Em bé 5 tuổi có mẹ mà vẫn mồ côi, cùng ông bà mưu sinh bên xe bột chiên vỉa hè Sài Gòn

27 năm trôi qua, cuộc đời thay đổi, ông bà vẫn lầm lũi bên xe bột chiên thân quen để mưu sinh cho bản thân và đứa cháu ngoại nhỏ xíu tuổi ăn tuổi lớn.

Ở ngã tư giao giữa Điện Biên Phủ và Phùng Khắc Khoan, chiều nào cũng có hai người bạc mái đầu, lui cui nhóm lửa, chiên bột từ lúc trời tắt nắng cho đến tờ mờ sáng hôm sau. Mà thương nhất là hình ảnh cậu bé chưa tròn 5 tuổi, luôn lẽo đẽo theo sau mỗi khi ông bà làm việc. Ánh mắt, nụ cười ngây thơ cũng như câu chuyện buồn của bé khiến thực khách ghé quán dù chỉ một lần cũng không khỏi xúc động.

Tôi quyết định tìm đến đây trong một buổi chiều thư thả, để nhâm nhi món ngon dân dã của Sài Gòn, để nghe chuyện về một mảnh đời không may cùng ao ước của cặp vợ chồng già bên chiếc xe bột chiên lâu năm.

Dù mới nhỏ xíu, nhưng "chàng" Tuấn nhà ta rất biết cách tạo dáng chụp hình.

Tôi ghé quán lúc vừa tan tầm, khi ngoài kia xe cộ vội vã lướt ngang nhau. Chỉ có độc mỗi bà Hoa - một trong hai người chủ, đang đứng loay hoay chiên bột khá vất vả. Rồi sau đó một lúc, một người đàn ông lớn tuổi lại giúp bà Hoa những phần việc còn lại. Lúc đầu, tôi cứ tưởng đó là chồng bà, nhưng hóa ra tôi nhầm. Người đàn ông đó là ông Hiếu - người lái xe ôm ngay ngã tư, luôn giúp bà Hoa những lúc đông khách hoặc chồng bà Hoa bận đi đón cháu.

Dù chẳng phải chủ hàng, ông Hiếu chiên bột cũng điệu nghệ không kém, đặc biệt là cách ông trở bột rất nhanh nhẹn, chắc vì tuổi đời của ông còn khá trẻ so với bà chủ, thành thử thao tác có phần dứt khoát hơn. Rắc vài cọng hành lá kèm dưa chua đu đủ nồng nồng lên phía trên nữa là hoàn thành đĩa bột chiên ngon lành, nếu không lân la hỏi chuyện, chắc tôi còn không biết ông chỉ là... ông xe ôm "hàng xóm".

Nhìn ông Hiếu nhanh nhẹn trở bánh, đâu ai nghĩ đây lại là ông xe ôm đầu hẻm, tiện tay giúp giùm cặp vợ chồng già!

Đĩa bột vàng giòn, nóng hổi do chú Hiếu làm không kém phần hấp dẫn.

Được người hàng xóm tốt bụng phụ giúp nhiệt tình nên phần công việc của bà Hoa cũng đỡ nặng nhọc, bà chạy đi lấy bọc, nước tương cùng vài đôi đũa để sắp phần cho khách mang về. Mới 60 tuổi, nhưng mắt bà Hoa đã rất yếu. Bà cứ mò mẫm tờ tiền, dí sát mắt nhìn cho kỹ rồi hỏi lại cặn kẽ tờ tiền mệnh giá bao nhiêu, đặng thối lại cho khách.

Bà kể, có lần, khách đưa tiền nhỏ, nhưng bà cứ nghĩ là đưa tờ 500 ngàn. Bà thối nhầm mà khách cũng lẳng lặng đi luôn, làm bà tiếc rẻ cả một ngày trời làm lụng vất vả tới tận sáng cũng chưa lại được số tiền ấy. Khách đến quán thường thấy bà Hoa luôn có một vẻ đăm chiêu, có lẽ vì đôi mắt yếu ớt kia chẳng thể nhìn rõ một vật gì nếu không nheo nheo hơi khép lại.

Bà Hoa gặp khó khăn mỗi khi thối tiền thừa cho khách vì thị lực không tốt.

Tôi ngồi ăn hết dĩa bột chiên ngon lành, nói được vài ba câu với bà chủ quán thì cậu nhóc được ông ngoại chở đi học về, hí hửng trên tay cầm bịch bánh cùng hộp sữa trông chừng thích thú lắm. Thấy tôi cầm chiếc máy ảnh sáng loáng, đôi mắt thằng bé sáng rực lên, lại năn nỉ tôi chụp cho nó một tấm… đang ăn bánh.

Mà cũng kỳ lạ lắm à nghen, thằng bé tạo dáng như thể đã quen với việc ông kính chĩa vô mình, cứ tự nhiên cười duyên rồi tạo dáng hết cỡ rất ngộ nghĩnh. Chưa hết, ăn bánh chán, thằng bé còn kéo tay tôi chạy về phía cái xe "ruột" của ông ngoại nó, cốt để nói chụp cho nó một bức hình với cái dáng thiệt ngầu. "Chú chú, chụp con thiệt đẹp nha chú!", tiếng thằng bé liếng thoắng rôm rả cả con đường Phùng Khắc Khoan nhộn nhịp.

