Tuần trước, tôi đọc được một bài báo về một cô gái khoẻ mạnh 23 tuổi ở Mỹ đã bị bệnh nặng sau khi dùng thực phẩm chức năng. Thứ thực phẩm chức năng này được quảng cáo là sản phẩm từ tự nhiên, có chức năng hỗ trợ cân bằng hormone, đẹp da, giảm cân… gì đó. Cô uống liên tục mấy tháng thì phát hiện mình bị viêm gan cấp. Cái gan của cô bị huỷ hoại hoàn toàn.
May mắn thay, cô đã được ghép gan gấp để tránh cái chết. Các bác sĩ không tìm ra nguyên nhân gì khác ngoài thứ thực phẩm chức năng mà cô đang dùng.
Thực phẩm chức năng còn có thể nguy hiểm hơn thuốc
Có một nghịch lý rất phổ biến là hầu hết chúng ta ngại uống thuốc khi cần vì lo sợ tác dụng phụ, độc gan, độc thận, kháng thuốc,… nhưng lại rất dễ dàng chấp nhận ăn hay uống một loại thực phẩm chức năng nào đó được quảng cáo là tốt cho cơ thể.
Nên nhớ, tất cả các thứ ta ăn uống đều phải được chuyển hoá qua gan và thận, chúng đều có một tác dụng nhất định lên cơ thể chúng ta. Thực phẩm chức năng cũng không khác gì thuốc về mặt này.
Đối với tôi, thực phẩm chức năng còn có thể nguy hiểm hơn thuốc nhiều, vì mấy lý do sau:
- Thuốc thường đã được nghiên cứu lâu dài trên động vật và trên người trước khi đem ra sử dụng, nên các tác dụng phụ và tính độc hại đã được biết tới trong hầu hết trường hợp, nhờ đó bác sĩ có thể đánh giá trên từng bệnh nhân, nhằm hạn chế và phòng ngừa tác hại của thuốc.
Trong khi đó hầu hết thực phẩm chức năng đều không có nghiên cứu gì trước đó nên khó thể biết chúng có độc hại gì trước mắt và lâu dài đối với từng cá nhân.
- Độc dược và thuốc chỉ khác nhau ở liều lượng mà thôi.
Thông thường chúng ta chỉ uống thuốc trong một thời gian ngắn (như kháng sinh); hoặc nếu uống trong thời gian dài thì thuốc đó đã được nghiên cứu, quá trình uống thuốc cũng được bác sĩ theo dõi.
BS Trương Hoàng Hưng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000, sau đó làm nội trú Nhi khoa tại Đại học Y Dược TP HCM và Texas Tech University (TTU).
Hiện đang hành nghề BS Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ.
Trong khi đó thực phẩm chức năng thường được dùng hàng ngày từ tháng này qua tháng khác với niềm tin sai lầm là nó an toàn cho cơ thể. Trong khi đó các độc tính tích tụ lâu dài mà không biết, tới lúc biết thì đã muộn.
Quan niệm hễ thực phẩm chức năng thì an toàn là quan niệm vô cùng sai lầm, cần được thay đổi.
- Các thuốc được sử dụng thường được kiểm soát bởi FDA (Mỹ). Trong khi đó các loại thực phẩm chức năng thường không được kiểm soát chặt như thuốc nên dễ đưa đến lọt lưới các thực phẩm chức năng độc hại như trà giảm cân Golean Detox đã rầm rộ lên hồi nửa cuối năm 2019.
Các bạn nghe quảng cáo thực phẩm chức năng đã được chứng nhận bởi FDA thì đừng có tin nha! Đồ ở Mỹ chưa chắc là đồ tốt đâu.
- Hầu hết các (quảng cáo về) lợi ích của thực phẩm chức năng đều không được kiểm chứng và không có các nghiên cứu về lợi ích thực sự cũng như tác hại có thể có.
Thế nhưng tôi biết nhiều người "điếc không sợ súng", vô cùng dễ dàng chấp nhận đưa vào người một thứ gì đó trong khi không hề biết gì về thứ đó. Có khi đã mất tiền vô ích mà còn tự hại mình, như cô gái kể trên.
"Thuận tự nhiên", uống vitamin D 10.000 UI/ ngày - tiêu tùng hai trái thận!
Ngay cả vitamin như vitamin D khi uống nhiều cũng có tác hại. Mấy tháng trước báo chí Mỹ đăng một trường hợp uống Vit D 10.000 UI/ngày trong hơn 1 năm theo lời khuyên của một bác sĩ trường phái "tự nhiên". Hậu quả là tiêu tùng luôn hai trái thận.
Đừng bị huyễn hoặc bởi lời quảng cáo là sản phẩm chiết xuất từ cây cỏ tự nhiên. Cây cỏ cũng là thuốc mà cũng là độc chất: tuỳ người, tuỳ thứ, tuỳ liều lượng. Lá ngón cũng là cây cỏ tự nhiên đó!
Hiện nay đã có hơn 1.000 thuốc và thảo dược được xác định có độc tính với gan.
Xin mọi người tỉnh táo, hiểu rõ những nguy cơ có thể khi sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng, coi chừng bỏ tiền tự đầu độc mình.
Emily Goss, một nhà phân tích tài chính 23 tuổi ở bang Texas, Mỹ cho biết trước giờ cô vẫn khỏe mạnh, nhưng cách đây ít lâu, cô bắt đầu dùng một loại thực phẩm chức năng dành cho phụ nữ, do công ty Alani Nu bán ra ở Mỹ. Nó được quảng cáo là giúp hỗ trợ cân bằng nội tiết tố, kiểm soát cân nặng, khả năng sinh sản và làm đẹp da.
Trong nhiều tháng, cô uống bốn viên thuốc mỗi ngày. Đến cuối tháng 11/2019, cô nhận thấy các triệu chứng như đau bụng, mệt mỏi, và vàng mắt.
Chỉ trong chưa đầy ba tuần, Goss bị suy gan cấp. Cô được chuyển đến bệnh viện và được ghép gan khẩn cấp.
Tiến sĩ Jeffrey Weinstein, Giám đốc Y khoa về Dịch vụ Ghép gan và Gan mật, MD cho biết khá hiếm trường hợp bị suy gan cấp tính là hiếm, nhưng có đến 30% đến 40% trong đó có liên quan đến thảo dược hoặc thực phẩm chức năng.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, chấn thương gan từ thuốc, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng đã nổi lên như một vấn đề sức khỏe ngày càng quan trọng ở Mỹ.
"Nhiều trong số này được quảng cáo là tự nhiên, tốt cho sức khỏe", Tiến sĩ Jeffrey Weinstein nói - "Tôi xem tất cả chúng là thuốc, tất cả chúng là hóa chất, vì vậy cần thận trọng với cách sử dụng chúng và lý do bạn sử dụng chúng."
Theo nghiên cứu, có hơn 1.000 loại thuốc và sản phẩm thảo dược có liên quan đến chấn thương gan. Các bác sĩ loại trừ tất cả các khả năng khác và tin rằng chính loại thực phẩm chức năng và Goss uống đã dẫn đến bệnh gan của cô.
Theo nbclosangeles.com
Link báo gốc: http://ttvn.vn/doi-song/dung-thuc-pham-chuc-nang-den-nat-gan-hong-2-qua-than-dung-tin-nha-do-o-my-chua-chac-la-tot-dau-820201318123471.htm
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.