Hiện nay, test nhanh COVID-19 bằng kháng nguyên tiết kiệm được nhiều thời gian, thuận tiện, chi phí rẻ hơn so với xét nghiệm PCR - được xem là tiêu chuẩn vàng trong việc xác định người bị nhiễm COVID-19. Người sử dụng test nhanh có thể tự test tại nhà, cho kết quả khá tốt nếu bảo đảm các quy trình lấy mẫu.
Tuy nhiên, các bộ kit test nhanh vẫn có hạn chế về tỉ lệ dương tính giả/ âm tính giả mang đến nhiều khó khăn cho việc kiểm soát dịch lúc này.
Các loại test nhanh đang được sử dụng tại Việt Nam và độ đặc hiệu, độ nhạy
Đến nay, Bộ Y tế đã phê duyệt 16 loại test nhanh kháng nguyên chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Độ nhạy của các test khác nhau, từ độ nhạy rất thấp 30% đến độ nhạy cao 90%, nhưng thấp hơn xét nghiệm phân tử (PCR). Về độ đặc hiệu của PCR, đa phần thường khoảng 97-99%.
Số người dương tính giả của test phụ thuộc vào tỉ lệ nhiễm trong cộng đồng và độ đặc hiệu của phương pháp xét nghiệm. Tại các vùng có tỷ lệ lưu hành thấp, tỉ lệ dương tính giả tăng lên. Các nhân viên y tế nên dựa vào tỷ lệ phổ biến tại địa phương khi giải thích các kết quả xét nghiệm chẩn đoán.
Ví dụ, một xét nghiệm có độ đặc hiệu 98% sẽ có PPV (positive predictive value - giá trị dự đoán dương) chỉ hơn 80%, nghĩa là trong 100 người có xét nghiệm dương tính thì có 20 người là dương tính giả (không có bệnh) trong một quần thể có tỷ lệ hiện mắc bệnh là 10%. Nếu quần thể có tỷ lệ hiện mắc bệnh là 1%, trong 100 người có xét nghiệm dương tính thì có 70 người là dương tính giả.
Theo kết quả tại TP HCM, có 42.400 trường hợp dương tính với test nhanh trong 1 triệu người, như vậy có ít nhất 20.000 người là dương tính giả. Tuy nhiên đây chỉ là trong điều kiện lấy đúng thời gian phát hiện được virus trong cơ thể và các kỹ thuật, các bước thực hiện đã bảo đảm đúng yêu cầu.
Vì vậy, khi đọc các kết quả từ test nhanh và ngay cả PCR, nhân viên y tế cần kết hợp tất cả các thông tin lâm sàng, chẩn đoán và dịch tễ học sẵn có. Các yếu tố đặc hiệu của bệnh nhân cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Các yếu tố đặc hiệu này thường bao gồm:
- hệ miễn dịch của con người bị tấn công bởi các yếu tố dạng thấp
- các kháng thể không đặc hiệu khác
- các mẫu xét nghiệm có độ nhớt cao.
Với những số liệu ở trên, ta có thể thấy khi thực hiện xét nghiệm đại trà thì số người "dương tính giả" với test nhanh và ngay cả PCR (False positive person) cũng sẽ tăng cao theo.
Vậy nên nếu những người này không được làm xét nghiệm RT-PCR để xác định lại họ có thực sự dương tính với COVID-19 hay không thì sẽ để lại nhiều hậu quả, bất lợi cho họ cũng như cho nguồn lực y tế.
Theo một nghiên cứu, "dương tính giả" sẽ gây ra nhiều hậu quả khác nhau như việc điều trị, chăm sóc không cần thiết đối với những bệnh nhân này, phải tổ chức cách ly hoặc tốn nguồn lực truy vết làm tiêu hao, phân tán nguồn lực chống dịch và còn có nguy cơ bị lây nhiễm chéo khi bị đưa vào cách ly tập trung với những người đã thực sự bị nhiễm COVID-19.
Ảnh minh họa
Tiêu tốn nguồn lực, gánh nặng cho y tế
Nhiều người "dương tính giả" phải chịu oan và phải đi cách ly tại các cơ sở, bệnh viện hoặc cách ly tại nhà. Những trường hợp "dương tính giả" này sẽ càng tăng lên cùng với số lượng người được xét nghiệm diện rộng và sẽ làm tăng gánh nặng rất lớn cho nhân viên y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
Các cơ sở y tế của ta hiện nay đang quá tải vì số lượng bệnh nhân F0 ngày càng gia tăng, nếu như nguồn lực y tế còn bị phân tán để chăm sóc những đối tượng "dương tính giả" này nữa sẽ tạo thêm nhiều gánh nặng, áp lực cho họ và không đảm bảo đủ nguồn nhân lực để chăm sóc các trường hợp F0 nặng hay thực hiện các nhiệm vụ khác quan trọng hơn.
