Mẹ: Nguyễn Thị Loan Nghề nghiệp: Giáo viên Con: Bống Tuổi: 3 |
Một mình ở nhà và chăm hai đứa con, một đứa 3 tuổi và một đứa mới hơn 2 tháng, với tôi, đó quả thực là điều không đơn giản. Vậy nên, mặc dù kinh tế khá eo hẹp, tôi vẫn quyết định cho bé lớn đi lớp như bình thường. Khoảng thời gian bận rộn nhất trong ngày, chính là buổi sáng, khi chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, cho bé đi học và buổi chiều, khi bé lớn được đón về.
Tới tận trước khi sinh bé thứ hai, đã thành thói quen, khi đón bé lớn, cô con gái tên Bống hai mẹ con tôi sẽ ra sân nhà văn hóa để con chơi một vài trò chơi như xích đu, cầu trượt... hoặc tôi sẽ cho bé ra khoảng sân trước nhà, để con chạy quanh nhặt lá, ngắm kiến bò. Nhưng từ khi sinh bé thứ hai, chồng tôi lại về muộn nên đón bé về nhà, tôi thường bật ti vi cho con xem để mẹ bế em, nấu cơm... và bé mắc vào thói quen xấu, ấy là không xem thì thôi, đã xem thì phải xem từ lúc đi học về tới tận khi được mẹ gọi đi tắm, thậm chí là đòi xem ngay cả khi ăn cơm.
Sau vài ngày, ngứa mắt với việc nhìn thấy con dán mắt vào tivi, bất chấp việc con mè nheo, tôi kiên quyết không mở cho bé. Vậy là, cô con gái của tôi đi lục lọi quanh nhà, chơi lại vài món đồ chơi cũ mà bé tìm được. Lúc này, tôi tạm hài lòng, bỏ qua bé để tập trung vào việc cho bé thứ hai ti mẹ và đi ngủ. Khi thấy Bống đi xuống bếp, tôi cũng chẳng mảy may bận tâm vì bếp ga thì khóa rồi, gia vị mắm muối, dao thớt cất cẩn thận, con bé không với được. Con gái tôi có thói quen mó rổ rau của mẹ, cầm cái này một tí, mó cái kia một lát thôi, điều này thì không ảnh hưởng gì.
Bống là một cô bé khá nghịch ngợm
Vậy mà, chỉ sau 20 phút, khi tôi dỗ bé thứ hai ngủ xong, bước chân xuống bếp để chuẩn bị nấu cơm, tôi bàng hoàng nhận ra căn bếp nhỏ của mình đã biến thành một sân cát nho nhỏ của Bống. Chả là, cô nàng sau khi mân mê, nghịch chán đống rau củ của mẹ, đã tìm ra thùng gạo.
Tôi nhìn cảnh ấy, ngạc nhiên là mình không nổi điên lên mà lao ra đánh vào mông con vài cái. Tôi hỏi con bé:
- Bống làm gì đấy con?
- Con làm nhà cát đấy.
Con bé cười toe toét, có vẻ phấn khởi lắm khi thấy thành quả của mình, bất chấp việc hai bên thái dương thì đẫm mồ hôi và tóc tai thì bơ phờ. Cũng đúng thôi, mệt quá mà, đổ được gần hết 15 cân gạo của mẹ ra bếp bằng cái bơ nhỉnh hơn cái chén thì đâu có đơn giản.
Tuy nghịch ngợm nhưng Bống cũng biết chịu trách nhiệm với việc làm của mình lắm
- Nhưng đây là gạo của mẹ cơ mà. Gạo này là để nấu cơm đấy. Bây giờ, con đổ hết ra bếp rồi, mẹ lấy đâu ra gạo nấu cơm. Mẹ không có gạo nấu cơm, nhà mình sẽ đói đấy.
- Con giả vờ làm cát tí thôi mà.
Con bé đáp, có vẻ hối lỗi.
- Bây giờ, con tính thế nào? Dọn vào cho mẹ nhé hay là mẹ phạt con úp mặt vào tường.
Tất nhiên là Bống chọn đã chọn cách dọn dẹp cho mẹ. Thậm chí, khi được hỏi có cần giúp không con còn khẳng khái đáp rằng mình tự làm được và không cho mẹ đụng tay vào. Dù sao việc bốc gạo vào thùng cũng coi như được chơi thêm lần nữa rồi. Vẫn lời nhỉ?
Vậy là Bống đã tự tay bốc lại phần lớn số gạo đã đổ ra vào thùng, số còn lại, vì dính đất cát khá là bẩn nên được cho vào túi nhỏ, cất đi để mẹ mang về cho ông ngoại nuôi gà.
Sau khi thu dọn bãi chiến trường, tôi đã hỏi con gái.
- Gạo để làm gì con nhỉ?
- Để nấu cơm ạ.
- Thế sao con lại lấy ra chơi?
- Tại mẹ không cho con đi chơi nhà cát đấy.
A, đổ lỗi đấy. Tôi nghĩ thầm trong đầu.
- Không phải lỗi của mẹ đâu nhé. Gạo là để nấu cơm, không phải đồ chơi của con. Mẹ không đồng ý cho con đổ gạo ra sàn chơi như thế. Nếu con còn lấy gạo ra chơi, mẹ sẽ phạt con đứng úp mặt vào tường đấy.
Sau đó, tôi yêu cầu được xin lỗi và tha bổng cho con gái đi tắm để mẹ nấu cơm, chuẩn bị ăn tối. Một số người bạn khi biết chuyện, đã hỏi tôi, có đánh đòn không khi con bé đổ thùng gạo ra chơi như thế. Một số khác nói rằng tôi còn may chán vì con bé chưa đổ chai dầu ăn vào trộn đều với gạo. Một số khác nữa thì dặn tôi nếu con bé còn muốn chơi với gạo, hãy đổ ra sàn sạch hoặc cho vào chậu khô ráo, tha hồ chơi xong lại nấu cơm được.
Có lẽ hôm ấy khi nhìn thấy gương mặt hạnh phúc của con với đống gạo, tôi không lỡ đánh con vì tôi nhìn thấy mình trong ấy. Khi tôi còn là cô bé con, mỗi mùa gặt tôi đều được lăn lộn trong đống rơm rồi đi tắm. Rồi khi nhà phơi thóc, đống thóc được vun vào góc nhà, tôi cũng được cầm đấu (một dụng cụ đong thóc, có nơi gọi là ca) đong nghịch cả ngày, chẳng ai trách mắng. Thậm chí, oai ơi là oai, khi được mẹ giao nhiệm vụ đi rẽ thóc khi phơi ở sân... Cô con gái nhỏ của tôi, không còn được cho đi chơi khi mẹ bận em bé và cũng háo hức, tò mò như tôi ngày xưa mà thôi. Dù có gây ra chút rắc rối cho mẹ nhưng cô nàng cũng đã tự giải quyết và cam kết không tái phạm rồi nên cứ tha thứ thôi.
Tò mò, nghịch ngợm, chẳng phải là bản tính của trẻ con sao? Và làm mẹ, với tôi không phải là cấm trẻ con tò mò, cấm trẻ con nghịch ngợm mà là giúp con biết dừng lại, giúp con an toàn, giúp con biết sửa chữa nếu con có gây chút rắc rối. Tất nhiên, sau đó thì con bé không nghịch gạo nữa. Nó chuyển sang nghịch thứ khác.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.