp lương cho giáo viên để thu hút người giỏi về dạy dỗ cho con em trong làng.

Tháng 6/2018, Trần Sinh cùng mẹ về làng, trao chìa khóa cho từng hộ. Dân làng ai cũng bày tỏ lòng cảm kích đối với sự hào phóng của Trần Sinh. Đáp lại, ông chỉ khiêm tốn nói rằng làng Guanhu là nơi đã nuôi dưỡng và tạo điều kiện để ông có thể học đại học. Chính vì thế, sự trả ơn của ông là điều nên làm.

Đại gia xây hơn 250 biệt thự tặng cả làng: Từng nghèo đến nỗi ngủ không bao giờ khóa cửa vì nhà chẳng có gì đáng giá để trộm - Ảnh 5.

Đại gia xây hơn 250 biệt thự tặng cả làng: Từng nghèo đến nỗi ngủ không bao giờ khóa cửa vì nhà chẳng có gì đáng giá để trộm - Ảnh 6.

Dân làng vui mừng nhận nhà mới (Ảnh: Internet).

Đại gia xây hơn 250 biệt thự tặng cả làng: Từng nghèo đến nỗi ngủ không bao giờ khóa cửa vì nhà chẳng có gì đáng giá để trộm - Ảnh 7.

Trần Sinh (trái) trong lễ tân gia của cả làng (Ảnh: Internet).

Ông phát biểu trong buổi lễ tân gia của cả làng: "Mai này, tôi sẽ già đi và về với tổ tiên. Việc tôi xây biệt thự và tạo kế sinh nhai cho mọi người là điều khiến tôi rất hạnh phúc. Tôi mong mọi người chăm lo cho thế hệ con cháu để chúng có điều kiện học hành và thành công. Tôi hi vọng sẽ có hàng trăm Trần Sinh để làng của chúng ta ngày càng phát triển".

Ngày nay, nhờ Trần Sinh, dân làng Guanhu đã được sống trong những ngôi biệt thự hoành tráng, có cuộc sống sung túc, con cái của họ cũng được học hành tử tế và có tương lai tươi sáng.

Tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang