Tình huống tôi thường gặp là: Trẻ rất dễ sử dụng cảm xúc (như giận dỗi) hoặc đập đầu vào gối hoặc khóc la hét để giải quyết vấn đề, vòi vĩnh hay đạt được điều trẻ muốn. Mới sáng nay, trên đường đi làm, 1 cô bé tầm 3 tuổi quăng con gấu bông xuống đất và khóc giữa đường vì mẹ cô bé lỡ đi nhanh hơn cô bé 1 bước chân. Cảm xúc "bị bỏ rơi" đến đột ngột và vô ý đã đẩy suy nghĩ của bé về cảm giác "bị lãng quên", tuy nhiên, trẻ không biết làm gì để thoát ra và chỉ biết áp dụng 1 số cách đơn giản như bực tức hoặc la khóc.
Không phải lỗi tại con!
Trẻ con không hề có lỗi trong việc này bởi vì người lớn chúng ta thường không chú ý đến dạy bé những cách khác để giải quyết vấn đề của riêng bé, mà để bé tự sử dụng cách thức giận dỗi hoặc la khóc.
Một thí nghiệm thú vị từ Đại học Harvard về khả năng nhận thức sớm trong suy nghĩ của trẻ nhỏ ngay từ 15-18 tháng tuổi. Do đó, nếu bạn suy nghĩ trẻ nhỏ quá không biết gì là một suy nghĩ đã lạc hậu. Trẻ con có thể đọc cảm xúc của bạn tốt từ 10 tháng tuổi và bắt đầu suy nghĩ về tình huống từ 15 tháng tuổi. Hãy bắt đầu dạy trẻ cách suy nghĩ sớm nhất có thể để trẻ học cách sử dụng suy nghĩ để tư duy và trở thành người giải quyết tình huống.
Để dạy trẻ cách suy nghĩ, cần 3 yếu tố
1. Trẻ con học từ trải nghiệm, không có đúng sai, chỉ là trải nghiệm.
Khái niệm trải nghiệm có thể được chúng nghĩ là những hoạt động trẻ sẽ trải qua. Đúng là như vậy, nhưng cần hiểu sâu hơn. Là những hoạt động trẻ cần là chính trẻ, chính bản thân trẻ nhận ra vấn đề và giải quyết. Khái niệm khá trừu tượng. Đây là 1 số ví dụ để chúng ta dễ hình dung như thế nào là "chính bản thân trẻ".
Ví dụ 1: Trẻ dưới 2 tuổi thường hay khóc và thức đêm. Đây là 1 trải nghiệm của trẻ. Dĩ nhiên, chúng ta loại bỏ yếu tố trẻ đang có 1 vấn đề bệnh lý nào đó. Trẻ trải nghiệm có thể là do trẻ đói cần bú hoặc chỉ đơn giản cần mẹ không cần thiết bú. Đầu tiên, hãy để trẻ nhận ra trải nghiệm này bằng cách đừng bế trẻ lên liền để ru ngủ lại. Hãy để trẻ nằm ngay trên giường, bạn có thể vỗ lưng trẻ. Một số trẻ chỉ cần lăn qua lăn lại rồi ngủ, một số trẻ cần nhiều nỗ lực hơn. Nếu cần cho trẻ bú, hãy cho trẻ tự nỗ lực tìm ti và cho bú tại chỗ, không nên di chuyển 1 nơi khác.
Ví dụ 2: Trẻ không hài lòng thường đập đầu vào gối. Hành vi này không phải "cách gây áp lực" mà chúng ta hay nghĩ. Đơn giản là thể hiện 1 "sự rối bời" trong tìm cách giải quyết của trẻ. Cha mẹ bình tĩnh, giữ con lại bằng hai tay để cho trẻ lấy lại sự chú ý - tín hiệu này cho bé biết bạn đang lắng nghe. Hãy hỏi con bằng những câu hỏi để giúp trẻ diễn đạt vấn đề rõ hơn.