Hơn nữa, đối với những bệnh nhân F0 cách ly tại nhà sẽ được thành phố hỗ trợ, cung cấp phát thuốc hoặc các dụng cụ y tế như máy đo huyết áp, máy đo Sp02. Bệnh nhân sau khi cách ly 14 ngày tại nhà cũng phải thực hiện test trở lại để xác nhận hết lây nhiễm. Có thể thấy rằng, ta phải tiêu tốn lượng lớn nguồn lực, tiền bạc không cần thiết vào những người "dương tính giả" này vì không đảm bảo họ có đang thực sự bị nhiễm hay không.
Nguy cơ lây nhiễm từ nơi cách ly
Trước khi có những quyết định thí điểm F0, F1 cách ly tại nhà, những người có kết quả test nhanh dương tính đều phải cách ly tập trung tại cơ sở cách ly, trung tâm y tế. Vì vậy, những người "dương tính giả", cơ bản là họ không hề nhiễm vi-rút nhưng lại có nguy cơ bị lây nhiễm cao từ những người F0 "thực sự đã bị nhiễm" vì phải cách ly tập trung. Phải chăng đây cũng là lý do tại sao xuất hiện nhiều trường hợp bệnh nhân dương tính sau khi kết thúc thời gian cách ly tập trung?
Ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế
Trong quyết định mới của Bộ Y tế, những người có kết quả test nhanh dương tính và đủ yêu cầu sẽ được thực hiện cách ly tại nhà, vì vậy sẽ vô tình làm cho rất nhiều người "dương tính giả" cũng phải thực hiện cách ly không cần thiết theo quy định và cản trở cuộc sống, công việc của họ. Những người này phải dừng công việc hằng ngày của mình để cách ly, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình cũng như các cơ quan làm việc khi có người dương tính cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kết quả "dương tính giả" còn gây lo lắng, căng thẳng cho người dân đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc người mắc các bệnh nền khác. Họ lo lắng về nguy cơ tử vong khi nhiễm COVID-19, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và ngoài ra còn dễ stress quá mức khi nghĩ rằng mình có thể lây lan cho người thân trong gia đình. Một vấn đề nghiêm trọng khác cần phải được nhắc đến đó là những người có kết quả "dương tính giả" này họ tin rằng mình đã có miễn dịch với COVID-19 nên họ không còn lo ngại khi phải tiếp xúc với người bị nhiễm, vì vậy mà họ từ chối việc tiêm chủng COVID-19 hay không còn tuân thủ các biện pháp phòng hộ cá nhân nữa.
Mất cơ hội được tiêm vaccine COVID sớm
Theo quy định của Bộ Y tế, người đã mắc COVID-19 có thể tiêm vaccine phòng COVID-19 sau khi khỏi bệnh 6 tháng. Nếu như vậy, những người "dương tính giả" phải mất tối thiểu 6 tháng mới được tiêm vaccine vì đã bị nằm trong diện từng là bệnh nhân F0.
6 tháng là một khoảng thời gian rất dài và điều này còn có thể gây nguy hiểm cho nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi nếu như không được tiếp cận với vaccine càng sớm càng tốt. Cho dù từng mắc COVID-19, lượng kháng thể sinh ra sau khi mắc bệnh có thể không quá cao hoặc có trường hợp còn không phát hiện được kháng thể nên cần phải tiêm vaccine để tăng cường.
Với những hậu quả được nêu ở trên, không nên dùng xét nghiệm đại trà khi tỉ lệ mắc bệnh trong quần thể thấp làm đa số người có kết quả dương tính là giả. Chỉ nên dùng xét nghiệm khi một vùng có tỉ lệ người nhiễm, người có triệu chứng hoặc người có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với F0 cao.
Chỉ nên dùng xét nghiệm khi tỉ lệ trong quần thể mắc bệnh cao như những người triệu chứng hay những người có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với F0.
Nhóm tác giả:
Nguyễn Thanh An, Khoa Y, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng
Nguyễn Thị Hiền Hậu, Khoa Y, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng
PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt Đới và Sức Khỏe Toàn Cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản)
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/duong-tinh-gia-trong-xet-nghiem-covid-19-nhung-f0-bi-oan-va-4-he-luy-rat-nghiem-trong-cho-nen-y-te-161212909120629384.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.