"Số phận của con gái giống như mẹ của cô" - Đó chắc hẳn là một trong số các câu nói mà tôi ghét nhất. Chẳng phải ai cũng có một cuộc đời riêng biệt hay sao. Chẳng ai giống ai cả, tính cách cho đến suy nghĩ, hành vi đều khác thì làm sao mà cả cuộc đời lại giống nhau được chứ. Tôi luôn cố gắng thoát ra cái gọi là cuộc đời con gái giống mẹ. Tôi luôn tự nhủ bản thân mình rằng không bao giờ sống như mẹ bởi nếu tôi "đi vào vết xe đổ đó", bà sẽ rất buồn.
Tuổi trẻ của mẹ dành cho một công việc bình thường và con cái
24 tuổi mẹ lấy chồng, không lâu sau mẹ sinh con. Chẳng có ai đỡ đần được mẹ, một mình mẹ chăm sóc con cái, thu vén gia đình.
Bố là một nhân viên bán hàng xuất sắc của một xí nghiệp. Sau này ông tách ra, mở một công ty riêng để kinh doanh cùng bạn bè. Công việc khiến ông chu du khắp đất nước. Kể cả đi nước ngoài ông cũng thoải mái cất bước mà chẳng mảy may lo toan đến gia đình. Đừng tự hỏi tại sao bố lại thong dong đến vậy, nhờ có mẹ hết cả.
Mẹ chăm con, yên yên ổn ổn làm việc trong một nhà máy sản xuất. Mẹ có hoài bão nhưng không thể trở mình bởi vì mẹ còn có con. Cả những năm tháng thanh xuân tuổi trẻ đó, trong mắt mẹ chỉ có thể làm được hai điều: Công việc ở nhà máy và con cái.
Chưa một lần mẹ được rơi nước mắt
Việc kinh doanh không phải lúc nào cũng bình yên, thuận buồm xuôi gió. Có lúc bố vỡ nợ, con nợ đến vây kín nhà. Mẹ còn trẻ là thế mà phải chịu sự quây kín của những gã đòi nợ bặm trợn. Lúc đó, bố không xuất hiện vì bận rộn chạy vạy khắp nơi, nhà nội tỏ ra vô can, không quen biết. Họ thậm chí cũng không đứng ra giúp đỡ hay giải vây.
Trong nhiều bộ phim truyền hình, khi đau khổ quá, nhân vật chính sẽ bật khóc nức nở. Nhưng dường như những bộ phim truyền hình ấy cũng chẳng bắt nguồn từ thực tế. Mẹ không khóc nổi, bà lọt thỏm giữa những chủ nợ cao to đang hò hét và ngăn cản họ đụng vào con thật quyết liệt. Những lúc đó, tôi cảm thấy mẹ vô cùng mạnh mẽ, vĩ đại.
Nhưng mẹ còn vướng phải một nỗi đau đớn khác phải đối mặt đó chính là ông bà nội. Họ "hành hạ" mẹ theo cái cách riêng biệt và đủ sức dày vò. Cứ rạng sáng, ông nội sẽ chạy đến nhà mẹ gõ cửa. Khi mẹ hoảng loạn chạy ra, ông sẽ nói bất cứ một lý do nào đó để xin tiền. Đôi khi, những lời xin xỏ ấy biến thành sự hăm dọa, chửi bới.
Đến cả 30 năm sau, mẹ vẫn giật mình tỉnh dậy lúc rạng sáng vì những tiếng gõ cửa cộc cộc trong mơ.
Mẹ khổ sở của những ngày giỗ chạp
Khi nhà có việc, những người bên nội mới bắt đầu nghĩ đến mẹ là một người con dâu, phải làm trách nhiệm của con dâu trong nhà.
Khi nào cũng thế, mẹ phải đến nhà nội từ hôm trước, dọn dẹp kỹ lưỡng mọi thứ. Căn nhà khác biệt hẳn khi có bàn tay mẹ. Các tủ lạnh và tủ trữ đồ ăn luôn trống rỗng vào trước ngày có đám. Mẹ chỉ có thể thở dài rồi lại đi mua tất cả các nguyên liệu chuẩn bị.
