Ngành công nghệ vi mạch hay công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, là "huyết mạch" của nền kinh tế số. Ngành này có tiềm năng phát triển mạnh mẽ do nhu cầu ngày càng tăng về các thiết bị điện tử trong cuộc sống hiện đại. Các công nghệ mới như Internet vạn vật (IoT), xe tự lái, trí tuệ nhân tạo (AI), và dữ liệu lớn (big data) đều cần các thành phần chất bán dẫn để hoạt động. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ sản xuất microchip như EUV lithography cũng mở ra cơ hội cho việc sản xuất các chip nhỏ gọn hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Mới đây, trong khuôn khổ của Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức đã chính thức diễn ra tại sân trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại gian tư vấn của Trường Vật liệu (Đại học Bách khoa Hà Nội), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với giảng viên của trường về ngành chất bán dẫn ở Bách khoa và tiềm năng phát triển của ngành trong tương lai.
Đôi nét về ngành Bán dẫn ở Bách khoa
Theo chia sẻ của đại diện trường, ngành chất bán dẫn ở Bách khoa không phải là ngành mới. Chẳng hạn như ở lĩnh vực IT, trong phân phối chương trình vốn đã có phần đào tạo về vật dẫn ở trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ. Song gần đây, do nhu cầu của xã hội, trường đã mở chương trình đào tạo cho trình độ đại học.
Hiện, Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, đó là các ngành: Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch (ĐTVT); Hệ thống nhúng (ĐTVT); Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Kỹ thuật Vi điện tử và công nghệ nano với tổng số hơn 3.300 sinh viên.
Chương trình cử nhân của ngành Bán dẫn tại Bách khoa có thời gian 4 - 4,5 năm. Sau khi lấy bằng cử nhân, các bạn có thể đi làm luôn, nhưng nếu muốn chuẩn bị kiến thức kỹ hơn để đi làm thì các bạn có thể học lên kỹ sư với thời gian đào tạo 5 năm hay cao học, nghiên cứu sinh.
Nói rõ hơn về ngành Kỹ thuật Vi điện tử và công nghệ nano - ngành học do Trường Vật liệu (Đại học Bách khoa Hà Nội) trực tiếp đảm nhận có liên quan đến chất bán dẫn. Mục tiêu của ngành là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng tăng cho ngành công nghiệp bán dẫn. Sinh viên được trang bị kiến thức chuyên môn rộng và vững chắc về cỗng nghệ chế tạo, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm chuẩn các linh kiện vi điện tử tiên tiến như vi mạch, cảm biến, pin mặt trời...
Sinh viên được đào tạo về ứng dụng công nghệ nano trong phát triển các thiết bị vi điện tử. Ngoài ra, sinh viên được bồi dưỡng kỹ năng lập kế hoạch, dự án, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, tăng cường khả năng tiếng Anh và làm việc thực tế để phát triển bản thân trong môi trường toàn cầu hóa.
Khối kiến thức đặc trưng của ngành Kỹ thuật Vi điện tử và công nghệ nano là đào tạo về vật liệu điện tử, quy trình chế tạo và sản xuất các linh kiện vi điện tử, thiết kế mạch và tích hợp cấp hệ thống, các hệ nhúng và lập trình nhúng, các hệ điều khiển tự động, cảm biến, loT, công nghệ bán dẫn, công nghệ nano, công nghệ hiển thị hình ảnh, đóng gói và kiểm chuẩn linh kiện vi điện tử.
Cơ hội việc làm ra sao?
Về cơ hội việc làm, thầy thông tin thêm: "Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc vốn có thế mạnh về ngành bán dẫn. Tuy nhiên, gần đây xu hướng đang dịch chuyển về các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chính phủ đang có đề án xây dựng để làm sao đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn. Cơ hội việc làm của ngành chắc chắn là không nhỏ nhưng cụ thể thế nào thì còn tùy thuộc vào tình hình thực tế".
Sau khi ra trường, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí việc làm: Kỹ sư thiết kế - chế tạo vi mạch và linh kiện điện tử-bán dẫn, Kỹ sư nghiên cứu và phát triển (R&D), Kỹ sư quản lý sản xuất (PE), Kỹ sư quản lý chất lượng (QA), Kỹ sư vận hành sản xuất chip và các linh kiện, thiết bị điện tử-bán dẫn.
- Các cơ sở tuyển dụng: Các tập đoàn, nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và phát triển trong công nghiệp bán dẫn.
- Lĩnh vực điện tử - bán dẫn
- Lĩnh vực pin mặt trời
- Lĩnh vực sản xuất Chip
Ở một diễn biến khác, theo nhận định trong hội thảo "Thực trạng và giải pháp trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu triển khai lĩnh vực vi mạch bán dẫn Việt Nam tầm nhìn 2045" do Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA), dù được xem là ngành công nghiệp "tỷ USD", ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng.
Cụ thể hơn, Việt Nam hiện đang thiếu khoảng 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong một dự báo khác, Việt Nam trong 10 năm tới cần khoảng 50.000 nhân sự từ trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, đáp ứng cho ngành này vẫn còn là một thách thức lớn, đặc biệt là về chất lượng và số lượng nhân lực. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu của ngành.
Với định hướng phát triển của Chính phủ về việc xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2023 - 2030 và sự đầu tư của nhiều công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn vào Việt Nam... nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này gia tăng rất mạnh và Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.