Có những câu hỏi cần câu trả lời của trẻ, nhưng có những câu hỏi chỉ cần mang tính dẫn dắt để trẻ mở rộng diễn đạt. Khi trẻ bình tĩnh, hãy cho trẻ biết việc đập đầu vào gối là không cần thiết, khi cần con hãy nắm tay mẹ, mẹ sẽ trả lời con. Bạn đừng nghĩ trẻ 12 tháng tuổi không hiểu gì khi bạn áp dụng những điều này. Đúng là, trẻ chưa có ngôn ngữ để trả lời câu hỏi của bạn, nhưng trẻ sẽ dùng những cử chỉ, ánh mắt hoặc ngôn ngữ riêng để cho bạn biết. Đó là cách mà trẻ học cách nhận ra trải nghiệm và cách để giải quyết vấn đề.
2. Luôn cho trẻ có ý kiến, không có ý sai hay đúng, chỉ là ý kiến để thảo luận.
Làm cách nào để trẻ bớt đòi mua đồ chơi? Tôi vẫn khuyên cha mẹ: Hãy cho trẻ quyết định mua cái gì và không mua cái gì thì trẻ sẽ chỉ đòi mua khi suy nghĩ thật kỹ. Tại sao? Bởi vì trẻ đòi mua món đồ nào là do trẻ thích, trẻ muốn cái mới mà chưa thật sự bỏ công suy nghĩ "Mua nó làm gì". Nếu bạn cho trẻ lựa chọn, trẻ bắt đầu lôi 1 danh sách cái này, cái kia và cũng bắt đầu suy tính. Do đó, sự cân nhắc sẽ bắt đầu hình thành.
Khi có sự cân nhắc thì trẻ sẽ không vội đưa ra quyết định nếu chưa suy nghĩ kỹ.
3. Tranh luận với trẻ, không có ý kiến sai hay đúng, chỉ là cách mở rộng vấn đề.
Tranh luận không phải là cách chúng ta dùng sự la hét, ép buộc trẻ phải đồng ý với ý kiến của bạn. Tranh luận là giúp trẻ có ý kiến phản biện. Tranh luận rất dễ làm bạn có suy nghĩ tiêu cực, do đó, nên chú ý bình tĩnh và lắng nghe con bằng trái tim.
Trẻ nhỏ có thể cho rằng: chiếc lá màu đỏ (khái niệm nghe có vẻ sai về sinh học, nhưng thực tế vẫn có những chiếc lá màu này biết đâu bé đã nhìn thấy). Do đó, tranh luận là cách giúp trẻ nhận ra sự kết nối các sự thật (fact) để đưa vào nhận định riêng của trẻ (opinion). Ai cho bạn 1 opinion, điều này có thể đúng hay sai, nhưng opinion này sẽ có giá trị sử dụng nếu nó là sự kết nối các sự thật/ bằng chứng (fact/ evidence). Đó là nguyên lý cơ bản của sự tư duy.
Vài nét về tác giả:
Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn là chuyên gia tư vấn về y học bộ gen, hiện là Ủy Viên Cấp Cao tại Hiệp Hội Dinh Dưỡng và Y Học Lối Sống Vương Quốc Anh (BANT) kiêm Phó Tổng Biên Tập tạp chí Harvard Public Health Review tại Đại học Harvard.
Anh Nguyễn là diễn giả khách mời (keynote speaker) cho nhiều hội thảo khoa học lớn tại Anh và Châu Âu. Những công trình nghiên cứu của ông tập trung giải thích các khái niệm sâu sắc về dinh dưỡng cá nhân hóa dựa trên bộ gen mỗi người cũng như y học lối sống trong sự khác biệt giữa người châu Âu và châu Á tại Vương quốc Anh.
Ngoài ra, bác sĩ còn nhận được nhiều sự yêu mến của các bậc phụ huynh trong lĩnh vực nuôi dạy con cái và đồng hành cùng con trên hành trình thiêng liêng nhưng cũng đầy gian nan này.
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/dung-nghi-tre-nho-khong-biet-gi-hay-day-be-suy-nghi-de-tu-duy-ngay-tu-luc-15-thang-tuoi-voi-3-cach-nay-222022231132841475.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.