Chấn động vì hàng trăm học sinh nhập viện
Những ngày qua, sự việc hơn 600 học sinh bị ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa), trong số đó hơn 200 em phải nhập viện, một em tử vong khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng.
Ngay sau đó, một vụ ngộ độc thực phẩm ở Tây Ninh cũng khiến phụ huynh học sinh lo lắng. Cụ thể ngày 26/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh và Trung tâm Y tế TP.Tây Ninh tiếp nhận 11 học sinh nhập viện điều trị với dấu hiệu ngộ độc thực phẩm như nôn ói, sốt cao, đau bụng. Theo thông tin sơ bộ ban đầu, nguyên nhân ngộ độc nghi là do ăn sushi cơm cuộn trước cổng trường học.
Đây không phải lần đầu chuyện bữa ăn học đường bị đưa ra công luận. Bởi trước đó có những trường hợp bữa ăn lèo tèo hoặc phát hiện có giòi trong thức ăn của học sinh.
Mới đây, phụ huynh có con học tại hệ thống Trường dân lập Quốc tế V.U ở TPHCM phản ánh về sự việc bữa ăn của học sinh có giòi. Phía nhà trường cho rằng, khả năng tại công đoạn cắt thái đã không phát hiện ra con giòi nằm bên trong trái cà chua. Trước thông tin này, nhiều phụ huynh của trường vô cùng bức xúc và lo lắng, đồng thời nhà trường cũng gửi kết quả kiểm nghiệm để phụ huynh học sinh được yên tâm.
Dư luận cũng đã từng xôn xao khi vào năm 2019, tại Hà Nội, hàng trăm phụ huynh trường tiểu học Đ.T (quận Bắc Từ Liêm) vây cổng trường đòi đối thoại vì bữa ăn của học sinh quá lèo tèo so với số tiền bỏ ra.
Năm 2019, tại Trường tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai (Hà Nội), phụ huynh phát hiện 35 kg thịt gà bốc mùi hôi thối tuồn vào trường để chế biến cho học sinh. Sự việc bị phát hiện buộc nhà trường phải xin lỗi phụ huynh học sinh; Phụ huynh Trường tiểu học Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm tố bữa ăn lèo tèo, không đủ dinh dưỡng với vài viên chả cá đông lạnh chiên; dầu ăn đựng trong can không nhãn mác...
Năm 2015, phụ huynh từng phát hiện 1 xe chở thực phẩm bốc mùi chuẩn bị đưa vào trường Tiểu học Long Bình, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương chế biến cho học sinh.
Chị Dương Thị Thu Hà, có 2 con học tiểu học, THCS ở Hà Nội và đều ăn bán trú chia sẻ: “Ở nhà, phụ huynh lựa chọn thực phẩm ở những nơi uy tín, loại ngon để chế biến cho con. Không có điều kiện đưa đón buổi trưa, đành cho con ăn bán trú ở trường mình vô cùng lo lắng, liệu nhà trường có nhập loại rẻ tiền, có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không. Cần phải quy rõ trách nhiệm về an toàn thực phẩm”, chị Hà nói.
Điều phụ huynh lo lắng không phải là vô lí bởi trước đó, ở nhiều trường học đã để “lọt” thực phẩm mất an toàn vào trường học. Theo tìm hiểu của PV, một số trường học cũ, xuống cấp bếp ăn chật hẹp, cáu bẩn, cảm quan không đảm bảo an toàn; một số trường phải mua suất ăn công nghiệp từ nơi khác do không có bếp ăn....
Phải truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Theo quy định hiện nay, các trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh phải ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh đủ điều kiện, được cấp phép; nhà trường chịu trách nhiệm giám sát quy trình bếp ăn bán trú.
Tuy nhiên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội) Nguyễn Văn Hậu cho biết, yêu cầu các nhà trường khi ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm không chỉ tin vào các giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện mà phải có khâu hậu kiểm. Cụ thể, trường có thể mời các phụ huynh cùng tham gia đi kiểm tra công ty đó họ nhập thực phẩm đầu vào ở đâu, nguồn gốc ra sao?
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, Hà Nội Phạm Văn Ngát cho biết, trên địa bàn hiện có 70 trường thì có tới 60 trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh.
