Xỉa răng được xem là cách làm sạch răng của rất nhiều người Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, động tác này rất có thể gây mòn răng, rộng kẽ răng làm thức ăn bám vào càng nhiều hơn. Chưa kể nguy cơ làm nướu và lợi bị tổn thương. Các bệnh về nướu tuy đơn giản nhưng thực tế lại là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm khác như tim mạch, huyết áp và nguy cơ bị ung thư…
1. Xỉa răng bằng tăm làm răng bị bào mòn
Động tác dùng tăm chọc vào giữa các kẽ răng để loại bỏ mảng bám thức ăn sẽ gây ra sự bào mòn răng và dẫn đến chảy máu lợi. Nếu điều này diễn ra thường xuyên có thể làm lung lay chân răng và gây tổn hại cho toàn bộ các răng liền kề.
2. Tạo kẽ hở lớn giữa các răng
Theo Tiến sĩ y khoa Richard H. Price của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, thói quen dùng tăm xỉa răng là một trong những nguyên nhân chính làm răng xuất hiện kẽ hở lớn, khiến thức ăn mắc kẹt ở giữa nhiều hơn, tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Từ đó dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như sâu răng, viêm quanh chân răng, viêm nướu…
3. Tổn thương men răng và chân răng
Nếu đặt những chiếc tăm làm từ gỗ dưới kính hiển vi sẽ thấy chúng có vô số sợi xơ. Khi dùng nó để xỉa răng thì những sợi xơ nhỏ này dễ dắt vào chân răng, gây rách, chảy máu, dễ làm lợi bị tụt xuống gây tổn thương chân răng. Vi khuẩn từ đó có cơ hội xâm nhập khiến chân răng bị tổn thương, các tổ chức quanh chân răng bị phá hủy khiến kẽ răng thêm rộng. Với những người có thói quen nhai tăm xỉa còn làm tổn thương đến lớp men răng.
4. Gây bệnh về lợi và khiến hơi thở có mùi hôi
Sử dụng tăm để xỉa răng không thể loại bỏ được hết mảng bám thức ăn ở kẽ răng nên gây hôi miệng. Ngoài ra, dùng tăm không chỉ gây ảnh hưởng đến răng nướu mà lợi cũng bị liên lụy theo. Nếu không được điều trị, điều này có thể dẫn tới những bệnh về lợi không thể khắc phục.
Ảnh Internet
5. Gây nên những tai nạn không đáng
Nếu trong nhà có trẻ nhỏ thì chúng rất dễ vớ lấy những chiếc tăm đã xỉa răng của người lớn để chơi. Tăm nhọn rất có thể gây nên những tai nạn không ngờ tới như chọc vào mắt, thủng ruột vì nuốt tăm…
Cách chăm sóc răng miệng tốt nhất
Xỉa răng là thói quen không tốt. Nhưng sau khi ăn, thức ăn bị mắc vào các chân răng mà không được dùng tăm thì giải quyết bằng cách nào?
- Khi ăn xong mà thức ăn bị dắt chặt vào răng, bạn có thể dùng tăm sạch khều nhẹ thức ăn ra. Dùng lực nhẹ chứ tuyệt đối không được đẩy tăm vào sâu giữa các kẽ răng.
- Với những người có răng không đều, dễ bị dắt thức ăn nên đem theo một cuộn chỉ nha khoa để sử dụng sau mỗi lần ăn.
- Nếu không được thì dùng bàn chải đánh răng khoảng 60 phút sau khi ăn. Không nên ăn xong là đi đánh răng liền vì khi đó, acid trong thực phẩm và đồ uống sẽ làm lớp men răng mềm đi, nếu đánh răng ngay vào lúc này sẽ làm men răng tổn thương.
- Nên đánh răng 2 lần/ngày vào sáng và tối để dọn sạch những gì vi khuẩn đã sản sinh ra. Các chuyên gia khuyên rằng, bạn nên đánh răng khoảng 1 giờ sau khi ăn sáng chứ không phải là trước khi ăn sáng như trước.
- Sau khi đánh răng hay dùng chỉ nha khoa, bạn nên súc miệng với các loại nước chuyên dụng để chống sâu răng và các bệnh viêm lợi.
- Điều cuối cùng là bạn nên để ý đến răng miệng của mình thường xuyên để phát hiện những vấn đề bất ngờ về răng miệng kịp thời.
Nguồn: Tổng hợp
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.