"Ai chỉ con cách khui bịch bánh này với?"

Ông Sắt khi vừa đón cháu về đứng chiên bột luôn tay. Ông kể, xe bột chiên này đã theo ông từ lúc mới vào Nam lập nghiệp, rồi sinh con đẻ cái vẫn giữ nguyên cái nghề để có kế sinh nhai. Ấy vậy mà đã 27 năm trôi qua, cuộc đời thay đổi, ông vẫn lầm lũi bên xe bột chiên thân quen để mưu sinh cho bản thân khi các con không còn bên cạnh.

Hình ảnh ông Sắt đứng chiên bột đã trở nên thân quen ở ngã tư Phùng Khắc Khoan.

Ông loay hoay với xe bột chiên này đến nay cũng gần 30 năm rồi…

Khi ông Sắt về, bà Hoa cũng được dịp rảnh tay hơn. Bà người gốc Quảng Ngãi, vào Nam lập nghiệp nên có đủ chuyện kỷ niệm hồi còn ở quê, chuyện hồi mới lên thành phố... Sức khỏe bà yếu, mắt bà kém nhưng trí nhớ trông chừng còn minh mẫn lắm.

Chắc vì vậy mà nỗi đau gia đình bà phải gánh chịu khiến bà không thể nào quên được. Con trai cả bị người ta lừa gạt, giờ về sống với cha mẹ trong căn hộ chật hẹp. Người con thứ hai vì mê cờ bạc nên cầm cố căn nhà chung, khiến ông bà lao đao trong vòng vây chủ nợ. Đau lòng nhất là người con gái út có con, sinh nở xong với một người bội bạc để rồi con tròn tuổi cũng là lúc chị bỏ con mà đi. Cứ thế cuộc đời ông bà quay mòng mòng, không khổ vì con cũng khổ vì cháu suốt một kiếp người.

Cậu bé Tuấn hồn nhiên vui chơi quanh quẩn bên ông bà, ngoan ngoãn không rời nửa bước.

Nhắc lại chuyện của gia đình, bà Hoa suýt bật khóc. Mấy tháng trước, chủ nợ tìm đến người con thứ hai của ông bà nhưng anh ta đã trốn đâu biệt tích mấy năm nay, căn nhà nhỏ chỉ còn mỗi ông bà và cháu bé sinh sống. Vậy mà thi thoảng, họ vẫn đến quậy, để siết nợ hai vợ chồng già.

Có đêm, khi về nhà lúc hai giờ sáng, bà thấy nhà mình bị trét mắm tôm đầy tường, mùi hôi bốc lên khiến ông bà không tài nào ngủ được. Thế là hai con người già nua, trong một đêm gió lạnh phải oằn mình lau dọn vết dơ trước cổng, vừa lau vừa khóc cạn nước mắt. Họ khóc vì không thể nào xóa sạch hết những vết dơ kia, khóc vì tự trách không thể giúp đứa cháu ngoại có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bà Hoa không én nổi xúc động khi luôn có chuyện không may xảy đến với gia đình.

Ngồi trò chuyện cùng bà Hoa làm tôi quên luôn cả khái niệm thời gian, nhìn sang màu trời đã chập tối tự bao giờ. Đã là sáu giờ ba mươi phút nhưng quán bột chiên ven đường vẫn vắng hoe. Người ta đang vội trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, chẳng mấy ai quan tâm đến hàng bột chiên tĩnh lặng kế con đường đông đúc.

Liếc sang nhìn ông Sắt, tôi cũng thấy ông không còn chiên bột nữa, mà chỉ ngồi đó, trên chiếc ghế đẩu cũ nhìn dòng xe qua lại. Hôm nay lại một ngày hội chợ ở công viên Lê Văn Tám, đáng lẽ khách phải ăn nhiều hơn những ngày thường lệ, đáng lẽ mẻ bột phải vơi đi phân nửa thì mới kịp trước mười hai giờ khuya, cả ba cùng dọn dẹp để về nhà nghỉ ngơi. Có lẽ lại một ngày nữa hơn hai giờ sáng mới hết hàng, lại một ngày nữa Tuấn phải ngủ trên những chiếc bàn nhựa xếp lại làm giường, chờ ông bà ngoại bán buôn.

Hôm nay, dù khách vãng lai hay thân quen, cũng rất ít, chẳng đủ lấp đầy khoảng trống.

Đứng tần ngần nhìn gia đình ấy, tôi thoáng buồn. Nhưng bé Tuấn lí lắc, cười giòn tan thì vẫn vui vẻ bên xe bột chiên. Tuấn đã quen với việc không có mẹ xuất hiện bên đời, cũng chẳng thắc mắc về cha, bởi ông bà em dạy, cha Tuấn đã chết rồi (thực ra là cha Tuấn từ chối nhận em). Trong lòng Tuấn, ông bà và trường lớp, cả xe bột chiên này nữa là cả thế giới của em. Có phải ngủ trên bàn nhựa, Tuấn vẫn vui vì được ông bà yêu thương. Còn ông Sắt, bà Hoa, họ chỉ mong có đủ sức khỏe để bán bột chiên nuôi thân, nuôi cháu ngoại nên người, gần nhất là mong có một cái Tết đủ đầy thương yêu.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang