Chỉ trong mấy ngày gần đây đã xảy ra liên tiếp 2 vụ tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ (1 trường hợp tử vong do nâng ngực ở TP HCM; và một trường hợp khác tử vong sau khi nâng mũi ở Hà Nội). Đây không phải là những trường hợp đầu tiên tử vong khi đi phẫu thuật làm đẹp. Tuy nhiên, những cái chết tức tưởi vẫn xảy ra.
Vì sao có tình trạng này?
Trao đổi với phóng viên, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, trong phẫu thuật nói chung và phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng, chỉ cần lơ là một chút là tai biến luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Chính vì vậy công tác quản lý sức khỏe của bệnh nhân trước trong và sau quá trình phẫu thuật là điều cực kỳ quan trọng. Đấy là lý do vì sao mà các bác sĩ phải được đào tạo rất là bài bản mới có thể tiến hành phẫu thuật trên bệnh nhân.
Bên cạnh đó là điều kiện về cơ sở vật chất, phòng phẫu thuật, trang thiết bị vật tư trong quá trình phẫu thuật cũng cực kỳ quan trọng”, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn cho hay.
Tuy nhiên, với nhiều năm kinh nghiệm làm thẩm mỹ, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn nhận thấy tình trạng hiện nay các thẩm mỹ viện chui không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị mọc lên tràn lan.
Các "bác sĩ tay ngang" nhiều vô số kể. Từ anh thợ cắt tóc gội đầu hay chị thợ làm nail, phun xăm, spa sau một vài khóa học ngắn hạn, khoác áo bluse lên tự xưng là bác sĩ. “Với các chiêu trò marketing đánh vào tâm lý muốn làm đẹp nhanh, không đau, giá rẻ của người dân. Bên cạnh đó là sự cả tin, thiếu hiểu biết của người dân là lý do khiến cho tai biến biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng gia tăng”, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn ái ngại.
Theo đó, khách hàng đi làm phẫu thuật thẩm mỹ phải đối mặt với khá nhiều rủi ro: đầu tiên là yếu tố thẩm mỹ chưa đạt được như mong muốn, tiếp đến là những tai biến biến chứng mức độ từ nhẹ tới nặng và thậm chí có thể là tử vong.
Để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra khi đi làm đẹp, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn cho rằng, người dân không nên quá tin tưởng vào những lời quảng cáo, giới thiệu mà hãy tìm hiểu kỹ về cơ sở mình sẽ đến làm đẹp.
Tìm hiểu rõ xem cơ sở đó có được cấp phép hay không, bác sĩ phẫu thuật cho mình là ai có đúng là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hay không rồi hãy quyết định chọn mặt gửi vàng.
“Đi làm đẹp đặc biệt là phẫu thuật mà không tìm hiểu kỹ, làm theo cảm hứng, rồi nghe lời ngọt ngào của các “bác sĩ” tay ngang là vô cùng nguy hiểm. Tuyệt đối không tiện thể cắt cái tóc mà làm ngay cái mí, tiện thể nó gần nhà mà làm cái mũi. Rất nhiều tỉnh thành còn chưa có phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ nào nhưng các phòng mổ tại gia bởi các spa tay ngang thì vô số kể. Còn chưa kể nhiều người còn đến tận nhà để làm đẹp, điều này vô cùng nguy hiểm. Người dân hết sức cẩn trọng”, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn khuyến cáo.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay sau khoảng thời gian dài giãn cách, nhiều người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh nhu cầu làm đẹp bắt đầu tăng lên. TS. BS Hoàng Thanh Tuấn thông tin theo ASA (Hội gây mê Hoa Kỳ) với những cựu F0 chỉ đi làm phẫu thuật thẩm mỹ (đại phẫu thuật) sau khi khỏi bệnh 4 tuần với những F0 không triệu chứng, ngoài 6 tuần với F0 có triệu chứng và ngoài 8 tuần với F0 phải nằm viện và ngoài 12 tuần với F0 phải chăm sóc tích cực.
Link gốc: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/phu-nu-dep/neu-khong-muon-chet-chi-em-di-phau-thuat-tham-my-dung-tien-the-406948.html
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.