Khi cần cái gì, những người bên nội cũng đều nhìn sang mẹ. Từ cô, chú hay ông bà đều coi chuyện mẹ phải phục vụ là hiển nhiên: 'Lấy cho ít nước", "Cho bát canh nào"... Tất cả đều nói về điều họ cần và mẹ chẳng bao giờ phản kháng lại. Mẹ làm hết nhưng chưa bao giờ được nhận về một lời cảm ơn.
Mẹ thấu hiểu nhưng không biết phải thoát ra cuộc sống vốn đã tồn tại hàng chục năm ấy như thế nào nữa. Và rồi ngày con đi lấy chồng, con hiểu được nỗi niềm mà mẹ đối mặt suốt mấy chục năm qua.
Sau khi kết hôn, "vòng lặp" xảy đến
Một tình huống tương tự như mẹ xảy đến với tôi ngay khi về nhà chồng được một thời gian. Một hôm mọi người đang ngồi ăn gà rán với nhau. Tôi đang tập trung gặm chân gà. Người anh rể ngồi trước mặt đột nhiên lên tiếng: "Có coca không nhỉ?".
Câu nói đó hoàn toàn không có điểm đến, chẳng dành cho ai. Nó lơ lửng trên không vậy. Tôi nghe thấy nhưng chỉ quan tâm đến cái chân gà của mình mà thôi. Tất nhiên, tôi cảm nhận thấy một sự im lặng bao trùm. Tôi nghĩ rằng chủ ngữ của câu nói đó không có, đừng "cố" nhét nó qua cho tôi. Tôi cảm nhận ánh mắt của anh rể, mẹ chồng, bố chồng và cả chị chồng đang nhìn mình. Sau một hồi im lặng, người anh rể từ từ đứng dậy hỏi tiếp: "Có lon coca nào không?".
Mẹ chồng trả lời: "Trong tủ bếp, con đi tìm xem".
Khi đó tôi đã nhấp một ngụm bia, nhìn lên tivi rồi bật cười. Dù chương trình không quá hài hước nhưng tôi kìm nén không được.
Tại sao anh rể và cả nhà lại nhìn tôi rồi hỏi về chuyện lon nước ngọt, không chủ ngữ, một câu hỏi như lời ra lệnh. Tôi bắt đầu hiểu ra, mẹ từng rơi vào những trường hợp thế này. Bà thỏa hiệp, phục vụ và rồi bà phải phục vụ theo cái cách như vậy suốt hàng chục năm sau.
Nếu là mẹ trong trường hợp của tôi hôm nay chắc chắn bà sẽ đứng dậy, lao vào bếp tìm những lon nước ngọt. Tôi không di chuyển và bình yên ngồi gặm chân gà bởi lời dặn thiết tha: "Đừng sống như mẹ".
Đôi khi cuộc sống thật sự khắc nghiệt với chính những người vợ, người con dâu trong nhà. Tại sao họ lại phải lãnh trách nhiệm chăm sóc, lo toan cho cả gia đình. Thậm chí, chuyện họ phục vụ bữa ăn là nghĩa vụ mà ai ra lệnh cũng được, không cần thưa, gửi, cảm ơn.
Khi đi ăn cần gì người ta vẫn phải yêu cầu phục vụ, có chủ ngữ, yêu cầu rõ ràng. Nhưng tại sao trong một nhà, lời đề nghị nào đó không cần phải chỉ đích danh người ta cũng mặc định rằng nó được dành cho cô con dâu. Phải chăng, người con dâu đó còn không được đối xử như "con cái" trong nhà. Con nếu thêm từ "dâu" thì ý nghĩa của con cũng đã thay đổi mất rồi.
Trong cuộc sống, có không ít bà mẹ nổi lên như một hình mẫu về sự chịu thương chịu khó, lo toan vất vả. Tuy nhiên, có lẽ những người mẹ đó thấu hiểu đủ rồi. Họ thấu những đắng cay để mong muốn gửi đến người con gái ruột ước nguyện dễ dàng nhưng xa xỉ biết bao: "Đừng sống như mẹ!".
Link bài gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/dung-song-nhu-me-cau-chuyen-nho-tu-lon-nuoc-ngot-ma-thay-doi-ca-mot-so-phan-nguoi-phu-nu-chi-biet-lam-con-oc-thu-minh-suot-bao-nam-22201926117182809.htm
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.