Điều quan trọng là cơ quan quản lý thị trường và ngành y tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm của các công ty, đơn vị cung ứng thực phẩm phải đảm bảo sạch, an toàn. Vì đơn vị kinh doanh sẽ chạy theo lợi nhuận, mua giá rẻ bán giá cao. Trong khi quản lý nhà trường, phụ huynh sẽ không có chuyên môn sâu về thực phẩm, dinh dưỡng, khi giao nhận hằng ngày, họ cũng chỉ biết tin vào cảm quan và nhãn mác được bán trên bao bì sản phẩm.
“Trên thực tế cũng có chuyện một số trường học đã để lọt thực phẩm bẩn vào trường học một cách đáng tiếc, trong đó có nguyên nhân khâu giao nhận kiểm soát không kỹ. Phía công ty cung ứng cũng nhập cho nhiều đơn vị nên không kiểm soát hết chất lượng. Do đó, phải xử lý nghiêm đơn vị vi phạm để làm gương vì thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp sức khoẻ học sinh”, ông Ngát nói.
Ở phía trường học, bà Phạm Thị Xuân Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân cho biết, ngoài kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng thực phẩm thì điều quan trọng là phải đảm bảo quy trình nấu nướng bếp 1 chiều, khu đồ sống, đồ chín riêng biệt, tránh nhiễm khuẩn.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, ông cùng một số thành viên khác trong trường đi kiểm tra thực phẩm cho bữa ăn của nhà trường.
Nhà trường xây dựng thực đơn trước một tuần và học sinh đăng ký trước với thực đơn đó. Nhà trường chủ động chuẩn bị nguồn thực phẩm thì đảm bảo ngày nào cung cấp ngày đó và đúng với số lượng, định lượng và chất lượng bữa ăn.
“Thầy cô và học sinh đều có thực đơn giống nhau. Nhờ làm tốt tất cả các khâu nên trường chưa có hiện tượng mất an toàn trong vấn đề ăn uống”- thầy Bình chia sẻ.
Quy định về bữa ăn học đường cần được luật hóa?
Tại hội thảo về bữa ăn học đường do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, một số chuyên gia cho biết, tiêu chuẩn bữa ăn học đường được nhiều nước đưa vào luật nhưng ở Việt Nam, chủ yếu vẫn tự phát hoặc cảm tính. Thậm chí một số nơi còn xảy ra ngộ độc thực phẩm khiến học sinh phải nhập viện.
Đánh giá về bữa ăn học đường hiện nay, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, trừ cấp học mầm non, hầu hết các trường từ tiểu học trở lên được xây dựng với mục đích ban đầu chỉ phục vụ cho việc dạy và học.
Do nhu cầu cấp thiết của phụ huynh và gia đình, sau đó nhiều trường đảm đương thêm việc phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh.
Cán bộ bán trú, những người trực tiếp chăm sóc bữa ăn cho trẻ không được đào tạo chuyên môn dinh dưỡng, thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn.
Vì vậy, vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong việc xây dựng thực đơn bữa ăn học đường đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, tươi ngon, đa dạng, phù hợp lứa tuổi và hợp lý chi phí.
Tại nhiều nước, quy định về bữa ăn học đường được đưa vào từ nhiều năm trước, quy định cụ thể tiêu chuẩn dinh dưỡng của bữa ăn ứng với từng lứa tuổi, với hàm lượng vi chất, khoáng chất chính xác. Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhấn mạnh đã đến lúc Việt Nam cũng cần có điều luật tương tự.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh (giáo viên đang dạy tại Nhật Bản) cho rằng, nước Nhật ý thức được họ thấp bé, nên rất chú trọng vào dinh dưỡng và tập luyện. "Ở Việt Nam bếp ăn do nhà trường đảm nhận nên nếu nhà trường kinh doanh, rút lõi, không có quy trình gắt gao, mua thực phẩm rẻ không đảm bảo, không màng tới sức khỏe học sinh thì học sinh chịu thiệt. Còn ở Nhật Bản, trường học sẽ có 1 công ty thực phẩm đảm nhiệm đến giờ họ mang đồ ăn tới trường. Họ có quy định hiệu trưởng ăn trước. Nếu như vậy thì trường nào dám làm láo"- cô Thanh nêu quan điểm.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.