Em bé vùng cao và những ước mơ nhỏ ngày cận Tết

Cao Nguyên Mộc Châu những ngày giáp Tết lạnh giá dưới 10 độ C, hoa mận nở trắng thung lũng mận Nà Ka. Các em bé dân tộc Mông nơi đây được nghỉ Tết sớm hơn, hàng ngày theo mẹ, theo bà đi làm, mang theo những ước mơ giản dị như có quần áo mẹ may và được mua đồ chơi mới.

Tại Mộc Châu hiện nay có rất nhiều dân tộc sinh sống như Thái, Mông, người kinh, ngoài ra còn có người Lào, người Hoa, người Khơ Mú, Dao, Tày... khiến cho nơi đây muôn màu muôn vẻ đa dạng bản sắc văn hóa.

Nằm trên đường vào xã Tân Lập, thung lũng mận Nà Ka chỉ cách đồi chè trái tim khoảng 6,7km. Đường vào tương đối khó khăn, lại cách trung tâm thị trấn khá xa so với các điểm khách đến mà Nà Ka thường bị bỏ qua. Chưa bị “du lịch hoá” quá mức như Sa Pa, đa số các em người dân tộc ở đây vẫn còn rất hồn nhiên, không xảy ra tình trạng xin tiền khách du lịch. Các em bé người Mông hồn nhiên vui đùa, hiếu khách và luôn thích được chụp hình.

Người Mông chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo, từ ngày 26/1 Âm lịch. Mỗi người mỗi việc, phụ nữ miệt mài hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để cho người thân trong gia đình diện Tết. Đàn ông tất bật đi mua sắm đồ hay thịt lợn, gà làm bữa cơm thịnh soạn cho gia đình. 

Nếu như với người Kinh ở miền xuôi, mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét thì Tết người Mông phải có bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất. Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang