Hãng thông tấn AFP đưa tin, hôm 20/8 vừa qua, chính quyền Papua New Guinea đã từ chối cho chuyến bay chở các công nhân Trung Quốc hạ cánh tại nước này, sau khi nhận được thông báo từ công ty chủ quản nói rằng một nhóm công nhân trên chuyến bay đã được tiêm "vaccine COVID-19".
Cụ thể, Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (China Metallurgical Group Corporation - MCC), đơn vị chủ quản dự án khai thác một mỏ kim loại niken (nickel) lớn tại Papua New Guinea, đã thông báo với chính quyền địa phương rằng 48 công nhân Trung Quốc dự kiến quay trở lại mỏ làm việc trong tháng này có thể sẽ dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, vì họ "đã được tiêm vaccine".
Theo thông cáo gửi tới chính quyền Papua New Guinea của Ramu NiCo - công ty con của MMC, việc các công nhân này dương tính với SARS-CoV-2 là "phản ứng bình thường với vaccine, không phải do họ nhiễm bệnh".
Phía Papua New Guinea sau đó đã yêu cầu Bắc Kinh "lập tức làm rõ" thông tin nói trên và không cho phép chuyến bay chở 48 công nhân Trung Quốc hạ cánh tại nước này.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động khai thác mỏ tại Papua New Guinea, một trong những quốc gia nghèo nhất tại khu vực Thái Bình Dương, đã bị gián đoạn.
Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ thử nghiệm vaccine COVID-19 trên một số đối tượng như binh sĩ và nhân viên các công ty quốc doanh, nhưng không rõ liệu các lao động xuất khẩu có nằm trong danh sách những người tham gia thử nghiệm vaccine hay không.
Thông cáo của Ramu NiCo cho biết "cần khoảng 7 ngày để cơ thể người được tiêm vaccine sản sinh kháng thể. Trong trường hợp cần tiến hành xét nghiệm lại, thì việc xét nghiệm nên được thực hiện ít nhất 7 ngày sau khi tiêm chủng vaccine".
Người đứng đầu ủy ban phản ứng với đại dịch COVID-19 của Papua New Guinea, ông David Manning, nói với AFP rằng chuyến bay nói trên chở tổng cộng khoảng 150 công nhân Trung Quốc, trong số đó có 48 người được cho là đã tiêm vaccine COVID-19.
"Tôi đã yêu cầu Đại sứ Trung Quốc đưa ra lời giải thích về chuyện này", ông Manning nói. "Thông qua Đại sứ Trung Quốc, tôi cũng đã gửi văn bản yêu cầu chính phủ Trung Quốc làm rõ ngọn ngành vấn đề."
Công ty Ramu Nico. Ảnh: Google
Phía Trung Quốc nói gì?
Trong khi đó, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng rằng các công nhân Trung Quốc làm việc cho Ramu Nico đã dùng cách này nhằm trốn cách ly sau khi nhập cảnh. Một số ý kiến khác lại lo ngại rằng vaccine đã được phân phối trái phép tại Papua New Guinea, hoặc thậm chí đã được thử nghiệm trên công dân của nước này.
Theo quy định kiểm dịch của Papua New Guinea, bất cứ ai đến nước này đều phải làm xét nghiệm COVID-19 trước ngày khởi hành và phải cách ly bắt buộc ngay sau khi nhập cảnh.
Trong văn bản yêu cầu chính quyền Bắc Kinh "làm rõ" vụ việc, ông Manning đã nhấn mạnh rằng Papua New Guinea "hiện chưa công nhận bất cứ loại vaccine chống COVID-19 nào", bởi các loại vaccine đang được phát triển trên thế giới đều chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua.
Ngoài ra, ông Manning cũng đã ban bố lệnh cấm thử nghiệm vaccine trái phép tại Papua New Guinea.
Về thông tin 48 công nhân Trung Quốc được cho là đã tiêm vaccine COVID-19, Đại sứ Trung Quốc tại Papua New Guinea, ông Xue Bing cho biết: "Chúng tôi không có bất cứ bình luận nào trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, một điều tôi có thể khẳng định chắc chắn là Trung Quốc không hề thử nghiệm [vaccine COVID-19] ở Papua New Guinea".
Vốn thiếu thốn về cơ sở vật chất và vật tư y tế, Papua New Guinea đã rất nỗ lực kiểm soát dịch bệnh để duy trì số ca nhiễm ở mức 3 chữ số.
Hôm 20/8 vừa qua, quốc gia này đã ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 359 người, trong đó bao gồm 159 ca đang được điều trị. Quốc gia này đã xác nhận 3 ca tử vong do COVID-19.
Các cụm nhiễm COVID-19 mới được phát hiện gần đây đã buộc chính quyền địa phương phải tạm đình chỉ hoạt động tại các mỏ khai thác kim loại lớn.
Trong khi đó, theo AFP, công ty Ramu NiCo của Trung Quốc không hề xa lạ với những bê bối. Cuối năm 2019, công ty này đã phải tạm thời đóng cửa sau khi thải bùn than vào Biển Bismarck và "nhuộm đỏ" phần bờ biển xung quanh.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.